Aa

UBND xã Phong Phú bị tố cưỡng chế sai, gây thiệt hại khoảng 900 triệu đồng

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Bảy, 18/07/2020 - 12:21

Chủ một doanh nghiệp phản ánh đoàn cưỡng chế UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh phá dỡ nhiều hạng mục mà không lập biên bản hiện trường gây thiệt hại khoảng 900 triệu đồng. Tuy nhiên địa phương nói không làm sai.

Cưỡng chế sai đối tượng, thu giữ tài sản không lập biên bản

Liên quan đến những lùm xùm tại KCN Phong Phú, mới đây ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư GTP (viết tắt GTP) đã có đơn phản ánh đến báo chí và cơ quan chức năng về việc đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM cưỡng chế tài sản không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật gây thiệt hại lớn về tài sản. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 900 triệu đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là UBND xã Phong Phú đã không lập biên bản khi cưỡng chế, thu giữ tài sản của doanh nghiệp này.

Như Reatimes phản ánh trước đó, vào cuối năm 2017, Công ty TMT được Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú (KCN Phong Phú) ký hợp đồng thuê bảo vệ và quản lý tài sản trên khu đất 120ha trong tổng diện tích quy hoạch làm KCN Phong Phú là 140ha. Đến đầu tháng 1/2018, Công ty TMT ký hợp đồng Hợp tác kinh doanh trên chính diện tích này với Công ty GTP.

Đến tháng 8/2018, khi hợp đồng với Công GTP còn hiệu lực và Công GTP đã đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng rào chắn với chi phí hơn 20 tỷ đồng thì Công ty TMT thanh lý hợp đồng với Công ty Phong Phú. Từ đó, hàng loạt sự việc gây mất an ninh trật tự xảy ra tại khu đất này.

Đoàn cưỡng chế phá dỡ hệ thống điện năng lượng mặt trời của công ty GTP

Để thiết lập lại trật tự xây dựng tại khu đất này, UBND huyện Bình Chánh, TPHCM quyết định vận động các bên có liên quan tháo dỡ các công trình xây dựng không phép. Đối tượng cưỡng chế ghi rõ trong các văn bản là Công ty Phong Phú chứ không phải là Công ty GTP.

Đến ngày 16/6/2020, đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh do ông Phùng Quốc Việt- phó Chủ tịch UBND xã dẫn đầu đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ và thu giữ nhiều tài sản được cho là xây dựng sai phép tại KCN Phong Phú của Công ty GTP.

Tuy nhiên, theo ông Giang, đoàn cưỡng chế đã tự ý phá dỡ các công trình, tài sản của Công ty GTP nằm ngoài các nội dung đã được kết luận tháo dỡ của UBND TP.HCM, UBND huyện Bình Chánh. Cụ thể là các công trình tài sản gồm hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập, các đồ dùng sinh hoạt, các thiết bị, chốt bảo vệ, biển báo…với tổng giá trị khoảng 900 triệu đồng mà không lập biên bản thu giữ.

Doanh nghiệp cho rằng nhiều tài sản bị thu giữ nằm ngoài danh sách bị cưỡng chế

Ông Giang cho rằng, việc UBND xã Phong Phú tiến hành cưỡng chế là không đúng đối tượng, thẩm quyền và có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi những tài sản bị thu giữ không phải của công ty Phong Phú mà là của Công ty GTP. Bên cạnh đó, việc thu giữ tài sản không được lập biên bản thống kê chủng loại, số lượng. Sau đó, ông Giang đã làm đơn tố cáo hành vi của ông Phùng Quốc Việt đến các cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận đơn thư, văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển đơn của ông Giang đến Trưởng Công an huyện Bình Chánh chỉ đạo giải quyết theo quy định.

UBND xã Phong Phú nói đã cưỡng chế đúng quy định

Trả lời các câu hỏi của báo chí, UBND xã Phong Phú xác nhận ngày 16/6, xã tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với KCN Phong Phú.

Trước khi thực hiện cưỡng chế, UBND xã Phong Phú đã gửi các văn bản thông báo nội dung liên quan đến KCN Phong Phú. Bà Tô Thị Kim Anh, Chủ tịch UBND xã Phong Phú khẳng định qua rà soát, UBND xã Phong Phú không tiếp nhận thông tin hoạt động kinh doanh hoặc thông báo hoạt động hợp pháp của Công ty GTP trên đia bàn xã Phong Phú.

Công ty GTP trước đó cũng đã gửi đơn thư cầu cứu về các tranh chấp tại dự án KCN Phong Phú

Văn bản trả lời của UBND xã Phong Phú cũng nêu, trước khi thực hiện cưỡng chế, đoàn cưỡng chế đã đọc công khai các quyết định cưỡng chế cho người vi phạm cùng nghe, có mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể của xã Phong phú, đại diện KCN Phong Phú cùng giám sát và chứng kiến đầy đủ các bước thi hành cưỡng chế. Bên cạnh đó, khi thực hiện cưỡng chế đoàn cưỡng chế của xã có lập biên bản kiểm kê tài sản để thực hiện cưỡng chế.

Đến ngày 17/6, UBND xã đã ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do tổ chức vi phạm là công ty cổ phần KCN Phong Phú không nhận tài sản trong quá trình cưỡng chế. Đồng thời có Thông báo về việc nhận lại tài sản của Ủy ban nhân dân xã cũng được ban hành ngày 17/6.

Đồng thời, văn bản do bà Anh ký cho rằng, đại diện KCN Phong Phú (Chủ đầu tư hợp pháp toàn bộ diện tích đất trong KCN Phong Phú) cũng xác định UBND xã Phong Phú cưỡng chế các công trình vi phạm trên là đúng đối tượng đã được xác định. UBND xã Phong Phú không tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng hợp pháp của tổ chức nào ngoài ranh dự án KCN Phong Phú. Trong khi đó, theo phản ánh thì tài sản bị cưỡng chế phá dỡ là của Công ty GTP.

Doanh nghiệp có thể khởi kiện UBND xã Phong Phú để đòi quyền lợi

Trao đổi về nội dung trên, LS Huỳnh Văn Nông - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành, văn bản trên của UBND xã Phong Phú không đúng với các trình tự quy định pháp luật.

Cụ thể, tại khoản 1, điều 5, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ghi rõ: Ngay sau khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải tổ chức gửi quyết định cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên ở đây Công ty GTP là tổ chức có liên quan không được UBND xã Phong Phú thông báo quyết định cưỡng chế.

Ngoài ra, tại khoản 5, điều 34 quy định: Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo.

Căn cứ các quy định pháp luật trên, Luật sư Nông cho rằng Công ty GTP có thể thực hiện các thủ tục khởi kiện hành vi cưỡng chế thu hồi nhà đất trái luật của UBND xã Phong Phú để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top