Từ tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước thay đổi cách điều hành tỷ giá, bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm giữa VND với USD.
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày, tăng hoặc giảm linh hoạt theo các cấu phần tính toán tạo nên nó. Tỷ giá USD/VND của các ngân hàng thương mại giao dịch với dân cư và doanh nghiệp xoay quanh đó với biên độ không được thấp quá 3%, cũng không được cao quá 3%.
Từ đầu năm 2018, có tăng có giảm, nhưng chủ yếu tỷ giá trung tâm thể hiện xu hướng tăng kéo dài, tích lũy từ những bước tăng nhỏ. Với biên độ trên, tỷ giá trung tâm càng tăng, mẫu số càng lớn thì mức trần càng cao.
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước nâng và giữ tỷ giá trung tâm ở mức 22.676 VND, cũng là mức cao nhất kể từ khi tỷ giá này ra đời. Giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại đã áp sát trần, một số thành viên đã áp kịch trần 23.356 VND.
Như thông thường, giá mua vào USD của các ngân hàng hiện vẫn thấp hơn 80 - 100 VND so với giá bán ra. Trong tất cả các đợt biến động trước đây, căng thẳng chỉ xuất hiện khi chênh lệch đó bị thu hẹp, giá mua bị đẩy lên sát giá bán, thể hiện nhu cầu quyết mua ngoại tệ của ngân hàng, thậm chí từng có một vài thời điểm trước đây giá mua san bằng giá bán ra và cùng kịch trần biên độ.
Bắt đầu từ tháng 6/2018, tỷ giá USD/VND biến động, cũng là thời điểm cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc nổ ra. Tiếp tục diễn ra trong tháng 7, kéo dài cho đến đầu tháng 8 này và chưa có dấu hiệu thực sự hạ nhiệt.
Nhìn lại, kể từ sau cú sốc lịch sử phá giá hơn 9% đầu năm 2011, quãng ổn định đến từ 2012-2013, tỷ giá USD/VND có những đợt biến động lớn từ 2014 đến nay gắn với những sự kiện, biến cố lớn.
Tháng 5/2014, xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, cộng hưởng với sự cố phá hoại tại Bình Dương đối với doanh nghiệp FDI.
Tháng 8/2015, Trung Quốc bất ngờ phá giá rất mạnh đồng Nhân dân tệ.
Cuối tháng 6 đầu tháng 7/2016, sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Cuối tháng 11/2016, sự kiện ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.
Ít nhất trong bốn dữ kiện trên tỷ giá USD/VND đều biến động mạnh, trong đó có thời điểm Ngân hàng Nhà nước phải bán lượng lớn ngoại tệ ra can thiệp. Và điểm chung, trong các đợt biến động chính trên, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt khá nhanh sau đó.
Còn lần này, đã hai tháng biến động và giá USD bán ra của các ngân hàng đã áp sát trần biên độ, tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thực sự. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc tiếp tục có những căng thẳng mới, dự kiến tháng 9 tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất đồng USD, đồng Nhân dân tệ đang xuống giá… Áp lực đối với tỷ giá USD/VND vẫn còn tiềm tàng ở phía trước.
Trong tháng 6 và 7 vừa qua, dư địa để biến động tỷ giá USD/VND còn lớn, do giá USD các ngân hàng bán ra nằm sâu dưới trần biên độ. Nhưng đến nay, dư địa đó đã dùng hết, giá đã áp sát trần. Theo đó, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố trở nên nổi bật.
Khi biên độ ở hướng tăng đã được các ngân hàng thương mại dùng hết, nếu tỷ giá trung tâm tăng lên, mức trần được nới lên một phần; ngược lại, nếu nó giảm, giá USD bán ra của các ngân hàng sẽ bị ép xuống; nếu đứng yên, giá trị phản ánh thực tế có thể bị hạn chế.
Trong những tình huống trên, diễn biến có thể khác đi nếu có hoạt động bán ra can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, hoặc có những chuyển động nào đó đủ lớn trên thị trường thuận lợi cho bình ổn.
Theo cơ cấu, tỷ giá trung tâm được xây dựng bởi ba cấu phần: cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam; các cân đối kinh tế vĩ mô.
Trong ba cấu phần trên, với các cân đối kinh tế vĩ mô, một tham khảo có ở định hướng của Thủ tướng Chính phủ nêu tại phiên họp thường kỳ tuần qua: "Cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể".