Theo thông tin trên tờ Tuổi Trẻ, tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi tâm bão số 10 quét qua giữa tháng 9, vẫn còn rất nhiều cột điện nghiêng ngả, gãy đổ bên đường.
Tuyến cột điện đi qua tổ dân phố Long Thành, xã Kỳ Long (thị xã Kỳ Anh), có cột bị bão quật gãy xoắn, bêtông vỡ, lòi ra toàn bộ kết cấu thép, trong đó có rất nhiều thép hình chữ V. Có cột bị đổ hoàn toàn, trơ lại phần đế móng, lộ ra những thanh sắt hình chữ V.
Cột điện gãy đổ ở tuyến này là loại cột nối hai đoạn với nhau. Bên trong đoạn đầu cột có 6 cây thép hình chữ V, 6 cây thép tròn xoắn, còn đoạn đáy cột có 10 cây thép chữ V, 6 cây thép tròn xoắn.
Ông Trần Quế, người dân xã Kỳ Long, phản ảnh ông chưa bao giờ thấy cột điện gãy lại lòi ra thép hình chữ V như thế này.
Tuyến cột điện đi qua cánh đồng phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh) bị bão làm gãy rạp về một hướng. Toàn bộ cột ở tuyến này đều có kết cấu thép chữ V.
Ngay tại tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, ngành điện Kỳ Anh đã thu hồi, tập kết một bãi toàn cột điện gãy đổ trong bão số 10, trong đó có lõi thép hình chữ V.
Theo ông Trần Xuân Thông, giám đốc Điện lực Kỳ Anh, bão số 10 làm hơn 400 cột điện bị gãy đổ, trong đó có rất nhiều cột điện có lõi thép hình chữ V. Những cột điện này do Công ty TNHH Khánh Vinh ở Nghệ An sản xuất.
Ông Nguyễn Trí Dũng, trưởng phòng kỹ thuật Công ty Điện lực Hà Tĩnh, cho biết Công ty Khánh Vinh sử dụng thép hình chữ V để sản xuất cột điện là do công nghệ của họ và được kiểm định bởi đơn vị độc lập. Ngành điện không ép họ dùng sắt gì.
"Chúng tôi chỉ quan tâm lực đầu cột là bao nhiêu, còn chất lượng cột điện như thế nào thì đơn vị kiểm định phải chịu hoàn toàn trách nhiệm", ông Dũng nói trên tờ Tuổi Trẻ.
Cũng theo ông Dũng, "trong quá trình sử dụng cột điện của Khánh Vinh, chúng tôi thấy bị gãy, hư hỏng nhiều nên có khuyến cáo không đưa vào sử dụng nữa".
Ông Nguyễn Văn Lục, chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Tĩnh, cho biết cần phải tìm hiểu hồ sơ của đơn vị sản xuất. Việc sử dụng thép hình chữ V đúc cột điện, theo ông Lục, là có vấn đề vì chịu lực kém.
Theo thống kê của UBND tỉnh Hà Tĩnh, cơn bão số 10 (Doksuri) đã làm tỉnh này thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng.
Về cơ sở hạ tầng có 231 điểm trường bị ảnh hưởng với 831 phòng, hai cột truyền hình gãy đổ, 2.395 cột điện đổ gãy, 159km dây điện bị đứt.
Ngày 16/9, trao đổi trên tờ Vnexpress, ông Nguyễn Thành, Phó tổng giám đốc Công ty điện lực miền Trung, riêng tại Quảng Bình 2.600 cột điện trung và hạ thế bị đổ, 87 trạm biến áp hư hỏng. Nhiều trụ điện bị gãy gấp khúc, đổ vật xuống đồng ruộng hay dựa vào những nhà cao tầng.
Theo ông Thành, bão số 10 là cơn bão mạnh nên gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành điện. Đặc biệt, đây là cơn bão có số lượng trụ điện gãy đổ rất nhiều.
Ông Thành đánh giá nguyên nhân là do hệ thống trụ này nằm trong luồng gió bão.
"Chỉ cần một trụ bị gãy, đổ thì sẽ kéo các trụ khác gãy, đổ theo. Hệ thống dây điện trên các trụ cùng gió mạnh tạo áp lực khiến trụ bị gãy, đổ", ông Thành cho hay.
Theo các công nhân đang khắc phục hệ thống điện thì trụ điện gãy đổ không phải do chất lượng kém.
"Trụ được làm bằng bê tông vĩnh cửu và sắt 16. Bão quá lớn, gió giật mạnh và trụ nằm trong luồng gió nên mới dẫn đến gãy đổ như vậy", một công nhân chia sẻ.
Trong khi đó, phản ánh tới báo Đất Việt, một người dân thôn Lâm Cao, xã Vĩnh lâm (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 10, nhiều cột điện đã bị quật đổ.
Theo người dân này, hệ thống cột điện trên địa bàn xã mới được dựng cách đây không lâu. Tuy nhiên, theo quan sát tại phần bị gãy của cột điện, người dân chỉ phát hiện một chút sắt nhỏ ở phần chân cột, phần thân trên của cột điện không phát hiện ra sắt mà chỉ có bê tông đúc.
"Nghe nói đây là cột điện được làm theo công nghệ bê tông dự ứng lực. Thế nhưng công nghệ gì thì công nghệ vẫn phải có sắt lõi bên trong thì cột điện mới bền vững được. Đằng này, sắt lõi của cột điện chỗ có chỗ không, làm như vậy không gãy đổ mới là lạ'', người dân này bức xúc nói.
Chiều tối ngày 15/9, trao đổi với tờ Đất Việt về phản ánh của người dân, một lãnh đạo xã Vĩnh Lâm xác nhận thông tin có cột điện bị gãy cho ảnh hưởng của bão số 10.
Tuy nhiên, vị cán bộ khẳng định, không có chuyện nhiều cột điện bị gãy, toàn xã chỉ gãy một cột điện.
Phản hồi về việc trong cột điện bê tông không có lõi sắt, lãnh đạo xã Vĩnh Lâm nhấn mạnh:
''Không phải cột điện không có lõi sắt, cột điện có lõi sắt nhưng ít. Hiện hệ thống điện trong xã đã được khôi phục, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường''.