Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm, từ mức 646.000 tỷ đồng năm 2016 lên 1.000.000 tỷ đồng vào năm 2019. Và do tiềm năng của lĩnh vực này còn rất lớn nên luôn thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Hiện có 18 công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có 6 công ty nước ngoài.
Để khai phá thị trường, các doanh nghiệp liên tục đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối. Đáng chú ý, các công ty cho vay tiêu dùng đang hướng đến cách tiếp cận mới là các kênh trực tuyến.
Với dịch vụ mới này, khách hàng có nhu cầu vay chỉ cần để lại thông tin cơ bản (số CMND, điện thoại, ngày tháng năm sinh, số tiền muốn vay, thời hạn vay), hệ thống sẽ tư vấn ngay cho khách hàng về lãi suất tương ứng với gói vay theo nhu cầu và số tiền thanh toán hằng tháng. Tính năng này cho phép khách hàng tìm hiểu thông tin cơ bản về khoản vay và để lại yêu cầu vay trên nền tảng ứng dụng sẵn có trên điện thoại, thay vì phải gọi vào tổng đài, lên website của công ty đó.
Như công ty FE Credit đầu tư hàng triệu USD để phát triển ứng dụng cho vay tự động, giúp khách hàng nhanh chóng ký khoản vay tiêu dùng thông qua các thiết bị thông minh, được duyệt vay trong vòng vài phút. Cụ thể, ứng dụng Snap được tích hợp tính năng nhận dạng tự động, cho phép khách hàng tự đăng tải hình ảnh và tài liệu trong quá trình đăng ký khoản vay trực tuyến.
FE Credit còn thử nghiệm một giải pháp di động tiên tiến giúp phân tích hành vi khách hàng, đưa ra dự đoán nhóm khách hàng ưu tiên, hoạt động nào cần tập trung và cách tối ưu hóa quy trình, giúp củng cố mối quan hệ lâu dài với khách hàng, phát triển dịch vụ, sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Nhận định về xu hướng này, ông Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE Credit cho rằng, khi ngành tài chính tiêu dùng phát triển, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhờ tiếp cận được các giải pháp tài chính dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn.
Cùng với tập khách hàng đang có, FE Credit đang tích cực mở rộng mạng lưới đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng thời triển khai nền tảng số hóa để phục vụ nhóm khách hàng tiểu thương quản lý tài khoản và thanh toán hàng hóa trên thiết bị di động. Đây là nhóm khách hàng lên đến hơn 5 triệu người.