Cùng dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp tổ chức với sự tham gia của Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và đại diện các cơ sở y tế tại tuyến huyện trên toàn quốc qua kết nối hệ thống Telehealth.
Telehealth do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế, hướng đến mục tiêu “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Viettel, VNPT đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp.
Với sự kiện này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.
Tại sự kiện, Thủ tướng và các đại biểu đã chứng kiến các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện kết nối hệ thống Telehealth với Bệnh viện Cần Giờ TP.HCM, Bệnh viên đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 đang chuyển biến nặng.
Trong hai giờ đồng hồ, Thủ tướng cũng đề nghị hàng chục điểm cầu tại các địa phương như Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên, Nghệ An, Lạng Sơn… kết nối, trao đổi với Bệnh viện Chợ Rẫy về công tác điều trị bệnh nhân. Thủ tướng đồng thời dành nhiều sự quan tâm đến tuyến đầu chống dịch COVID-19, gửi lời thăm hỏi, động viên đến các y, bác sỹ tại các điểm cầu và trên cả nước.
Theo các y, bác sĩ tại các điểm cầu, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Cùng với đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia. Trung tâm công nghệ đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, bao gồm: khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh trong phòng chống dịch.
Cùng với các Tổ công nghệ COVID-19 tại địa phương – với nòng cốt là lực lượng Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế, Trung tâm sẽ hình thành nên mạng lưới triển khai công nghệ phòng, chống dịch xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tìm hiểu cụ thể, kỹ lưỡng một số nền tảng, giải pháp công nghệ đã được triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả như nền tảng hỗ trợ truy vết; nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; tính năng Zalo Connect trên Zalo hỗ trợ người gặp khó khăn trong dịch bệnh; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm tại Bà Rịa - Vũng Tàu…
Nhờ quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, trong bối cảnh có hàng trăm nghìn ca nhiễm COVID-19, thì việc tư vấn khám chữa bệnh từ xa có vai trò hết sức quan trọng.
“Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi tôi cách đây 5 ngày, còn bao nhiêu trung tâm y tế tuyến huyện chưa kết nối truyền hình, tôi trả lời còn hơn 300 huyện, tức là khoảng 45%, nhưng đa phần là các huyện khó khăn. Thủ tướng hỏi, có thể làm nhanh được không, tôi xin phép trả lời sau khi tham vấn Cục Viễn thông và các doanh nghiệp. Tình huống là rất khẩn cấp, cần làm rất nhanh. Tôi cũng không ngờ là Viettel và VNPT đều hứa quyết tâm làm trong 2 ngày, nhưng thực tế là 2,5 ngày thì xong, tức là ngày thứ Sáu 6/8/2021, thì 100% các trung tâm tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương. Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều này. Kết nối truyền hình để thực hiện Telehealth tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế, được thực hiện trong 2,5 ngày”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Tương tự, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các nền tảng công nghệ phòng chống COVID-19 phải được dùng chung toàn quốc, dữ liệu phải liên thông, dữ liệu phải tập trung để Trung ương có thể nhìn thấy tình trạng dịch và việc triển khai phòng chống dịch trên toàn quốc, để có thể điều hành thống nhất, để có thể phân tích dữ liệu phục vụ cho việc ra quyết định nhanh và chính xác.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trong vòng chưa đầy 2 tháng, gần 1.500 tỷ thiết bị phần cứng được các doanh nghiệp tập trung về cho Trung tâm, gần 1.000 người làm việc miễn phí cho Trung tâm, 18 doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam cung cấp hạ tầng và phát triển các nền tảng số chống dịch, 18 nền tảng số đã đưa vào khai thác, phục vụ cho tất cả các khâu chống dịch. Hiện mỗi ngày Trung tâm đang phục vụ 20 triệu người và tiến tới khi tất cả các tỉnh, thành phố dùng thì sẽ phục vụ được cho 100 triệu người dân.
Ông nhấn mạnh, điều này có được nhờ quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất, sự quyết liệt của Thủ tướng và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị.
Khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành y, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết sắp tới, tất cả các cơ sở y tế toàn quốc sẽ sử dụng sổ sức khỏe điện tử để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, từ đó cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân. Về lâu dài, sẽ áp dụng đăng ký khám chữa bệnh online cho tất cả người dân, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… vào quản lý và khám chữa bệnh…
Tận dụng “giờ vàng” để cứu sống người bệnh
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết qua kiểm tra, kết nối với các điểm cầu, có thể yên tâm hệ thống có thể vận hành thông suốt trong thời gian tới. Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cán bộ, y bác sĩ các cấp, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số trong việc xây dựng và đưa nền tảng hỗ trợ tư vấn và Trung tâm đi vào hoạt động.
Việc đưa nền tảng Telehealth vào hoạt động hết sức có ý nghĩa với công tác điều trị, giúp tuyến dưới có thêm kiến thức, đội ngũ y bác sĩ cùng người bệnh tự tin hơn trong điều trị và quan trọng nhất là kịp thời tận dụng “giờ vàng” cứu chữa người bệnh, giảm tải cho tuyến trên, từ đó, giảm tối đa các ca tử vong. “Mỗi sáng ra, chúng ta cũng rất phấn khởi khi có thêm nhiều người được cứu chữa. Mỗi chiều lại, chúng ta rất buồn, rất xót xa khi nghe tin có thêm nhiều người mắc bệnh.”, Thủ tướng chia sẻ.
Về lâu dài, đây là hệ thống hạ tầng quan trọng phục vụ khám chữa bệnh từ xa, từ sớm, từ cơ sở với mọi loại bệnh tật khác, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, công tác phòng chống dịch lần này là chưa có tiền lệ với chủng Delta lây lan rất nhanh, rất mạnh, diễn biến dịch bệnh khó lường, nguy hiểm. “Vạn sự khởi đầu nan”, chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, bổ sung, mở rộng dần, phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc để khắc phục, xử lý.
Qua quá trình liên tục đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, chúng ta đã hoàn thiện dần quy trình phòng chống, điều trị COVID-19. Từ 5K ban đầu, chúng ta phát triển thành “5K+vaccine” và đến nay có thể trở thành “5K+vaccine+thuốc+công nghệ và các biện pháp khác”. Thủ tướng nhắc tới các biện pháp khác như kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa đông y và tây y, áp dụng biện pháp tâm lý học, xã hội học để người bệnh yên tâm, cộng tác trong điều trị…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện nền tảng, khắc phục những điểm chưa được; hướng dẫn cụ thể, tổ chức tập huấn để các y bác sĩ tại các tuyến sử dụng thành thạo các công nghệ và ứng dụng, phát huy cao nhất hiệu quả của nền tảng hỗ trợ tư vấn. Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện quy trình khám chữa bệnh, có hướng dẫn thống nhất về tháp điều trị “ba tầng năm lớp”, nếu chữa bệnh tại nhà thì có thể thêm “tầng trệt” trong tháp điều trị.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở, tạo độ bao phủ an toàn lớn hơn cho người bệnh, nhất là trong lúc này. Thiết lập các trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực tại cấp huyện theo tinh thần “gọi là có”, “huyện gọi là Trung ương đáp” để người bệnh không phải chuyển đi xa, nhiều người bệnh được cứu sống hơn.
“Dịch bệnh lây lan không phân biệt ranh giới, địa phương, quốc gia, dân tộc. Vì thế, sử dụng chung nền tảng công nghệ thống nhất trên toàn quốc là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để chống dịch”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị ngành Thông tin và Truyền thông, ngành Y tế tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo các nền tảng công nghệ phục vụ thiết thực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa, giảm số ca tử vong, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp.