Aa

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động chuyển đổi số tại Vietcombank, thực tế tại Vietcombank Gia Định

Thứ Hai, 21/10/2024 - 15:46

Với vai trò là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, Vietcombank đã triển khai có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng trong đó nhấn mạnh việc xây dựng nền kinh tế số là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của Vietcombank trong giai đoạn tới đến tất cả đảng viên trong Đảng bộ Vietcombank cũng như các cán bộ đang hoạt động trong hệ thống.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Tại Việt Nam chuyển đổi số là phương thức quan trọng để thực hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong những thập niên tới giai đoạn hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đem lại một số kết quả nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng.

Trong thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ như ngày nay thì việc thực hiện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp chính là điều tất yếu và là giải pháp quan trọng làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch để có thể tiếp cận được nhanh hơn với thế giới, để có thể dễ dàng tiếp cận với nền kinh tế hiện đại.

Đảng ta đã xác định từ sớm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội cho mọi dân tộc. Do vậy, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển khoa học công nghệ và nắm bắt ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp đương đại. Dân tộc nào nắm bắt được cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp đem lại thì phát triển, giàu có; ngược lại, dân tộc nào không nắm bắt được sẽ bị gạt ra ngoài sự phát triển.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số làm nền tảng căn bản đưa nước ta đi vào kỷ nguyên của Công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII năm 2021, Đảng ta đã thích ứng với tình hình mới, đưa vào Văn kiện những khái niệm cụ thể về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nội hàm của những khái niệm này cũng được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển các đột phá chiến lược. Với kỳ vọng là cuộc Cách mạng số sẽ thực sự tạo ra được bứt phá cho đất nước ta trong những thập niên tới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đó là "Phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh".

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế". Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng nhấn mạnh: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số". 

Trong ba nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số quốc gia được xác định ở nhiệm vụ thứ hai, cụ thể là: "Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh". Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 cũng xác định: "Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số". Điểm qua các văn kiện quan trọng của Đảng tại Đại hội XIII cho thấy, chuyển đổi số quốc gia là vấn đề có tính chiến lược trong đường lối phát triển đất nước, là con đường, cách thức để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam đến năm 2045.

Với tiến trình toàn cầu hóa như hiện nay, Việt Nam cũng không đứng ngoài phạm vi ảnh hưởng của những diễn biến trên thế giới. Chúng ta là một nước đang phát triển, do đó cần nắm bắt cơ hội, cũng như lường trước các thách thức, khó khăn để có những thay đổi phù hợp với bối cảnh chung của thế giới. Trong các văn kiện của Đại hội XIII (Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025), có tới 21 lần Đảng nhấn mạnh cụm từ "chuyển đổi số".

Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí nên cần ưu tiên chuyển đổi số trước. 

Đặc biệt là dưới sức ép phải tồn tại và phát triển trong đại dịch COVID-19, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn then chốt với những cơ hội lớn và thách thức chưa có tiền lệ. Các doanh nghiệp, trong đó có Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã vận dụng sáng tạo các đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn, bước đầu gặt hái được các kết quả khả quan trong công cuộc chuyển đổi số, tạo ra các động lực phát triển mới, các cơ hội mới đầy hứa hẹn mà chưa từng có tiền lệ nhờ vào ứng dụng thực tiễn của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 là sự kiện lớn nhất trong năm liên quan đến chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Tiếp nối thành công năm 2023, sự kiện năm nay nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ đề năm nay là "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số" - có sự tiếp nối với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số" của Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023. 

Chủ đề này khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021), Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) cũng như Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và NHNN; đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tại Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), hướng đến nền kinh tế số, xã hội số.

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động chuyển đổi số tại Vietcombank, thực tế tại Vietcombank Gia Định- Ảnh 1.

Bà Đoàn Hồng Nhung - Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank giới thiệu về sản phẩm dịch vụ của Vietcombank với đoàn đại biểu do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham quan trải nghiệm tại các gian hàng của sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

Tại Vietcombank, nền tảng ứng dụng và hạ tầng cho chuyển đổi số đã được đầu tư từ rất sớm và quá trình chuyển đổi hoạt động để đáp ứng với đại dịch cũng đã diễn ra một cách nhanh chóng. Với vai trò là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, Vietcombank đã triển khai có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng trong đó nhấn mạnh việc xây dựng nền kinh tế số là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của Vietcombank trong giai đoạn tới đến tất cả đảng viên trong Đảng bộ Vietcombank cũng như các cán bộ đang hoạt động trong hệ thống.

Hiểu rõ vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số, một xu thế tất yếu của thế giới và là một đòi hỏi khách quan của sự phát triển, coi đây là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của ngân hàng trong tương lai, ngay từ năm 2018, Vietcombank đã thuê tư vấn nước ngoài xây dựng chiến lược Chuyển đổi số và thực thi chiến lược này một cách mạnh mẽ.Với chiến lược số hóa toàn ngân hàng, ngay từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, Vietcombank đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số với các thành viên đến từ Hội đồng quản trị và Ban điều hành, trong đó đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trực tiếp tham gia chỉ đạo các hoạt động liên quan đến mục tiêu chuyển đổi số. Vietcombank xác định chuyển đổi số là đột phá chiến lược và đang triển khai một chương trình hành động chuyển đổi số tổng thể, toàn diện nhằm mục tiêu đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số nằm trong top ngân hàng dẫn đầu ASEAN vào năm 2025.

Từ trước khi diễn ra đại dịch Covid-19, với sự định hướng đúng đắn của Đảng bộ Vietcombank theo tinh thần phát huy tính sáng tạo và chủ động trong hành động, Ban lãnh đạo Vietcombank đã quyết định thành lập Trung tâm Ngân hàng số để cùng phối hợp với các phòng, ban, đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, đưa Vietcombank thành ngân hàng tiên phong về công nghệ, củng cố vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực ngân hàng trên khắp các mảng nghiệp vụ ngân hàng bán buôn, ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư.

Hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thông qua các chỉ đạo sát sao của Đảng bộ Vietcombank với đại diện là Ban lãnh đạo Ngân hàng, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã triển khai được nhiều giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn công việc kinh doanh, có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, triển khai các dự án chiến lược của Vietcombank với vai trò xây dựng nền tảng chuyển đổi số: Trước tiên phải kể đến việc thay đổi hệ thống ngân hàng lõi (Core banking system) vào đầu năm 2020 đã mang đến tầm vóc mới cho Vietcombank thông qua việc đẩy nhanh tốc độ giao dịch cũng như tối đa hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong từng sản phẩm, dịch vụ. Corebanking - Ngân hàng lõi đáp ứng đầy đủ nền tảng công nghệ của một ngân hàng thương mại hiện đại và đang được sử dụng tại hơn 45 quốc gia trên thế giới là một giải pháp chuẩn mực, định hướng số hóa, định hướng khách hàng giúp thiết lập, thay đổi các sản phẩm ngân hàng một cách linh hoạt, nhanh chóng và đáp ứng đa dạng yêu cầu của khách hàng. Một số dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng"

  • Quản lý nội dung doanh nghiệp (ECM) với mục tiêu số hóa toàn bộ tài liệu, quy trình nội bộ tại ngân hàng, Vietcombank đã đưa vào triển khai và vận hành hệ thống để số hóa chính các hoạt động nội bộ, xóa bỏ các quy trình, giấy tờ theo thông lệ cũ, thay thế bằng các kho dữ liệu tài liệu, tập các quy trình số hóa toàn phần/bán phần, góp phần chuyển đổi số chính các tác nghiệp nội bộ.
  • Khởi tạo khoản vay (CLOS, RLOS) với mục tiêu số hóa quy trình cấp tín dụng và cho vay tới khách hàng, Vietcombank xác định triển khai dự án và đưa vào vận hành để tự động hóa và nâng cao tính kiểm soát cho các quy trình cấp tín dụng và cho vay truyền thống, hệ thống đã giúp chuẩn hóa việc lưu trữ thông tin khách hàng và hồ sơ phê duyệt tín dụng; tự động hóa quy trình khởi tạo, luân chuyển, phê duyệt giới hạn tín dụng, cấp tín dụng cho khách hàng; đồng thời hỗ trợ theo dõi, rà soát, giám sát thực hiện các điều kiện tín dụng và hỗ trợ công tác thống kê, báo cáo cho quy trình phê duyệt tín dụng.
  • Cùng nhiều hệ thống mới như: Phân tích lợi nhuận đa chiều MPA, Quản trị nguồn nhân lực HCM, trung tâm định giá, hệ thống cảnh báo rủi ro (EWS) ... và khởi động nhiều dự án chuyển đối, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực hoạt động và quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế như Treasury, ALM/FTP, IFRS9, Basel II, ERP, PCM...
  • Ngoài ra, còn rất nhiều dự án đang trong quá trình triển khai để ngày một hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin cho mục tiêu chuyển đổi số của ngân hàng, các dự án trải đều khắp các mảng nghiệp vụ của ngân hàng, cũng như các dự án hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ ngân hàng.
  • Hoàn thành triển khai tiện ích VCB Booking giúp khách hàng tiết kiệm thời gian cũng như giúp ngân hàng tối ưu được thời gian xử lý giao dịch. VCB Booking là tiện ích đặt lịch hẹn trực tuyến, cho phép khách hàng đặt lịch hẹn và khai báo thông tin của sản phẩm dịch vụ có nhu cầu sử dụng trước khi đến giao dịch tại VCB, điều này giúp tiết kiệm thời gian của khách hàng cũng như phân bổ nguồn lực tại ngân hàng hợp lý hơn. Thông tin khách hàng đã khai báo được đồng bộ vào chương trình tác nghiệp nhằm giảm thiểu thời gian xử lý giao dịch của giao dịch viên.
  • Hoàn thành triển khai dịch vụ thanh toán viện phí/học phí không dùng tiền mặt cấp cho bệnh viện/cơ sở y tế/trường học thông qua kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp giữa hệ thống thanh toán của Vietcombank với hệ thống của bệnh viện/cơ sở y tế/trường học để thu phí dịch vụ y tế/học phí trực tuyến của khách hàng thực hiện qua kênh thanh toán bằng tài khoản thanh toán của khách hàng với đa phương thức từ thẻ, ngân hàng số cho đến thanh toán qua mã QR.
  • Cùng với sản phẩm ngân hàng số đã được ra mắt, sản phẩm rút tiền mặt không cần thẻ tại ATM đã tạo sự thuận tiện cho khách hàng. Sản phẩm được triển khai từ tháng 7/2020, ngay trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19.
  • Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai nộp thuế cảng, biển ngay trên thiết bị di động tại TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là một phần trong quá trình thực hiện Quyết định số 61-QĐ/TW, ngày 8-3-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước với cấp ủy địa phương mà Vietcombank đã vinh dự được Đảng và Nhà nước giao phó.

Thứ hai, Một trong những niềm tự hào của Vietcombank - dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới, thanh toán đa kênh tích hợp. VCB Digibank được trang bị công nghệ xác thực đăng nhập hiện đại, tích hợp hàng loạt tiện ích như thanh toán vé tàu xe, điện, nước,… Tự hào là một trong những ngân hàng đầu tiên nghiên cứu và phát triển dịch vụ QR rút tiền và thanh toán không cần thẻ vật lí, dự án không chỉ vận dụng sáng tạo linh hoạt định hướng phát triển cách mạng số của Đảng mà còn lại một bước đi kịp thời thích ứng với chủ trương thanh toán không tiếp xúc.

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động chuyển đổi số tại Vietcombank, thực tế tại Vietcombank Gia Định- Ảnh 2.

Thứ ba: nghiên cứu các tiến bộ khoa học công nghệ để ứng dụng tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dùng. Ngày 18/6/2024, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân. 

VCB Digibank thế hệ mới là một nền tảng thống nhất với các phiên bản giao diện và trải nghiệm phù hợp cho từng phân khúc khách hàng khác nhau: Giao diện Tiêu chuẩn (dành cho mọi khách hàng) hiện đại, đơn giản, tối ưu trong từng thao tác với phong cách thiết kế "Glassmorphism"; Giao diện Priority (dành cho khách hàng Ưu tiên) sử dụng ngôn ngữ thiết kế "Hollywood Glam" với hoạ tiết tân cổ điển và chế độ màn hình tối ("dark mode"), mang tới trải nghiệm sang trọng và tinh tế; Giao diện YouPro (dành cho phân khúc khách hàng trẻ) lấy cảm ứng từ "thế giới metaverse" với họa tiết không gian ba chiều cùng những gam màu tương phản mạnh và nhiều yếu tố "phá cách", mang tới những trải nghiệm khác biệt lần đầu xuất hiện trên thị trường. 

Đây là món quà được Vietcombank gửi gắm cho thế hệ khách hàng trẻ tuổi, cá tính, hoài bão và nhiều đam mê - Thế hệ YouPro với nhiều tín năng, tiện ích hấp dẫn: Chuyển tiền "1 chạm", Quản lý tài chính cá nhân, Quản lý nhóm, Chia sẻ thông báo biến động số dư qua tin nhắn OTT và Hỗ trợ khách hàng khẩn cấp.

Thứ tư: Vietcombank đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi miễn, giảm phí giao dịch thanh toán, giúp cho các công cụ thanh toán không tiền mặt trở nên thân thiện, đơn giản, tiết kiệm với người dân. Vietcombank đã miễn, giảm phí dịch vụ như phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Vietcombank, phí phát hành thẻ, phí rút tiền tại ATM... cho cả đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Đặc biệt, từ 1/1/2022, Vietcombank chính thức triển khai chính sách Zero fee - miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank - nền tảng ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân.

Thứ 5: Nhiều sản phẩm mới cho nhiều đối tượng khác nhau: Vietcombank tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm như VCB CashUp - Hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền hiện đại cho doanh nghiệp lớn, VCB DigiBiz – Ngân hàng số dành cho doanh nghiệp SME, Dịch vụ tài trợ thương mại trực tuyến qua chương trình VCBCC, Trợ lý ảo VCB Digibot trong hoạt động chăm sóc khách hàng trực tuyến 24/7.

Thứ 6: Với sứ mệnh là ngân hàng tiên phong được Chính phủ lựa chọn, Vietcombank phối hợp với Tổng cục Thuế triển khai thành công dịch vụ Thuế điện tử (eTax) trên nền tảng số, qua đó triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ những thành công và sự uy tín, đơn vị tiếp tục được tin tưởng phối hợp với Bộ Công an, triển khai cung cấp dịch vụ ứng dụng giải pháp M.o.C trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho phép người dân sử dụng CCCD để định danh và thực hiện giao dịch qua tài khoản và thẻ tại ngân hàng. Và mới đây Vietcombank đã giới thiệu về giải pháp định danh và xác thực thông qua kết nối trực tiếp (app-to-app) giữa app Ngân hàng và App VNeID. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng giải pháp này trên thị trường, mang tới trải nghiệm liền mạch và hoàn toàn online cho người dân. Vietcombank cũng đồng thời trình diễn ứng dụng xác thực sinh trắc học bằng dữ liệu khuôn mặt (Facepay) theo quy định mới của NHNN, giúp tăng cường công tác phòng chống gian lận, lừa đảo trong các giao dịch điện tử.

Vietcombank Gia Định – hành trình chuyển đổi số

Được thành lập và đi vào hoạt động vào những ngày cuối năm 2015 trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro lớn với các nhân tố khó lường. Vietcombank Chi nhánh Gia Định với sứ mệnh thực hiện tốt chức năng ngân hàng, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh và kinh tế khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM, nâng cao chất lượng thông thương tài chính, thu hút đầu tư tại khu vực và phát triển thương hiệu, lan tỏa bản sắc văn hóa Vietcombank rộng khắp.

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động chuyển đổi số tại Vietcombank, thực tế tại Vietcombank Gia Định- Ảnh 3.

Kể từ đầu năm 2020, khi dịch Covid19 bùng phát diện rộng, nhiều địa bàn thực hiện giãn cách, các giao tiếp trực tiếp bị hạn chế nhiều mặt Cấp ủy Chi bộ đã xác định kênh Ngân hàng số nói chung và VCB Digibank nói riêng đã thể hiện vai trò, ý nghĩa hết sức thiết thực trong đời sống kinh tế xã hội hàng ngày của các tầng lớp dân cư. Không cần ra đường, khách hàng có thể dễ dàng giao dịch ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, và đáp ứng hầu hết các nhu cầu giao dịch tài chính, ngoại trừ một số rất ít loại giao dịch đặc thù mà chủ yếu liên quan đến tiền mặt. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi địa bàn của chi nhánh tập trung phần lớn lao động công nhân… nên lượng giao dịch trực tiếp hàng ngày tại Chi nhánh là rất lớn, đồng thời Chi ủy cũng như Ban Giám Đốc xác định trọng tâm trong việc chuyển đổi số tại chi nhánh qua các cuộc họp kinh doanh hàng tháng với yêu cầu các phòng kinh doanh tăng cường chào bán các sản phẩm trên kênh số đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. 

Và đối với đảng viên thì với hành động cụ thể mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên về chuyển đổi số trong từng công việc của mình, không khó để bắt gặp hình ảnh thanh toán trực tuyến ở khắp các ngõ ngách, từ miền quê, thị trấn đến thành phố. Giờ đây từ những tiệm tạp hoá nhỏ cũng đã có thanh toán bằng QR Code hay tại chợ truyền thống cũng đã có bảng ghi số tài khoản… Mặt khác, hầu hết các lĩnh vực như dịch vụ công, giáo dục, y tế… đều đã phát triển mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt.

Mỗi đảng viên, cán bộ ngân hàng giờ đây đã và sẽ là lá cờ đầu trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt từ chính những sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống của mình. Phải xác định công tác tuyên truyền là kênh thông tin quan trọng, trực tiếp phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong định hướng thanh toán không dùng tiền mặt đến các tầng lớp nhân dân.

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động chuyển đổi số tại Vietcombank, thực tế tại Vietcombank Gia Định- Ảnh 4.

Đồng chí Thảo Ly – Bí thư Đoàn Thanh Niên và đồng chí –Phan Văn Tuân giới thiệu sản phẩm VCB Digibank đến Đại Học TDTT Đồng chí Phan Văn Tuân giới thiệu sản phẩm VCB Digibank đến Phường Tân Mỹ

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động chuyển đổi số tại Vietcombank, thực tế tại Vietcombank Gia Định- Ảnh 5.

Đồng chí Phan Văn Tuân giới thiệu sản phẩm VCB Digibank đến Phường Tân Mỹ

Với chủ trương đúng đắn từ Cấp ủy Chi bộ, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh doanh tại đơn vị đạt được những kết quả khả quan sau gần 09 năm đi vào hoạt động, tổng quy mô huy động vốn đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tổng quy mô dư nợ tín dụng là hơn 6.600 tỷ đồng, số lượng khách hàng đăng ký mới kênh Digibank tăng qua từng năm và hiện nay khoảng 20 000 khách hàng, số lượng khách hàng Digibiz Active tiện cận 2 000 khách hàng.

Bằng trí tuệ và tâm huyết, dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, các thế hệ cán bộ tại Chi nhánh Gia Định nói riêng đã, đang và sẽ luôn nỗ lực, tiếp tục giữ gìn sự đoàn kết, chung sức đồng lòng, đồng tâm hiệp lực; phát huy mạnh mẽ bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa Vietcombank và truyền thống tiên phong, mở đường; không ngừng đổi mới sáng tạo, tiếp tục đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững, an toàn và hiệu quả của Chi nhánh nói riêng và Hệ thống Vietcombank nói chung, góp phần sớm thực hiện hóa các mục tiêu chiến lược mà Ban Lãnh đạo đã đề ra, xứng đáng với các thế hệ đi trước và sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top