Aa

Ứng xử với trẻ con

Thứ Ba, 06/10/2020 - 07:00

Trên thế giới này, có hàng triệu nền văn hóa, hàng triệu phong tục, lối sống, quan niệm về đạo đức, luật lệ… Nhưng tôi chưa và chắc chắn là không thấy một nền văn hóa nào coi thường trẻ em.

Tôi hoàn toàn đồng tình với anh Phạm Quang Giang (cha cháu bé P.B.A.) khởi kiện kẻ đã tát con anh. Chính quyền cần phải nhanh chóng vào cuộc. Tôi sẽ rất biết ơn dư luận và luật pháp, nếu sau đây, kẻ gây án bị trừng phạt nhiêm khắc nhất mà anh ta xứng đáng phải nhận. Hành hung trẻ em, nhất là khi trẻ còn rất nhỏ, là một tội hình sự rõ ràng, hiển nhiên và nguy hiểm.

Trên thế giới này, có hàng triệu nền văn hóa, hàng triệu phong tục, lối sống, quan niệm về đạo đức, luật lệ… Nhưng tôi chưa và chắc chắn là không thấy một nền văn hóa nào coi thường trẻ em. Không cộng đồng dân cư nào cho phép hành hạ một đứa trẻ hoặc coi việc hành hạ đó là chuyện bình thường, chuyện của các cá nhân, các gia đình với nhau.

Nhưng hình phạt, điều chắc chắn phải có, nếu chúng ta không muốn phải sống trong một xã hội hoang dã, chỉ là một khía cạnh mà tôi muốn bàn tới, trong việc ngược đãi trẻ em.

Muốn đánh giá xem một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia có văn minh hay không, văn minh ở mức nào, chỉ cần nhìn cách xã hội của họ, luật pháp của họ bảo vệ bọn trẻ ra sao, văn hóa của họ đặt trẻ em ở vị trí nào? Bởi vì ứng xử với trẻ em là ứng xử cao nhất, thiêng liêng nhất về mặt đạo đức.

Bảo vệ trẻ em: Cần nghiêm trị những hành vi xâm phạm thân thể trẻ em.

Ở các quốc gia phát triển, đứa trẻ luôn có quyền thụ hưởng những gì tốt nhất, được quan tâm đến sức khỏe, được bảo vệ tính mạng, được học hành, được chữa bệnh ở mức cao nhất mà xã hội ấy có thể tạo ra. Tại Hoa Kỳ (và chuyện này chính mắt tôi từng chứng kiến), khi một xe ô tô phía trước ghi là trên xe có trẻ con (Baby on car), điều đó có nghĩa những xe phía sau phải luôn giữ một khoảng cách lớn hơn bình thường, giữ tốc độ tối ưu nhất để đảm bảo những đứa trẻ không gặp rủi ro bởi bất cứ sơ suất nào từ phía sau. 

Nếu cũng chiếc xe đó ghé vào lề đường để đưa bọn trẻ xuống, thì trong hầu hết các trường hợp, xe đi sau, kể cả xe của quan chức cao cấp, đều phải dừng lại, chờ đến khi đứa trẻ đã xuống xe an toàn mới vượt lên đi tiếp. Nhiều quốc gia coi việc người tham gia giao thông bằng xe cơ giới bấm còi khi thấy trẻ em, vượt lên xe có trẻ em đang được đưa xuống, là hành vi đáng xấu hổ và bị tẩy chay. 

Luật pháp của họ có những quy định cực kỳ khắt khe nhằm bảo vệ không chỉ thân thể trẻ em, mà cả nhân phẩm của trẻ em, đến mức ngay chính bố mẹ đẻ ra chúng cũng không thoát trừng phạt, nếu vi phạm. Chẳng hạn việc để trẻ em chưa đủ tuổi quy định ngồi trên ghế trước xe ô tô, hay để trẻ em trên xe khi không có người lớn, đều là những hành vi phạm pháp, bị chế tài rất nặng. Hành vi xâm phạm thân thể trẻ em, bởi bất cứ lý do nào, bằng bất cứ hình thức nào, đều bị xem là trọng tội.

Nói đâu xa, ngay ở Đài Loan (cũng chính mắt tôi chứng kiến), các gia đình luôn cắt cử người, ngày hai buổi, đầu giờ sáng và giờ tan học, đứng tại các ngã ba ngã tư, nơi bọn trẻ phải đi qua khi tới ngôi trường gần đó, để phòng và ngăn mọi rủi ro có thể xảy đến với chúng. Bất kể bạn là ai, đang vội đến đâu, thì cũng cứ phải dừng xe lại trước vạch kẻ đường, một khi người phụ huynh nào đó ra hiệu và sau đó dẫn đứa bé băng qua.

Tôi không hiểu khi xông vào tát cháu bé 2 tuổi, kẻ cũng đang làm bố nghĩ đến điều gì?

Còn tôi thì tôi nghĩ đơn giản thế này: Hãy bắt buộc anh ta phải nói ra điều nhục nhã đó, tại một phiên tòa?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top