Aa

Tỷ phú đô la mới Trần Đình Long: “Tôi không phiền lòng gì về việc P/E của HPG thấp”

Thứ Bảy, 10/03/2018 - 06:00

Tối ngày 06/03/2018, Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018 và Việt Nam có 2 doanh nhân họ Trần được thêm vào. Đó là ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hòa Phát (HPG) và ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT của ô tô Trường Hải (THA).

Trả lời câu hỏi của phóng viên khi đó, ông Long nói: "Tôi thấy rất bình thường".

Tuy nhiên, vào buổi sáng hôm sau, ông mới biết sức ảnh hưởng của sự kiện này lớn như thế nào khi mà tại quán cà phê quen thuộc, mọi người cũng đến bắt tay chúc mừng.

"Bây giờ có lẽ tôi phải thay đổi câu trả lời. Tôi vui, rất vui. Một phần vì được thế giới công nhận, phần khác, quan trọng hơn là ảnh hưởng của thông tin này đến doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất lớn." – ông Long trả lời phỏng vấn – "Chắc hôm tới ra đại hội cổ đông, các "ông chủ" của Hòa Phát sẽ thưởng cho tôi vì đã quảng cáo cho tập đoàn qua vụ này".

Ông Trần Đình Long

Ông Trần Đình Long

Theo Chủ tịch của Hòa Phát, việc Forbes bổ sung thêm hai doanh nhân của ngành sản xuất công nghiệp nặng đã phản ánh đúng nền kinh tế Việt Nam – một nền kinh tế đang phát triển, các doanh nghiệp công nghiệp là mũi nhọn tăng trưởng.

Nếu so sánh 3 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes và có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán (bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Phạm Nhật Vượng) thì P/E của cổ phiếu HPG ở mức thấp nhất. Điều này đối với những người am hiểu tài chính thì không có gì lạ. Định giá P/E cho ngành thép hay những ngành không có hàm lượng công nghệ cao luôn ở mức thấp bởi kỳ vọng vào sự đột phá trong tương lai nhờ công nghệ là không lớn. Trong khi sức chống đỡ với rủi ro khách quan lại yếu. Và ông Long cũng hiểu như vậy.

"Thép là ngành sản xuất công nghiệp nặng, cũng là ngành rất truyền thống. Theo quy luật bất thành văn trên thị trường chứng khoán, những công ty không thuộc lĩnh vực công nghệ thì P/E sẽ thấp thôi" – ông Long nói.

Chủ tịch Hòa Phát nhấn mạnh, thị trường chứng khoán phản ánh chính xác nhất thực tế này. Nếu thời gian ngắn, 3-6 tháng, hay một vài ba năm, sự thay đổi có thể không thực chất; nhưng khi đã ở trên sàn chứng khoán hàng chục năm, diễn biến đó sẽ phản ánh đúng, chính xác 100%.

"Vậy nên tôi không có gì phiền lòng cả" - ông Long nói.

Một vấn đề cũng luôn được đặt ra với Hòa Phát từ trước đến nay là việc đặt kế hoạch kinh doanh thấp. Năm 2018, tập đoàn này vẫn đưa ra kế hoạch chỉ ngang với mức thực hiện năm 2017.

Ông Long giải thích: Năm 2017, Hoà Phát ghi nhận lợi nhuận 8.000 tỷ đồng, nhưng từ ngành sản xuất kinh doanh chỉ là 7.300 tỷ đồng, 700 tỷ còn lại do hoạt động hedging (phòng hộ) hàng hóa thị trường quặng đem lại. Theo tính toán của doanh nghiệp, thị trường quặng không còn thuận lợi cho việc hedging nữa nên sẽ khó có khoản thu này.

Thêm vào đó, Hòa Phát đang ở thời kỳ "căng mình ra" tập trung vốn liếng vào Dung Quất (tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD) nên chi phí bỏ ra rất lớn mà chưa có doanh thu. Nếu chỉ kinh doanh với các nhà máy hiện tại và đầu tư dự án ở mức vừa phải thì kế hoạch lợi nhuận có thể cao hơn.

"Vậy nên, phân tích đến cùng, kế hoạch lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng năm 2018 là thay đổi rất lớn, Hoà Phát phải tăng trưởng rất mạnh, rất cố gắng mới có thể đạt được mục tiêu đề ra".

Ông Long cũng chia sẻ, từ nay đến năm 2025, Hòa Phát vẫn tập trung cao độ vào thép, hoàn thành khu liên hợp Dung Quất. Ngoài ra, bộ phận nghiên cứu phát triển sẽ triển khai sản phẩm thép không gỉ (inox) – vốn là lĩnh vực Việt Nam đang nhập khẩu 100%.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top