Ngay sau khi Nghị quyết 42 được thực thi kể từ ngày 15/8/2017, Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC) đã tiến hành thu hồi tài sản thế chấp cho khoản nợ lên đến hơn 7.000 tỷ đồng của nhóm khách hàng là Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower, Công ty Đầu tư Liên Phát, Công ty tư vấn đầu tư và Xây dựng Minh Quân, Công ty Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (bao gồm cả gốc và lãi) – khoản nợ lớn nhất mà công ty này đã mua.
Theo lãnh đạo VAMC, việc xử lý khoản nợ của Sài Gòn One Tower sẽ giúp công ty có kinh nghiệm xử lý tốt hơn các khoản nợ sau này. Số liệu được ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cung cấp cho thấy, tính đến 31/8, VAMC đã mua 26.110 khoản nợ xấu từ 16.197 khách hàng với giá mua 266.335 tỷ đồng.
Thời gian tới, VAMC sẽ tiếp tục thực hiện xử lý các khoản nợ đã mua, đồng thời cũng tăng cường mua các khoản nợ mới theo giá trị thị trường. Vai trò của VAMC được đánh giá là rất lớn trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu nên công ty này đã được phê duyệt nâng vốn điều lệ lên mức 10.000 tỷ đồng đến năm 2020, tức gấp 5 lần so với quy mô hiện hành. Trước đó, công ty này cũng đã được phê duyệt tăng vốn từ 500 tỷ lên 2.000 tỷ.
Không chỉ thực hiện mua bán nợ theo giá thị trường, VAMC còn lên kế hoạch phối hợp với các ngân hàng để đẩy nhanh việc xử lý không chỉ các khoản nợ xấu đã mua mà cả các khoản nợ mới. Mới đây nhất, Sacombank đã tiên phong ký kết với VAMC để xử lý khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng nợ xấu trong các tháng còn lại của năm 2017.
Sau Sacombank chắc chắn sẽ đến lượt các ngân hàng khác khi trong số 6 ngân hàng thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu thì các khoản nợ khó thu hồi của Agribank và BIDV cũng không hề nhỏ. Trong hệ thống hiện nay Agribank có nợ xấu nhiều nhất với hơn 15.000 tỷ (tại báo cáo năm 2016) và nếu tính nợ đã bán cho VAMC thì lên đến hơn 73.000 tỷ (tại thời điểm cuối năm 2015 – theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước); tiếp đến là Sacombank với hơn 13.000 tỷ đồng nợ xấu (tại thời điểm cuối quý 2/2017) cộng hơn 37.000 tỷ đã bán cho VAMC; BIDV có nợ xấu hơn 15.400 tỷ cùng hơn 21.000 tỷ đã bán cho VAMC; VietinBank cũng có hơn 8,5 nghìn tỷ nợ xấu cùng khoản nợ bán cho VAMC không nhỏ...
Trở lại với Nghị quyết 42, trước khi có nghị quyết này ra đời, với khối nợ xấu có tài sản đảm bảo nắm giữ suốt 4 năm qua, VAMC cũng có trong tay những tài sản giá trị nhưng việc xử lý còn gặp vướng mắc về luật. Nhiều ý kiến đánh giá của cả giới chuyên gia lẫn người trong ngành rằng nợ xấu bán cho VAMC chẳng qua chỉ là nhờ giữ hộ mà thôi, và điều này là không thể phủ nhận khi qua gần 4 năm số nợ xấu do công ty xử lý được mới chỉ chiếm chưa nổi 5% trên tổng số nợ xấu đã mua về.
Nay nghị quyết được thông qua, những vướng mắc đã được tháo gỡ, đặc biệt là được bán nợ thấp hơn giá thị trường và thị trường bất động sản lại ấm lên, nên công tác xử lý nợ được dự báo diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều, vai trò cầm trịch của VAMC trên thị trường mua bán nợ chắc chắn sẽ được phát huy đáng kể, và VAMC sẽ còn "lên ngôi" hơn nữa.