Cách đây ít năm, một người bạn thân của tôi, nhà báo Nguyễn Sĩ Cứ, đương kim Tổng biên tập tờ Forum của VCCI, đã mất vì bệnh ung thư. Rồi đến năm ngoái, hai người bạn thân của tôi, một bạn hồi phổ thông, một bạn hồi đại học cũng qua đời vì bệnh ung thư. Còn hôm nay, chắc là khi viết đôi lời chia sẻ này xong, tôi sẽ lên máy bay vào TP. Hồ Chí Minh để thăm một người bạn cũng vô cùng thân thiết, đó là nhà báo Phạm Lê Tấn Phong, nguyên Tổng biên tập báo Kinh tế hợp tác, nghe nói cũng bị ung thư giai đoạn cuối…
Đau, đau lắm mỗi khi lần cuối cùng nhìn mặt những người bạn thân như thế!
Câu chuyện của chị kể về một em nhỏ 17 tuổi, đang tràn đầy sức sống và khát vọng, đã qua đời cũng vì bệnh ung thư. Quả thật, đây là nỗi đau lòng không chỉ riêng của gia đình và những người thân mà cho tất cả chúng ta, những ai từng có những hiểu biết nhất định về căn nguyên của thảm họa khủng khiếp này.
Khi đọc đến đoạn: “Không hiểu, không hiểu, tôi không hiểu nổi, vậy là “định mệnh” dân tộc mình phải chọn thép, mà phải xây ngay bờ biển, mà khi thị trường thừa, khi ai cũng biết thứ công nghiệp đại ô nhiễm này chắc chắn tàn phá toàn vùng biển quanh nó, nên Formosa 1 chưa yên, lập tức mọc ra Formosa 2 Hoa Sen Cà Ná? Kiếp nạn gì vậy, và sao lại là Hoa Sen?”… thì tôi cũng không hiểu nổi tại sao chị lại có thể gắn cái đại họa của bệnh ung thư với nền công nghiệp sản xuất thép?
Tôi chưa gặp cái ông mầm mập Lê Phước Vũ bao giờ, cũng không biết doanh nghiệp Tôn Hoa Sen nằm ở đâu. Và ngay khi ông Lê Phước Vũ tuyên bố thực hiện dự án này thì trong đầu tôi không tin lắm về sự thành công của dự án bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, tôi lại có niềm tin chắc chắn rằng, nhiều nước trên thế giới hiện nay vẫn sản xuất thép và vẫn quản lý được môi trường. Và ở nước họ, không hề gắn căn bệnh ung thư với việc sản xuất thép.
Tôi cũng vừa viết một bài bình luận ngắn về sự kiện này, xin chia sẻ với tác giả:
Những ngày gần đây, cụm từ “Lê Phước Vũ”, rồi “Tôn Hoa Sen” được nhắc đến dồn dập trên các phương tiện truyền thông, bởi một quyết định đầu tư đến 10 tỷ USD vào nhà máy thép ở Cà Ná (Ninh Thuận).
Sự quan tâm của công chúng về dự án này có vẻ bắt nguồn từ “cú sốc” ô nhiễm môi trường của dự án thép Formosa ở Hà Tĩnh. Như một bóng ma ám ảnh, nhiều người lo lắng về một thảm họa môi trường trong tương lai ở một tỉnh vào loại nghèo nhất ở Nam Trung bộ.
Phần quan tâm nữa là lo cho nền công nghiệp thép nước nhà trên một thị trường rất khó dự báo chính xác. Người thì cho rằng nếu thêm dự án này, sản lượng thép trong nước cung sẽ vượt cầu nên tính khả thi không cao. Hơn nữa, một thị trường khổng lồ ngay sát nách là Trung Quốc đang dư thừa công suất, thép giá rẻ tràn sang sẽ là thách thức lớn cho cạnh tranh trong tương lai. Người khác lại lo về nguồn năng lượng điện sẽ khó khăn một khi nhà máy thép “ngốn” điện như voi uống nước...
Cũng chưa hết, các nhà phân tích còn đem hai “ông lớn” trên thị trường thép trong nước là Tôn Hoa Sen và Hòa Phát ra để mổ sẻ, so sánh mạnh yếu và dự đoán sự thắng bại trong tương lai.
Chẳng hạn, về vốn liếng, tổng tài sản của Tôn Hoa Sen hiện chưa đến 10.000 tỷ đồng mà Hoa Sen dám triển khai phân kỳ I.1 của dự án Hoa Sen Cà Ná với tổng mức đầu tư lên đến gần 14.000 tỷ (trong đó vốn vay dự kiến hơn 11.000 tỷ). Đây sẽ là áp lực không hề nhỏ đối với một dự án dài hơi. Trong khi đó, với các dự án đầu tư của mình, Hòa Phát chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự có, tỷ lệ vay nợ khá thấp. Trong tổng tài sản 27,7 nghìn tỷ thì Hòa Phát chỉ vay nợ có 5,9 nghìn tỷ.
Lại nữa, hiện Hòa Phát đã có khu liên hợp luyện cán thép hoàn chỉnh tại Hải Dương với công suất 2 triệu tấn/năm trong khi dự án của Hoa Sen còn chưa được cấp giấy phép đầu tư.
Có chuyên gia nhận xét rằng, nếu quá trình đầu tư diễn ra suôn sẻ thì nhanh nhất đến cuối năm 2018, khu liên hợp Hoa Sen Cà Ná mới ra sản phẩm. Việc Hoa Sen dự kiến tiêu thụ 100% công suất (tức 1,5 triệu tấn/năm) chỉ 2 năm sau khi khu liên hợp đi vào hoạt động là kế hoạch có phần "phiêu lưu", khi mà sau rất nhiều năm kinh doanh thép xây dựng, giờ đây Hòa Phát mới đạt được mức tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm...
Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng “người trên cây” còn lo bằng vạn “người dưới đất”. Và ai cũng biết rằng, không dại gì mà Hoa Sen Cà Ná lại dẫm vào vũng bùn của Formosa.
Vì thế, nếu dự án này thành hiện thực, xin chúc Hoa Sen Cà Ná thành công, bởi những ý nghĩa lớn lao, đó là tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động và nguồn thu ngân sách quan trọng cho một tỉnh nghèo như Ninh Thuận.
Tôi vẫn thường nghĩ rằng, những người không có việc làm rất dễ gặp những nỗi bất hạnh khủng khiếp. Vì thế, một khi gặp ai tạo ra được công ăn việc làm chỉ cần cho một người thôi là tôi cảm giác là họ đã đang làm một việc thiện rồi.
Còn với dự án nhà máy thép của Tôn Hoa Sen, hoặc của bất cứ nhà đầu tư nào khác ở Cà Ná, tôi chỉ cầu mong các quan chức của ta đừng ăn hối lộ, đừng nhận phong bì, đừng thiếu trách nghiệm, đừng non kém nghiệp vụ… để có thể tư vấn hỗ trợ, giám sát gắt gao về việc bảo vệ môi trường, không để “một giọt nước thải không đủ tiêu chuẩn” ra khỏi nhà máy.
Thế thì có gì đâu mà sợ!