Aa

UBND phường Quảng An "làm ngơ" việc lấn chiếm đất nông nghiệp đến bao giờ?

Thứ Ba, 07/07/2020 - 13:20

Thực trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm sử dụng đất nông nghiệp tại phường Quảng An nói riêng và quận Tây Hồ nói chung đang là vấn nạn nhức nhối. Cần truy cứu trách nhiệm đơn vị quản lý trực tiếp và xử lý dứt điểm.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Bùng nổ dân số và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ là những nguyên nhân chính khiến cho quỹ đất ở ngày càng trở nên hạn hẹp. Do đó, tình trạng xây dựng nhà ở trên đất không đúng mục đích sử dụng diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn và có dấu hiệu ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Tổ 1 cụm 18 đường Quảng Bá (phường Quảng An) hàng loạt nhà kho,  nhà ở được xây dựng trên nền đất nông nghiệp mọc lên san sát

Nói về vấn nạn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thì tại phường Quảng An (quận Tây Hồ) là một điểm nóng. Hàng loạt khu dân cư mọc lên như nấm sau mưa trên đất nông nghiệp phá vỡ quy hoạch đô thị, thu hẹp quỹ đất nông nghiệp và quỹ đất công ích đe dọa an ninh lương thực, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, khiến nhiều người bức xúc.

Nổi cộm trong những sai phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tồn tại nhiều năm phải kể đến khu dân cư tại ngách số 6 - 6A; số 37 Đường Hoa. Dù thuộc quỹ đất nông nghiệp nhưng cụm cư dân đã được hình thành nhiều năm, nằm sát với hành lang thoát lũ đê sông Hồng. Loạt nhà ở xây dựng theo thiết kế nhà cấp bốn, xung quanh quây tôn xanh nhằm che giấu những bức tường bê tông cốt thép được xây chắc chắn. Đặc biệt, khu dịch vụ có tên Nhà hàng "The 100" tại số 68 Đường Hoa được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp tại phố Đường Hoa, đã tồn tại từ lâu.

Trải dài trên khu đất số 1, đường  Quảng Bá loạt nhà hàng, nhà xưởng ung dung hoạt động, xây dựng trên đất nông nghiệp.

Tại địa chỉ số 48/52 Tô Ngọc Vân hay 56 Tây Hồ..., sân bóng được trải thảm cỏ nhân tạo và xây dựng các công trình phụ trợ kiên cố đã đi vào hoạt động từ năm 2019.  Vấn nạn xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp cũng lặp lại tại Tổ 1 cụm 18 đường Quảng Bá (phường Quảng An). Hàng loạt nhà kho, nhà hàng, nhà ở được xây dựng trên nền đất nông nghiệp mọc lên san sát.

Những công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm sử dụng đất nông nghiệp tại phường Quảng An nói riêng và quận Tây Hồ nói chung đang là vấn nạn nhức nhối. Thế nhưng, lãnh đạo UBND phường Quảng An cho rằng những sai phạm này mang tính lịch sử, khẳng định không có công trình phát sinh, xây dựng mới vi phạm.

Với câu trả lời này của lãnh đạo UBND phường Quảng An một lần nữa dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Vậy trách nhiệm xử lý thuộc về đơn vị, cơ quan chức năng nào? Không thể giải quyết sai phạm này thì các cá nhân, tổ chức các cấp quản lý có bị truy cứu trách nhiệm hay không?

Số 48/52 Tô Ngọc Vân; 56 Tây Hồ... tại những địa chỉ này là sân bóng được trải thảm cỏ nhân tạo và xây dựng các công trình phụ trợ kiên cố đã đi vào hoạt động từ năm 2019. 

Để làm rõ vấn đều nêu trên, phóng viên đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối, đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo luật sư Hùng, tại Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Đối với các hành vi vi phạm về đất đai mà mức xử phạt trên 10.000.000 đồng thì Chủ tịch UBND cấp xã, phường có thể kiến nghị với Chủ tịch UBND cấp huyện, quận để xử lý. 

Nhà hàng The 100 có địa chỉ tại số 68 Đường Hoa được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp tại phố Đường Hoa, đã tồn tại nhiều năm vô tư hoạt động kinh doanh...

Điều 207 Luật Đất đai 2013 quy định về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;

c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai

Điều này được hướng dẫn bởi Chương 9 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. 

Cụ thể: Điều 96. Đối tượng bị xử lý vi phạm

1. Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

2. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

3. Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Luật Đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý. 

Theo đó, những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 97 của Nghị định này bao gồm:

- Điểm b, khoản 3: Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các hành vi sau: Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Điểm a,b, Khoản 6: Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau:  Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích;  Sử dụng đất sai mục đích;

Xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp tồn tại nhiều năm phải kể đến khu dân cư tại ngách số 6 - 6A; số 37 Đường Hoa (phường Quảng An)...

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng bày tỏ quan điểm trong vấn đề xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp mà hiện nay dư luận đang hết sức bức xúc, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà những người thi hành công vụ có liên quan có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại  Điều 229, Bộ luật hình sự 2015. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai hoặc các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII của Bộ luật hình sự 2015.

Việc người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích là vi phạm pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, đồng thời có nguy cơ đe dọa an ninh lương thực. Vì vậy, đối với những trường hợp mới xây dựng Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cần kịp thời  ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; Có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích người vi phạm tự tháo dỡ. 

Đối với các trường hợp xây dựng cũ, cố tình tiếp tục thực hiện việc sử dụng trái phép mặc dù đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình hoặc bị thu hồi đất.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về Quản lý đất, cần nâng cao năng lực làm việc và quán triệt về trách nhiệm, hậu quả pháp lý đối với cán bộ phụ trách chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.

Đề nghị UBND quận Tây Hồ, UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp, nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top