Aa

Vấn đề hồi tố khi sửa Nghị định 20: "Quả bóng" trong "chân" Bộ Tài chính

Thứ Hai, 16/03/2020 - 14:08

Cuộc tranh luận về việc có áp dụng hồi tố hay không khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20 đã đi đến những bước cuối, khi Bộ Tư pháp có ý kiến chính thức. "Quả bóng" chỉ còn trong "chân" Bộ Tài chính.

Mới đây nhất, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc có áp dụng hồi tố hay không khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định số 20/ 2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. 

Văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp để thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, Nghị quyết của Quốc hội thì văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương (trường hợp này là Nghị định của Chính phủ) có thể quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố)”. 

Thậm chí, Bộ Tư pháp còn dẫn chứng thực tế ngay đối với văn bản pháp quy trong lĩnh vực thuế: “Trong thực tế đã có một số trường hợp cho hồi tố, đơn cử trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp có Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Nghị định về thuế (Khoản 8 Điều 1). Bộ Tư pháp cho rằng việc cho hồi tố hay không cho hồi tố đối với trường hợp này (tức Nghị định 20 – NV) đều không có vướng mắc về mặt pháp lý mà chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách của nhà nước ta”.

Như vậy là đã rõ, việc cho hồi tố khi sửa khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, tức là doanh nghiệp được hoàn lại khoản thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp oan trước đó khi vượt trần khống chế 20% lãi vay trong lãi thuần, hoàn toàn không có vướng mắc về pháp lý. Vấn đề chỉ còn là “phụ thuộc vào quan điểm chính sách của nhà nước ta”, như Bộ Tư pháp đã trả lời.

Về vấn đề này, như bài trước chúng tôi đã nêu, quan điểm của Bộ Tài chính không cho hồi tố với lý do “Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội”.

Tuy nhiên, cũng về vấn đề này và về những lý do Bộ Tài chính lo ngại khi áp dụng hồi tố, chúng tôi có một số ý kiến sau:

Thứ nhất, ngay đầu nhiệm kỳ mới, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên tháng 7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Và theo quan điểm của Thủ tướng, không phải chỉ có Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ hành động mà các ngành, các địa phương và người đứng đầu các ngành, các địa phương cũng phải cùng hành động. Như vậy, quan điểm của Thủ tướng đã rất rõ ràng. 

Trong khi đó, việc áp dụng hồi tố khi sửa nghị định 20 cũng không phải là điều gì ưu ái đặc biệt cho doanh nghiệp, mà là sửa đổi sự bất cập, không phù hợp thực tiễn của nghị định này, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Nhà nước ta khi xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 hoành hành, diễn biến phức tạp đang đe dọa sự tồn tại của không ít doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp đã phải giảm nhân sự, đồng nghĩa với việc hàng nghìn, chục nghìn và nhiều hơn thế lao động mất việc làm, thì việc áp dụng hồi tố khi sửa Nghị định 20 chính là sự hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước cho doanh nghiệp. 

Điều đó đem lại lợi ích kép khi có thể giúp doanh nghiệp thêm quyết tâm vượt qua khó khăn, duy trì sự ổn định, đồng thời bảo đảm ổn định đời sống người lao động, cũng là bảo đảm ổn định dân sinh. Đó là chưa kể, nếu người lao động mất việc làm còn đồng nghĩa với việc sẽ phải chi một khoản lớn quỹ bảo hiểm thất nghiệp, gây tác động nhiều mặt đến quốc kế, dân sinh.

Thứ ba, chúng tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ lo lắng của Bộ Tài chính về việc các khoản thu năm 2017, 2018 đã được đưa vào quyết toán ngân sách Nhà nước, trong khi dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 mà Quốc hội phê duyệt không có khoản dành cho việc hoàn thuế này. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp đã lên tiếng, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được bằng cách cho doanh nghiệp khấu trừ vào kỳ nộp thuế sau, không phải trong năm 2020 mà có thể kéo dài sang năm 2021. Như vậy, vừa không gây khó khăn do việc phải điều chỉnh lại ngân sách 2020 mà Quốc hội đã phê duyệt, vừa dãn được khoản hoàn trả để ít ảnh hưởng đến số thu của ngành tài chính.

Thứ tư, những lo ngại của Bộ Tài chính về những khó khăn trong nghiệp vụ khi hoàn trả thuế, theo các chuyên gia thì đó chỉ là những vấn đề thuộc về kỹ thuật, không phải là không thể giải quyết, thậm chí còn có thể giải quyết không khó khăn gì.

Thứ năm, Bộ Tài chính lo ngại về việc cho hồi tố, hoàn thuế sẽ có thể tạo ra cơ chế xin cho, nói thẳng ra là nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến công tác quản lý cán bộ của ngành thuế. Vậy thử hỏi, chẳng lẽ trong lĩnh vực thuế hiện nay và trong tương lai, Bộ Tài chính bảo đảm không có tiêu cực? Còn nếu không dám bảo đảm thì chẳng nhẽ là… không thu thuế nữa để khỏi xảy ra tiêu cực? Vấn đề ở đây là biết để lường trước và tăng cường kiểm tra giám sát để phòng và chống tiêu cực, chứ không phải sợ tiêu cực mà không làm.

Tóm lại, trong việc cho hồi tố khi sửa khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, các chuyên gia đã phân tích cặn kẽ, thấu đáo cả về tình và lý. Bộ Tư pháp cũng đã tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý. Các doanh nghiệp nếu được hồi tố cũng đã đồng ý dãn khoản hoàn thuế sang các năm sau. Vấn đề còn lại chỉ là Bộ Tài chính có đủ sự thấu hiểu để lắng nghe, đồng cảm và đồng hành giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, cùng cả nước vượt qua đại dịch và góp phần giữ ổn định kinh tế hay không mà thôi./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top