Sự hình thành Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Một dấu mốc căn bản, quan trọng trong đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986 đến nay.
Trong tiến trình đó, kinh tế nhà nước luôn được xác định giữ vị trí trọng yếu, có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nền tảng cơ bản để phát triển mọi ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
“Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), do Đại hội XI của Đảng thông qua đã khẳng định.
Trong đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một bộ phận của kinh tế nhà nước, được xác định có vị trí then chốt, đóng vai trò tiên phong, nòng cốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bàn về sứ mệnh của nhóm doanh nghiệp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì sứ mệnh của DNNN là phải phát huy vai trò tiên phong, đầu tàu, gương mẫu, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng quan trọng, nòng cốt, vị trí then chốt, thúc đẩy, dẫn dắt phát triển kinh tế…”.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển rất mạnh về nhiều lĩnh vực mang tính kinh tế công như: Quốc phòng, an ninh, năng lượng, sân bay, cảng biển, logistics, hạ tầng giao thông, an sinh xã hội… Với các lĩnh vực then chốt này, hầu hết doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân “ngại” không muốn làm hoặc không có nguồn lực để làm vì cần có vốn đầu tư lớn, triển khai ở địa bàn khó khăn, nhiều rủi ro và khó thu được lợi nhuận cao…
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển: “Vì tiến trình phát triển đất nước theo mục tiêu đã định, vì lợi ích của đông đảo tầng lớp nhân dân, nên khu vực kinh tế nhà nước đảm nhận những nhiệm vụ trên để dẫn dắt, khai phá những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù tham gia cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích nhưng các DNNN vẫn bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các doanh nghiệp khác”.
Theo đó, tỷ trọng đóng góp của DNNN vào GDP của Việt Nam đạt xấp xỉ 30%, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể khi đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước.
Nhìn lại năm 2023 vừa qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đã tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, các DNNN đã thể hiện rõ vai trò dẫn dắt và có sự đóng góp tích cực, quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1.652 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước khoảng 166 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Tất nhiên không thể phủ nhận rằng, bên cạnh nhiều kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động của các DNNN vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế, tạo ra những “lực cản” nhất định cho phát triển. Do đó, thời gian qua, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN đã rất được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện thực hóa chủ trương lớn là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quản lý DNNN của các bộ, địa phương, năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC - gọi tắt: Ủy ban) và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao về từ các Bộ.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhấn mạnh rằng: “Trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, các thách thức của việc đẩy mạnh cải cách, đổi mới DNNN là rất gay gắt.
Nhưng đây là con đường tất yếu sẽ phải đi qua, bởi nếu thực hiện tốt việc đổi mới, cơ cấu lại bao gồm cả việc chuyển đổi sở hữu để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đang có tại khu vực DNNN, sẽ tạo điều kiện nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao mức tăng trưởng GDP cho nền kinh tế Việt Nam”.
Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, với sự nỗ lực của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ, phạm vi rộng lớn thuộc 16 ngành kinh tế - kỹ thuật, cùng các doanh nghiệp trực thuộc đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Thời gian qua và năm 2023, Ủy ban đã cơ bản thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.
Đồng thời đã tích cực, chủ động cùng các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, tài sản công, sắp xếp đất đai...
Đáng chú ý, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cùng các tập đoàn, tổng công ty nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai, hoàn thành nhiều dự án đầu tư về kết cấu hạ tầng năng lượng, giao thông - vận tải trong năm 2023, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng, đã chậm tiến độ nhiều năm.
19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã cơ bản duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2023, trong đó hầu hết hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách Nhà nước; lợi nhuận và nộp ngân sách cao hơn năm 2022, góp phần quan trọng vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Tổng kết năm vừa qua, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban, năm 2023, tổng doanh thu Công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.135.743,61 tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252,01 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, với sự nỗ lực của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp trực thuộc đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Trong ảnh là công trường dự án sân bay quốc tế Long Thành và cao tốc Bến Lức - Long Thành. (Ảnh: CafeF, VnEconomy)
Về kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất, tính đến hết năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu đạt 1,18 triệu tỷ đồng (khoảng 47 tỷ USD, tương đương khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của toàn bộ khối DNNN); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (khoảng 100 tỷ USD, tương đương khoảng 65% tổng tài sản của toàn bộ khối DNNN).
Tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (khoảng 74 tỷ USD); lợi nhuận trước thuế hợp nhất (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đạt 75,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD); nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 198,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD).
Về đầu tư phát triển, số vốn đã giải ngân đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu là hơn 161 nghìn tỷ đồng; trong đó, các Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng có tỷ lệ giải ngân đầu tư cao, như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bên cạnh đó, nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện.
Có thể kể đến như các dự án: Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn (đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29/10/2023); Đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Xây dựng mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Xây dựng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 28/4/2023); Xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 02/12/2023).
Đánh giá về sự xuất hiện của mô hình mới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quá trình hoạt động vừa qua, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết: “Quá trình đổi mới, cải cách, sắp xếp DNNN là một trong những nội dung rất quan trọng của phát triển kinh tế Việt Nam. Việc thành lập Ủy ban là dấu mốc căn bản trong quá trình cải cách DNNN hướng hoạt động theo nguyên tắc và cơ chế thị trường. Đây là yêu cầu bắt buộc trong quản lý kinh tế.
Sau khi Ủy ban được thành lập và tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty - lực lượng nòng cốt của khu vực DNNN, chúng ta đã bóc tách giữa thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với quyền quản lý nhà nước. Đây là một nền tảng quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN theo đúng nguyên tắc hoạt động của kinh tế thị trường. Không những thế, điều này còn mở ra một cơ sở để chúng ta thực hiện môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; chính sách đối với các loại hình doanh nghiệp cũng trở nên trung hòa, không thiên vị đối với DNNN”.
Tạo điều kiện thuận lợi để phát huy hiệu quả mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Trên hành trình tiếp tục phục hồi và phát triển nền kinh tế, ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có Nghị quyết 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Trong đó, các DNNN nắm giữ nguồn lực lớn, thực hiện sứ mệnh lớn, có nhiều nhiệm vụ được xác định là trọng trách, cần sự tham gia sâu hơn của nhóm doanh nghiệp này.
Nổi bật là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục; đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…; hoàn thành mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025...
Triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII; tiếp tục chuyển dịch, phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phổ cập nền tảng số quốc gia; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới…
Thực tế đã chứng minh, cơ sở hạ tầng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, tạo động lực cho sự phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại bao gồm hạ tầng năng lượng, giao thông vận tải, viễn thông… sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Chưa kể, hạ tầng hoàn thiện cũng sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đặt trong mối tương quan với sự phát triển đô thị và thị trường bất động sản Việt Nam, việc phát triển các dự án hạ tầng từ nguồn vốn đầu tư công đã tạo ra nguồn lực, cơ hội và không gian phát triển mới cho từng khu vực tại các địa phương trên cả nước.
Đồng thời là “trọng lực” thu hút và dẫn dắt đầu tư tư nhân, thông qua các dự án bất động sản phù hợp với quy hoạch phát triển (bao gồm công nghiệp, du lịch, thương mại, nhà ở…) để thay đổi diện mạo, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển.
Khi mà khoảng 90% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đến từ các nguồn công, thì khối DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc CMSC, nắm giữ và thể hiện vai trò chủ đạo, hết sức quan trọng.
Nhìn vào cơ cấu tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hợp nhất phân bổ theo lĩnh vực của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý, có thể thấy lĩnh vực năng lượng chiếm phần lớn nguồn lực đầu tư với khoảng trên dưới 70%. Theo sau là mảng hạ tầng giao thông vận tải với khoảng 8-10%, còn lại là các lĩnh vực khác gồm viễn thông, công nghệ thông tin; nông nghiệp và công nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, một trong những bài học là cần phải phát huy tối đa và tập trung mọi nguồn lực DNNN đang nắm giữ cho đầu tư phát triển, nhất các công trình hạ tầng quan trọng quốc gia, đầu tư nắm bắt các công nghệ cốt lõi, phát triển các ngành, nghề và sản phẩm mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần tiếp tục chỉ đạo và thực hiện các giải pháp, định hướng quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, quyết liệt thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, nhất là các dự án đầu tư mới đã có trong kế hoạch đầu tư năm 2024; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện Chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm và hằng năm của các doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xử lý dứt điểm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền kiến nghị phương án xử lý ngay các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện.
Từ góc độ của chuyên gia kinh tế, để cải thiện, tăng cường hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phải “chạy bằng hai chân”.
Theo đó, thứ nhất là cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình hoạt động của Ủy ban phù hợp với điều kiện Việt Nam, theo hướng Ủy ban là một nhà đầu tư vốn. Với chức năng, sứ mệnh đó, Ủy ban cần củng cố thêm năng lực, để có thể thực hiện được đầy đủ chức năng.
Bên cạnh đó, cũng cần tạo ra một môi trường pháp lý cho Ủy ban hoạt động, trong đó luật tác động trực tiếp đến hoạt động của Ủy ban là Luật số 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, cần sớm được sửa đổi phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban thực hiện đúng chức năng là một nhà đầu tư và quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Đồng thời, Ủy ban với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, thực hiện chức năng đầu tư, cần sắp xếp lại những công việc liên quan đến quản lý phần vốn của mình tại các tập đoàn, tổng công ty.
Thứ hai, quan trọng hơn là nâng cao năng lực của Ủy ban trong thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mà một trong những việc thực hiện quyền chủ sở hữu đó là phải đưa ra được chiến lược, kế hoạch kinh doanh; tạo được điều kiện để các tập đoàn, tổng công ty thực sự có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của mình.
Chỉ khi đó, các DNNN mới đầu tư mới, mở rộng đầu tư dựa trên hoạt động theo nguyên tắc thị trường; phát huy hết sáng kiến, năng lực và tiềm năng, trí tuệ của tập đoàn, tổng công ty để thực hiện chức năng kinh doanh và đưa doanh nghiệp phát triển; huy động nguồn lực nội sinh và từ bên ngoài để phát triển tập đoàn, tổng công ty./.