Aa

Vấn đề lớn nằm ở giải phóng mặt bằng và sử dụng quỹ đất hai bên đường

Thứ Sáu, 10/06/2022 - 13:15

Tại phiên họp sáng 10/6, các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn và sôi nổi về nhiều vấn đề liên quan đến hai dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 vùng TP.Hồ Chí Minh.

Phát biểu mở đầu phiên làm việc tại hội trường sáng 10/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 vùng TP.Hồ Chí Minh, trong đó có vấn đề giải phóng mặt bằng và sử dụng quỹ đất hai bên đường.

Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế sử dụng quỹ đất hai bên đường

Tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu đều nhất trí cao với nội dung Tờ trình Chính phủ về dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh. Đây là hai dự án có tính đột phá chiến lược, tháo điểm nghẽn của hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô và vùng TP.Hồ Chí Minh. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu mở đầu phiên làm việc tại hội trường (Nguồn: quochoi.vn)

Theo đó, đường Vành đai 3, đi qua TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương tạo thành vòng tròn, khi hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian đi lại; tạo hành lang cho đô thị và công nghiệp của bốn tỉnh cũng như lan tỏa cả khu vực phía Nam.

Đường vành đai 4 Hà Nội đi qua Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về nhiều vấn đề liên quan đến hai dự án “để đời” này, trong đó có vấn đề giải phóng mặt bằng và sử dụng quỹ đất hai bên đường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), cho biết thời gian qua khi mới nghe Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường Vành đai thì thị trường bất động sản các khu vực liên quan đã sôi động. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Theo đó, song song với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai, Chính phủ nên quy hoạch luôn khu vực hai bên đường để xây dựng các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa; cùng với đó là việc xây dựng hệ thống đường song hành, đường kết nối trong khu vực.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) (Nguồn: quochoi.vn)

Về công tác giải phóng mặt bằng, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nên giải phóng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai, nhằm mục đích tạo nguồn đất dự trữ cho việc phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai.

Cùng bàn về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ hơn phương án phù hợp với một số tuyến, đoạn, trên cơ sở so sánh phương án xây dựng tuyến trên cao và thấp để bảo đảm hiệu quả. Bởi vì đường vành đai liên quan đến quy hoạch phát triển các vùng xung quanh nên cần bảo đảm gắn với quy hoạch sử dụng đất mà các địa phương sẽ rà soát lại.

Bản đồ quy hoạch đường vành đai 4 Hà Nội. 

Ngoài ra, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mới xác định dự kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của việc thu hồi đất. Tuy nhiên, thông qua quan sát thực tế, con số này còn có sự chênh lệch lớn hơn so với dự kiến nên cần rà soát, kiểm đếm lại.

Mặt khác, cần có sự thống nhất về xác định giá đền bù giải phóng mặt bằng giữa các địa phương vì hiện nay đã có sự chênh lớn giữa các địa phương trong việc thực hiện giá đền bù.

Liên quan đến vấn đề khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, qua khảo sát ở Việt Nam và nhiều nước khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị việc khai thác quỹ đất xung quanh hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng về việc khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư. Các đường cao tốc chỉ cho phép các trạm xăng, điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép khu dân cư cắm vào như Việt Nam đang làm.

Cần tư duy "cao tốc" trong chính sách và thủ tục hành chính

Trình bày tại phiên thảo luận, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, nhưng cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy thể chế, chính sách và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn ở đây, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội. (Nguồn: quochoi.vn)

Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định, việc quyết định xây dựng hai tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là một quyết sách chiến lược, đáp ứng đa mục tiêu.

Thứ nhất đó là biện pháp đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, vốn là giải pháp kinh điển trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế mà các nước đều áp dụng.

Thứ hai, việc hoàn thành hai dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta hiện nay.

Thời gian qua Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị tích cực cho dự án này. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đồng ý với chủ trương phát triển hai tuyến đường này, ông Vũ Tiến Lộc cũng hy vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua. Tuy nhiên, việc xây dựng dự án đang thu hút cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, nên Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội rất cần thể hiện hình mẫu tư duy mới, đột phá phát triển, tầm nhìn tổng thể và minh bạch; đồng thời có chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cho rằng Thủ tướng Chính phủ cần "cầm trịch" quản lý hai dự án lớn này để thực hiện đồng nhất giữa các địa phương; nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn. Đồng thời cũng nên dành ra nguồn vốn thích đáng, trong đó có thể tìm  đơn vị có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn. Khi đã có tư vấn và thiết kế tốt thì có thể cân nhắc giao cho các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

Đường vành đai 3 Hồ Chí Minh là tuyến đường tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Đồng ý với điều này, Đại biểu Lê Hoài Trung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, Quốc hội cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát để hạn chế các sai sót không cần thiết. Ngoài ra nên có cơ chế về chuyên môn như thành lập các nhóm đặc trách để hỗ trợ các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật cho các địa phương; đồng thời mở các khoá đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương.

Tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề này trong các báo cáo trình Quốc hội và quá trình tổ chức triển khai.

Theo đó mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và đảm bảo hài hòa lợi ích địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Bàn về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần này cần phải tập trung để đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp để bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức đầu tư công và không làm xáo trộn đời sống nhân dân. Đồng thời lưu ý chính sách đền bù ở vùng giáp ranh thì cần có hướng dẫn cụ thể, quản lý chặt chẽ để đảm bảo không có khiếu kiện, hay tái lấn chiếm như các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu, xây dựng báo cáo giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét. Cử tri và nhân dân cả nước đang rất kỳ vọng các dự án sẽ được Quốc hội sớm thông qua và triển khai thực hiện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top