Aa

Vân Đồn sẽ là thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Ba, 05/03/2019 - 06:01

Khu kinh tế Vân Đồn được định hướng là trung tâm kinh tế, thương mại năng động của quốc tế và khu vực, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Một trong những mục tiêu trọng tâm là xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam; nằm trong nhóm các thành phố đáng sống nhất châu Á - Thái Bình Dương. Vân Đồn sẽ là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực...

Đón 9,5 triệu lượt khách du lịch

Phạm vi lập quy hoạch khoảng 2.171,33km2 bao gồm diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, trong đó diện tích đất tự nhiên khoảng 581,83 km2, diện tích vùng biển khoảng 1.589,5km2.

Dự báo sơ bộ quy ô dân số: Đến năm 2030 khoảng 140.000 - 200.000 người; đến năm 2040 khoảng 300.000 - 500.000 người. Dự báo phát triển khách du lịch: Đến năm 2030 khoảng 2,5 triệu lượt khách; đến năm 2040 khoảng 6,0 - 9,5 triệu lượt khách.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trên cơ sở rà soát, kế thừa các yếu tố hợp lý của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1296/QĐ-TTg ngày 19/8/2009, đánh giá các định hướng chiến lược của quốc gia và tỉnh Quảng Ninh đối với khu vực Vân Đồn nhằm khai thác phát triển tối ưu các quỹ đất, tiềm năng phát triển từng khu vực; đề xuất các khu chức năng, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hợp lý cho khu kinh tế.

Nội dung nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng và làm rõ một số nội dung.

Trong đó, cần đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng. Cụ thể, phân tích, đánh giá các đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất..., đặc điểm cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch của Khu kinh tế Vân Đồn và các khu vực phụ cận có ảnh hưởng đến định hướng phát triển khu kinh tế. Đánh giá chi tiết về quỹ đất xây dựng trên cơ sở phân vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và cấm xây dựng.

Đánh giá tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn, xem xét thực trạng phát triển các ngành, các lĩnh vực chủ yếu; thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỉ lệ dân số, lao động (05 năm gần nhất); phân tích xu hướng phát triển dân số, tình hình phân bố dân cư (đô thị - nông thôn), các hiện tượng dịch cư, các vấn đề do đô thị hóa.

Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường bao gồm chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, thoát nước thải, cấp điện, chiếu sáng, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang... trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch. Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế để đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế...

Phân tích vai trò, vị thế Khu kinh tế Vân Đồn trong mối quan hệ với khu vực và quốc tế, mối liên hệ với Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái về dịch vụ, du lịch; mối quan hệ với Hải Phòng, Hà Nội về dịch vụ, hạ tầng và nguồn nhân lực; mối quan hệ với các trọng điểm phát triển khác của vùng và quốc gia để xác định các tiềm năng, lợi thế phát triển, các mối quan hệ hợp tác phát triển và xác định các động lực phát triển, lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn theo từng giai đoạn, tạo sức lan tỏa của Khu kinh tế Vân Đồn.

Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội

Về định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, định hướng quy hoạch phát triển hệ thống công trình hạ tầng kinh tế xã hội bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trụ sở làm việc, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao,... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu kinh tế và vùng lân cận theo các giai đoạn phát triển.

Định hướng quy hoạch bố trí các khu vực phục vụ sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục tại khu vực phía Tây và Bắc đảo Cái Bầu để đáp ứng nhu cầu sử dụng chung của Khu kinh tế và các khu vực lân cận. Bố trí các chức năng dịch vụ hỗ trợ du lịch, tài chính và dịch vụ văn hóa sáng tạo tại khu vực phía Đông đảo Cái Bầu để hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch.

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng chất lượng cao, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân, du khách và lao động tại Khu kinh tế, phù hợp với đặc điểm biển đảo của Vân Đồn.

Khu kinh tế Vân Đồn được phát triển theo 5 khu vực

Cụ thể, khu vực phía Tây đảo Cái Bầu (thuộc các xã Đoàn Kết, Bình Dân, Đài Xuyên) với lợi thế của sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được định hướng phát triển các khu thương mại tự do, sản xuất công nghệ cao, dịch vụ hậu cần và đô thị. Khu vực này có quy mô đất xây dựng khoảng 6.000ha.

Khu vực phía Bắc đảo Cái Bầu (thuộc các xã Vạn Yên, Đài Xuyên) gắn với khai thác phát triển cảng biển Vạn Hoa, Mũi Chùa, đường trục chính phía Bắc, nối với quốc lộ 4D. Khu vực này có hướng phát triển các chức năng đô thị phức hợp, dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp, cảng biển với quy mô đất xây dựng khoảng 5.000ha.

Khu vực phía Đông và Nam đảo Cái Bầu (thuộc các xã Đông Xá, Hạ Long, Vạn Yên và thị trấn Cái Rồng) với hướng phát triển các chức năng là trung tâm tài chính quốc tế và dịch vụ du lịch chất lượng cao dịch vụ văn hóa sáng tạo, vui chơi giải trí với quy mô đất xây dựng khoảng 5.000ha.

Khu vực phía Đông quần đảo Vân Hải gổm cảc đảo Trà Bản, Minh Châu - Quan Lạn, Ngọc Vừng, Phượng Hoàng, Vạn Cảnh… định hướng khai thác phát triển các khu du lịch biển cao cấp.

Khu vực các đảo thuộc hệ thống vườn quốc gia Bái Tử Long được ưu tiên bảo tồn, hạn chế hoạt động xây dựng, khai thác cho các mục tiên sinh thái.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top