Thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước. Tuy vậy, quá trình này vẫn còn quá chậm so với kế hoạch đề ra. Báo Hải quan đã trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến (ảnh)- Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính để làm rõ thêm nguyên nhân.
Xin ông cho biết một vài đánh giá về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua?
Theo kế hoạch, năm 2018 phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhưng thực tế mới có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Năm 2018, đã có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai cổ phần hóa trong năm 2018 được đánh giá còn chậm, chưa đạt được kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Trong khi đó, kế hoạch cổ phần hóa năm 2019 là 18 doanh nghiệp cùng với hơn 40 doanh nghiệp chưa làm xong của năm 2018. tính từ đầu năm tới hiện tại, vẫn chưa có doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì không hoàn thành được.
Tương tự với vấn đề thoái vốn, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, năm 2018, việc thoái vốn mới thực hiện tại 54 doanh nghiệp theo quyết định trên. Trong những tháng đầu năm 2019, chưa có doanh nghiệp trong danh sách thực hiện thoái vốn. Tiến độ thoái vốn nhà nước như vậy là còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên các đơn vị này vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Cơ chế chính sách đối với cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua đã được Bộ Tài chính thường xuyên hoàn thiện bên cạnh việc nỗ lực gỡ vướng cho từng đơn vị, từng dự án. Vậy tại sao tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn quá chậm như vậy?
Trước hết không thể phủ nhận rằng có nhiều vấn đề khách quan tồn tại bấy lâu nay dẫn đến tiến độ chậm, đó là do doanh nghiệp phải cổ phần hóa có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản Nhà nước. Hay có doanh nghiệp đang vướng mắc vì có vụ việc phải xử lý. Ví dụ như MobiFone phải xong vụ AVG thì mới cổ phần hóa được. Không thể cổ phần hóa khi vụ việc chưa được xử lý rốt ráo.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên nhân cơ bản là do quá trình tổ chức thực hiện của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất đai và giá để tính vào giá trị doanh nghiệp. Ví dụ trường hợp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), mặc dù đã hơn một năm thực hiện nhưng hiện phương án sử dụng đất vẫn chưa hoàn thành.
Thời gian qua, qua rà soát đôn đốc, kiểm tra chúng tôi thấy việc này đang được triển khai rất chậm ở các địa phương. Trong Luật Đất đai có quy định, chính quyền địa phương có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp trong vòng 30 ngày. Song, trên thực tế, có dự án đến hàng tháng trời, có dự án 6-9 tháng vẫn chưa xong. Điều đó dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa và kéo chậm tiến độ cổ phần hóa nói chung.
Một nguyên nhân nữa từ phía doanh nghiệp là nhiều doanh nghiệp không lường trước được quy mô của mình về vấn đề quản lý đất đai, tài sản dẫn đến tình trạng “cứ nghĩ” là nhanh nhưng bắt tay vào làm mới thấy phức tạp dẫn đến đưa ra tiến độ cổ phần hóa không khả thi.
Trong việc thoái vốn, nhiều đơn vị hiện vẫn chưa có đủ hồ sơ, chưa xác lập quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nên chưa thể thực hiện thoái vốn. Một số doanh nghiệp cũng có phần lúng túng trong quá trình thoái vốn nhất là với các đơn vị có dự án thua lỗ. Đơn cử trường hợp Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Tổng công ty Giấy Việt Nam) đã đấu giá 3-4 lần nhưng không có nhà đầu tư mua. Hay là Tổng công ty Thép muốn thoái vốn tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên nhưng phải xử lý vấn đề tranh chấp pháp lý, làm rõ sai phạm thì mới bán được. Tuy nhiên, đây là những vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. Có doanh nghiệp nhà đầu tư không mặn mà, không mua, có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng.
Bên cạnh những vấn đề ông đã nêu trên, liệu còn nguyên nhân ở đâu đó vẫn đang có tình trạng “chây ỳ” không, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng, tinh thần quyết liệt của lãnh đạo các doanh nghiệp cũng chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ngần ngại trong cổ phần hóa vì khi cổ phần hóa các doanh nghiệp sẽ phải công khai, minh bạch toàn bộ tình hình tài chính, toàn bộ những tồn tại về công nợ gắn với trách nhiệm của người lãnh đạo doanh nghiệp nên rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sắp nghỉ đang có ý để nghỉ xong rồi hẵng làm.
Một vấn đề nữa là công tác kiểm tra giám sát. Qua năm 2018, chúng tôi thấy, nếu có các cơ quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính về cổ phần hóa hoặc quyết toán cổ phần hóa hoặc niêm yết cổ phần hóa trên thị trường thì tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn. Như vậy, rõ ràng cần phải có sự răn đe và cũng qua thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý những sai phạm.
Bắt được “bệnh” rồi vậy làm sao để “chữa” được một cách triệt để, góp phần đưa kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn cán đích vào năm 2020, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng, bây giờ ta đã bắt được bệnh rồi, đó là vướng trong khâu đất đai thì ta sẽ tập trung rốt ráo kịp thời có chỉ đạo, chấn chỉnh việc phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa và đẩy nhanh tiến độ triển khai phương án này thì các bước sau cổ phần hóa mới nhanh được.
Thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh việc phải niêm yết trên thị trường chứng khoán và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công khai minh bạch các trường hợp làm chậm, cố tình không làm. Chúng ta đã nói nhiều lần rồi, những ai không làm, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý trách nhiệm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị tăng cường công tác giám sát kiểm tra và công khai thông tin để tới đây, những doanh nghiệp làm chậm cũng phải công khai ra để cho xã hội, người dân biết.
Làm được các giải pháp đó chúng ta sẽ thúc đẩy được tiến độ cổ phần hóa, đảm bảo cổ phần hóa đúng pháp luật và theo nguyên tắc thị trường.
Xin cảm ơn ông!