Giá vàng có chiều hướng phục hồi
Giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.952 USD/ounce trong chiều 17/8. Vàng giao tháng 12/2020 trên sàn Comex New York ở mức giá 1.963 USD/ounce. Giá vàng thế giới tăng trở lại do USD suy yếu (USD tiếp tục giảm vào sáng 17/8 trong phiên giao dịch châu Á) giữa lúc các nghị sĩ Mỹ vẫn bế tắc, chưa có tiến triển về gói kích thích kinh tế bổ sung.
USD đánh mất vị thế khi các nhà đầu tư lo lắng trước sự bất ổn địa chính trị. Qua đó, các đồng tiền hàng hóa được hưởng lợi khi cuộc đàm phán Mỹ - Trung dự kiến diễn ra vào cuối tuần trước được trì hoãn vô thời hạn. Một nguồn tin thân cận của Reuters cho biết, lý do hoãn cuộc họp là hai bên “không thống nhất được quan điểm”.
Mặc dù đà tăng giá đối với vàng dựa trên các yếu tố kinh tế vĩ mô như: USD suy yếu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rất ôn hòa, nhưng sự giảm mạnh trong tuần qua của vàng được cho là do nhà đầu tư chốt lời, chứ không phải bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào trong nền kinh tế.
Quỹ đầu tư vàng SPDR tiếp tục bán ra thêm 3,8 tấn vàng vào cuối tuần qua, số lượng nắm giữ còn 1.248,29 tấn. Trong tuần qua, quỹ này đã có 3 ngày bán vàng với khối lượng 15,29 tấn, bán mạnh nhất (7,3 tấn) trong ngày 12/8 sau khi giá vàng lên cao 2.075 USD/ounce vào ngày 11/8. Đồng thời, quỹ này cũng có 1 ngày mua 1,46 tấn vàng, do đó lượng vàng bán ròng là 13,83 tấn.
Trước lực bán chốt lời của các nhà đầu tư khi có thông tin tích cực về vắc-xin ngừa Covid-19 của Nga được công bố trước ngày 12/8, giá vàng nhanh chóng đảo chiều trong phiên giao dịch cùng ngày, mất mốc 2.000 USD/ounce, về ngưỡng 1.899 USD/ounce. Thế nhưng, giá mặt hàng kim quý vàng đang dần hồi phục, tiến gần sát ngưỡng 2.000 USD/ounce. Các nhận định đưa ra, vàng còn cơ hội tăng giá trong thời gian tới, vì còn nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.
Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được cho là khó sớm lắng dịu. Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh nhận định, Covid-19 chưa biết khi nào sẽ kiểm soát được, cho dù Nga đã công bố có vắc-xin phòng ngừa.
Lướt sóng vàng đầy rủi ro
Trong bối cảnh trên, nhu cầu tìm đến hầm trú ẩn an toàn vàng của nhà đầu tư vẫn gia tăng. Điển hình là cầu mua vàng của Thụy Sỹ tăng gấp 4 - 5 lần trong mùa dịch. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Thụy Sỹ đang thứ 8 trong 10 quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới, với 1.040 tấn.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, tính đến cuối tháng 7 năm nay, các quỹ ETF đã ghi nhận lượng mua vào ròng trong 8 tháng liên tiếp và kể từ đầu năm 2020 đến nay, con số này lên tới khoảng 899 tấn, cao hơn con số kỷ lục 646 tấn năm 2009. Từ đầu năm 2020, những quan ngại về tác động tiêu cực của Covid-19 đã thúc đẩy dòng tiền trên thế giới chảy vào các sản phẩm đầu tư vàng, nhất là các quỹ ETF dựa trên vàng...
Ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, Quỹ SPDR bán vàng trong ngày 12/8 là do giá vàng đã tăng lên mức cao hơn kỳ vọng. Khi giá mặt hàng kim quý này chạm đỉnh 2.070 USD/ounce, các quỹ đầu tư và nhà đầu tư lớn sẽ nhanh chóng chốt lời. Tuy nhiên, một khi giá vàng được điều chỉnh xuống mức hợp lý, các quỹ đầu tư vàng trên thế giới sẽ tìm kiếm cơ hội “rót” tiền, bởi họ nhìn thấy cơ hội tăng giá còn cao trong thời gian tới, cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng SJC Phú Thọ - ông Trần Thanh Hải, giá vàng chưa hết cơ hội đi lên trước diễn biến của kinh tế toàn cầu đang suy thoái, thương chiến Mỹ - Trung không những khó lắng dịu, mà ngày càng leo thang, Mỹ đang đứng trước kỳ bầu cử và nhất là Covid-19 chưa thể được kiểm soát trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nếu mua vàng ở thời điểm này, nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn, chứ không thể kỳ vọng “lướt” sóng kiếm lời trong ngắn hạn vì rủi ro sẽ đi kèm.
Đáng chú ý, thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế do Việt Nam dừng xuất nhập vàng mấy năm nay, nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, khi giá vàng lên xuống, các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ nới rộng mức chênh lệch giữa mua và bán lên đến 4,7 triệu đồng/lượng như trong ngày 12/8 và tiếp tục kéo dài. Đó là chưa kể chênh lệch giá trong nước và quốc tế luôn ở mức trên dưới 3 triệu đồng/lượng.
Người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các nhà kinh doanh vàng
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, rủi ro biến động giá vàng được các cửa hàng vàng “đẩy” sang phía khách hàng. Tức là dù giá vàng lên hay xuống, người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các nhà kinh doanh vàng, do niêm yết giá mua cách xa giá bán. Trong khi đó, tâm lý của người dân và kể cả nhà đầu tư trong nước vẫn thường đi theo đám đông, mua vàng khi giá tăng và ồ ạt bán ra khi giá giảm dần.