Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, điêu khắc và quy hoạch – kiến trúc thường có mối quan hệ khăng khít với nhau. Điều này được thể hiện rõ trong các đô thị cổ Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, kiến trúc Phục Hưng; ở các đền đài và chùa miếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Cambodia, Việt Nam và các nước châu Á khác…
Các công trình kiến trúc, không gian đô thị ở đây được nghệ thuật điêu khắc tô điểm làm tăng thêm các giá trị thẩm mĩ, tinh thần. Và, ngược lại, chính công trình kiến trúc trong không gian đô thị trở thành phông, nền (môi trường hay khung cảnh) tôn thêm giá trị của tác phẩm điêu khắc.
Có những tác phẩm mà tên gọi là công trình kiến trúc hay điêu khắc đều đúng – Vì không thực sự có ranh giới rõ ràng giữa hai loại hình nghệ thuật này. Ví dụ như quần thể Angkor Thom và Angkor Vat ở Cambodia – Chúng là một công trình điêu khắc đá kỳ vĩ nhưng cũng là một công trình kiến trúc vĩ đại. Hoặc tượng Nữ thần Tự do ở New York, bức tượng cao 93,5m là một công trình điêu khắc, người ta sử dụng phần bên trong tượng như một bảo tàng và du khách có thể lên tận ngọn đuốc để ngắm nhìn phong cảnh. Bức tượng chúa Giê su ở TP. Vũng Tàu của Việt Nam cũng vậy…
Các mối quan hệ về không gian, tỉ lệ, hình khối, màu sắc, vật liệu…giữa điêu khắc và qui hoạch – kiến trúc tạo nên giá trị chất lượng không gian, trong đó nhấn mạnh yếu tố thẩm mĩ và chất lượng sống đô thị.
Nói đến tính hai chiều trong quan hệ giữa điêu khắc ngoài trời và không gian đô thị là nói đến sự tương tác hợp lý, gắn kết giữa tác phẩm điêu khắc với cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nhân tạo. Chỉ khi có sự hợp lý, giá trị của tác phẩm mới được phát huy ra cảnh quan và được cảnh quan bồi đắp…
Việc xác định vị trí cho tác phẩm điêu khắc ngoài trời, trong mối quan hệ với cảnh quan môi trường xung quanh được coi như yếu tố quyết định đến giá trị sử dụng và tính thẩm mỹ của nó. Những không gian công cộng đô thị có chất lượng, có giá trị thẩm mĩ cao thường được kết hợp hài hòa với điêu khắc, trở thành một địa chỉ văn hóa không chỉ thu hút khách tham quan mà còn với ngay cả những người dân địa phương.
Những bức ảnh lưu niệm chụp trước tượng đài Bác Hồ ở khuôn viên vườn hoa trước UBND TP.HCM là một thông điệp tự hào “đã tới thăm TP.HCM” của nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Ở đây, không gian tượng đài trở thành một địa chỉ văn hóa, có tính biểu tượng gắn với hình ảnh, văn hóa, lịch sử của một thành phố.
Không chỉ có vậy, không gian xung quanh tượng đài còn trở thành một một địa điểm diễn ra các hoạt động cộng đồng từ vui chơi giải trí của người dân đến các hoạt động nghi thức, nghi lễ, sự kiện có ý nghĩa của thành phố. Khu vực vườn hoa gắn với tượng đài Lê-nin, vườn hoa Lý Thái Tổ ở Hà Nội cũng đạt đến giá trị một địa điểm văn hóa như thế…
Chính điêu khắc/tượng đài đã tạo ra cho không gian công cộng thêm giá trị thẩm mĩ, độc đáo, lành mạnh, sự thân thiện và ngược lại tác phẩm điêu khắc/tượng đài cũng có chỗ đứng xứng đáng hơn trong không gian đô thị…
Tuy nhiên, về tổng thể, để góp phần nâng cao chất lượng không gian, chất lượng sống đô thị, điêu khắc ngoài trời/điêu khắc trong đô thị ở Việt Nam dường như đang thiếu sự quan tâm trong các quy hoạch tổ chức không gian đô thị. Có thể chúng ta chưa nhận biết đầy đủ hoặc đã thiếu tự tin trong việc khẳng định giá trị của điêu khắc ngoài trời trong đời sống xã hội hiện đại.
Kiến trúc với điêu khắc, nhất là không gian đô thị với điêu khắc chưa có chỗ đứng chung trong hệ giá trị về chất lượng thẩm mĩ không gian. Thông thường, tác giả điêu khắc bị động chạy theo quy hoạch, họ sáng tác rồi loay hoay tìm chỗ dựng, chỗ đặt tác phẩm.
Trên thực tế, có thể nói các nhà quy hoạch, KTS Việt Nam cũng chưa thật sự quan tâm đến điêu khắc trong không gian đô thị và dường như giữa họ với các nhà điêu khắc cũng chưa tạo được sân chơi chung. Tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bị đặt cưỡng bức, đôi khi tùy tiện vào bất cứ khoảng đất còn trống nào mà không gian đô thị xót lại hoặc thừa ra… chứ chưa có một ý tưởng về quy hoạch, thiết kế đô thị nào chủ động dành chỗ xứng đáng cho chúng.
Vẫn biết một tác phẩm điêu khắc ngoài trời sẽ đẹp hơn nếu được đặt đúng không gian và nhờ đó sẽ làm đẹp không gian hơn. Đây cũng chính là loại hình Nghệ thuật công cộng phục vụ công chúng, là nghệ thuật được đặt trong không gian công cộng đô thị. Vì vậy, sự kết hợp hài hòa giữa Điêu khắc – Kiến trúc – Qui hoạch, dành vị trí xứng đáng cho điêu khắc ngoài trời sẽ góp phần phát triển, tô điểm cảnh quan đô thị có chất lượng hơn.
TS.KTS. Trường Văn Quảng (VUPDA)