Aa

Văn minh chiều thẳng đứng

Thứ Năm, 13/09/2018 - 13:51

Cộng đồng ở các chung cư có lẽ là một trong những không gian thực hành dân chủ lý tưởng ở Việt Nam hiện nay. Các hộ tham gia các cuộc họp và biểu quyết vì lợi ích của mình và ít ai có thể “cả vú lấp miệng em”.

Thiết kế: Phúc Nguyễn

Thiết kế: Phúc Nguyễn

Người Việt có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có những nhược điểm cần điều chỉnh hay loại bỏ như: chủ nghĩa cá nhân, thiếu ý thức cộng đồng hay nhìn vào mặt trái của xã hội, của người khác một cách tiêu cực.

Vấn đề trên được thể hiện rất rõ qua việc cả làng bắt vạ Thị Mầu chửa hoang để chia phần/ăn cỗ: “Chiềng làng chiềng chạ/Thượng hạ Tây Đông/Con gái Phú Ông/Tên là Mầu Thị/Tư tình ngoại ý/Mãn nguyệt có thai/Già trẻ gái trai/ra đình mà ăn khoán…”

Nhìn theo chiều dài lịch sử, một số hoạt động cộng đồng ở làng xã là vui chơi, ăn uống bù khú chia phần. Mỗi khi làng có việc, thời gian bàn thảo các vấn đề một cách nghiêm túc thường rất ít, thay vào đó là chè chén, lèm bèm. Khi tham gia, đa phần thường nghĩ mình sẽ được gì, chỗ mình ngồi ở đâu.

Người Việt sống quần cư ở các đơn vị làng, nhưng mỗi gia đình thường ở riêng với các tài sản riêng chứ những tài sản chung chung như đình làng, các công trình thủy lợi và đường xá rất ít. Hơn thế, các làng thường mặc định việc đó là của quan/nhà nước chứ không phải của mình. Không gian thực hành dân chủ đúng nghĩa ở các làng dường như ở đâu đó, chủ yếu là chế độ quả đầu, quyền hành và quyết định trong tay một số ít, số đông không quan tâm.

Người Việt bước từ làng ra phố từ rất lâu, nhưng về cơ bản, các khu phố cũng vẫn mang dấu vết của các làng thu nhỏ. Cho đến giờ này, về cơ bản không có nhiều thay đổi, nhất là ở các khu phố truyền thống với đa phần là nhà ống, mỗi gia đình tách biệt một nhà.

Đáng buồn hơn, những câu chuyện xung quanh những cuộc bù khú ăn nhậu ở làng hay phố thường là về chủ đề cái dở của người khác để thỏa mãn sự tự ái hay cái tôi cá nhân của mỗi người, rất ít những câu chuyện khuyến khích mọi người chí thú làm ăn hay có cái nhìn tích cực.

Chủ nghĩa cá nhân và thiếu ý thức cộng đồng của người Việt được thể hiện rất rõ trong các khu tập thể từ thời bao cấp. Không ít người đã biến của công thành của riêng. Tiện tay cái gì là “nhấc” về làm của riêng ngay. Điều này bộc lộ điểm yếu ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.

Điều đáng buồn là những cái dở nêu trên vẫn có trong những cộng đồng người Việt quần cư với nhau ở nước ngoài. Nhiều người đã không chọn ở những nơi có nhiều người Việt để tránh những điều không hay này.

“Làng Facebook” là đỉnh của đỉnh phản ánh mặt trái đời sống quần cư nhưng mỗi cá nhân chỉ là những "hạt gạo chưa thành cơm", thiếu sự gắn kết, luôn nhìn vào mặt trái của xã hội, của người khác một cách tiêu cực. Bảo ban nhau để mọi thứ tốt lên thì rất ít mà thay vào đó là sự a dua, chửi rủa văng mạng, dìm người khác xuống bùn.

Thiết kế: Phúc Nguyễn

Thiết kế: Phúc Nguyễn

Điều đáng khích lệ là những tòa nhà cao tầng với những căn hộ chung cư cao cấp và tiện nghi được quản lý tốt đang giúp người Việt hình thành thói quen hay suy nghĩ vì cái chung, về cộng đồng và trở nên văn minh hơn.

Cách hành xử không hay đang giảm dần và ý thức cộng động đang tăng lên khi hàng ngày thấy các tài sản hay không gian chung được chăm sóc cẩn thận, nếu ai đó làm điều gì không hay sẽ được nhắc nhở ngay. Những chuyện như ông bố sai cậu con trai giữ thang máy cho mình trước giờ đi làm là vẫn có, nhưng những thay đổi rất tích cực đang diễn ra.

Hơn thế, cộng đồng ở các chung cư có lẽ là một trong những không gian thực hành dân chủ lý tưởng ở Việt Nam hiện nay. Các hộ tham gia các cuộc họp và biểu quyết vì lợi ích của mình và ít ai có thể “cả vú lấp miệng em”. Thêm vào đó, việc pha trộn với các nền văn minh, các dân tộc khác cũng giúp người Việt chúng ta thay đổi tích cực. Khi người khác giữ ý thức thì chúng ta cũng phải biết ngượng mà thay đổi.

Tóm lại, cuộc cách mạng chung cư hay cuộc cách mạng thay đổi lối sống của người Việt từ dàn trải và rời rạc theo chiều ngang sang chiều thẳng đứng, phải phụ thuộc nhau  và bị giám sát kỹ giúp cho chúng ta trở nên văn minh và tốt hơn. Những nhà phát triển bất động sản như: Phú Mỹ Hưng, Novaland, Hưng Thịnh, Vingroup… đang chung tay vào cuộc cách mạng này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top