“Bà Nà không chỉ tạo cho du khách những trải nghiệm đầy cảm xúc và ấn tượng bằng sản phẩm, mà còn đem lại cảm giác dễ chịu cho du khách bằng dịch vụ chuyên nghiệp, thái độ chu đáo của nhân viên. Đây là điều không phải điểm đến nào cũng làm được” - Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Du lịch Cộng đồng Phan Thị Thu Minh chia sẻ.
Thiết nghĩ nhận định của bà Phó Chủ tịch Câu lạc bộ không hề thiên vị. Là bởi, ở Việt Nam, không có nhiều điểm đến đẹp và ấn tượng từ cảnh quan đến dịch vụ và văn hóa phục vụ như ở Sun World Bà Nà Hills.
Liên tục thay đổi để cuốn hút du khách
Không chỉ với du khách mà với các hãng lữ hành có tour đến Đà Nẵng, Sun World Ba Na Hills là điển hình cho một khu du lịch không bao giờ cũ.
“Đà Nẵng là một trong số rất ít điểm đến tôi đi nhiều lần, trong đó, lần nào tôi cũng tới Bà Nà Hills. Một điều rất đáng khâm phục là dường như, mỗi năm Bà Nà Hills lại được “khoác áo mới” với những công trình ấn tượng, cảnh quan, cách bày trí đầy mới mẻ”, bà Phan Thị Thu Minh - Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Du lịch Cộng đồng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại & Du lịch Hoàng Anh - chia sẻ một cách hào hứng.
“Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, nếu lấy câu này để mô tả cho sự thay đổi liên tục của khu du lịch trên đỉnh núi Chúa, chắc không ngoa. Mỗi năm đến Bà Nà là du khách lại thấy một hay thậm chí nhiều điều mới. Khi thì là một công trình Beer Plaza mang hình thùng bia vàng khổng lồ lấp lánh dưới nắng, khi lại nổi như cồn khắp thế giới với cây Cầu Vàng đẹp ngoạn mục. Mùa xuân thấy Bà Nà rực rỡ với carnival hoa thì chỉ bước sang hạ là đã thấy carnival Yến tiệc vua mặt trời xa hoa lộng lẫy… Tháng 5 tưng bừng lễ hội vang, sang tháng 6 đã lại rộn ràng B’estival hoành tráng với cả triệu lít bia tươi, hấp dẫn không kém Oktoberfest tại Việt Nam. Bà Nà chẳng khi nào khiến du khách thấy nhàm chán, cũ kỹ.
Đó là lý do khách Tây khách ta cứ nhất định phải đến Bà Nà. “Cứ hành trình nào ở Đà Nẵng mà không có Bà Nà Hills đều không có khách. Nhờ Bà Nà Hills, năm 2011, lượng khách đi qua công ty Tiên Phong đến Đà Nẵng chỉ mới vài trăm khách nhưng nay đã đạt khoảng 4.000 khách/năm”, Giám đốc Tiên Phong Travel- Phùng Xuân Khánh chia sẻ.
Định hình văn hóa du lịch kiểu mẫu
Ông Nguyễn Xuân Bình, một du khách từ Hà Nội nhớ lại: “Năm 2014, khi tôi đến Bà Nà Hills lần đầu, điều làm tôi ấn tượng không chỉ là cảnh đẹp mà chính là văn hóa xếp hàng khi chờ cáp treo, hoặc chờ tới lượt được vui chơi, mua đồ ăn… ở khu du lịch này. Trong khi ở nhiều điểm đến, du khách Tây ngán ngẩm Việt Nam bởi sự bất lịch sự từ sân bay tới các nhà hàng khi chen lấn, xô đẩy, nói to… thì ở đây, mọi thứ cứ như đang diễn ra ở Nhật Bản, ở châu Âu ấy, thật nhẹ nhàng, trật tự. Lúc đó, tôi từng nghĩ nhà đầu tư xây cái cáp treo và những lâu đài trên đỉnh Bà Nà hẳn là một doanh nghiệp nước ngoài”.
Cho đến mãi sau này, ông Bình mới biết Sun World Bà Nà Hills là sản phẩm của Sun Group, một doanh nghiệp Việt Nam 100%.
“Ở Bà Nà Hills có một điểm cộng vô cùng đáng quý, đó là nụ cười của mỗi cán bộ, nhân viên từ quản lý đến bảo vệ, người làm vườn, lao công lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Nhờ cách quản lý, vận hành bài bản, Tập đoàn Sun Group không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương mà còn đào tạo cho họ đủ năng lực, trình độ, sức khỏe và đạo đức. Đây là một trong những yếu tố giúp Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống”, đồng thời, góp phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho du lịch thành phố biển này”-ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist bày tỏ.
Văn hóa xin chào, những nụ cười của người phục vụ… là thứ khiến du khách ấn tượng sâu đậm với Bà Nà Hills. Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc điều hành của Vietrantour cho hay: “Theo khảo sát của Vietrantours, du khách đến Đà Nẵng đều mê Bà Nà Hills, 100% khách hàng cho biết cảm thấy thích thú vì ở đây có rất nhiều hoa, cây xanh và được bài trí đầy nghệ thuật. Điều đó cũng cho thấy văn hóa kinh doanh mà Tập đoàn Sun Group nhắm tới là đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng chứ không phải là đầu tư chỉ để thu tiền”.
Quan tâm đến du khách từ những điều nhỏ nhất, khu du lịch này liên tục đầu tư làm mái che dẫn lối lên cáp treo, đặt ghế nghỉ để du khách dừng bước trên đường khám phá, đặt ổ cắm sạc điện thoại miễn phí... Du khách khuyết tật có lối đi riêng, có xe lăn hỗ trợ nếu cần và đội ngũ nhân viên thì lúc nào cũng niềm nở sẵn sàng giúp đỡ…
Ở Bà Nà, từ lãnh đạo đến nhân viên, chỉ cần nhìn thấy rác là ai nấy đều tự động cúi xuống nhặt và bỏ vào thùng rác. Ý thức ấy lan tỏa đến khách du lịch, khiến du khách không ai nỡ xả rác bữa bãi khi đến với khu du lịch sạch không bóng rác này.
Bà Nà Hills còn có riêng một tủ hành lý thất lạc đặt ngay tại Ga đi Cáp treo, để ai lỡ quên cái ô, khăn, áo hay các tài sản giá trị có thể tìm đến, nhận lại. Từ năm 2016 đến 2019, khu du lịch đã phát hiện kịp thời, trao trả cho du khách tới hơn 1.244 tài sản thất lạc. Văn hóa ấy, không dễ tìm thấy ở nơi nào.
“Chúng ta cần có những khu vui chơi giải trí được đầu tư quy mô, bài bản, chuyên nghiệp như Bà Nà Hills ở các địa phương khách để thu hút du khách, nâng tầm chất lượng điểm đến, và quan trọng hơn cả là mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách” – ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Transviet đánh giá.
Lượng khách tăng đến 160 lần sau 10 năm là một thành tích đáng kể của Bà Nà Hills. Tuy nhiên, điều đáng tự hào hơn cả là sau một thập kỷ phát triển, khu du lịch này không chỉ tạo ấn tượng trong lòng du khách về một điểm đến xứng đáng quay trở lại, mà còn góp phần định hình một cách làm du lịch kiểu mẫu cho du lịch Đà Nẵng, một thành phố du lịch nổi tiếng văn minh, sạch sẽ và thân thiện với du khách.