Vật liệu xanh: Cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại

Vật liệu xanh: Cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại

Thứ Sáu, 07/02/2020 - 06:10

Không thể phủ nhận, ngành xây dựng đang vươn mình mạnh mẽ với sự đa dạng của các loại vật liệu cùng những thiết kế mới tinh tế. Tuy nhiên, giữa muôn vàn chủng loại vật liệu mới mẻ ấy, vật liệu xây dựng xanh, đặc biệt là vật liệu xanh truyền thống vẫn được nhiều người Việt ưu tiên sử dụng.

Những vật liệu mà cha ông ta sử dụng từ xa xưa hầu hết đều là các vật liệu xanh, có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng được chế tác và sử dụng dưới bàn tay của những người thợ tài hoa, tạo nên nét đặc trưng trong kiến trúc truyền thống. Xin được mượn lời KTS. Đoàn Khắc Tình, Đại học Kiến trúc Hà Nội: “Chính tài nguyên xứ sở đã nuôi dưỡng tập quán xây dựng của người Việt. Cánh thôn quê vẫn thường nói: “Có trăm tre, nhăm nhe làm nhà”, là ý nhấn mạnh thứ vật tư quan trọng nhất, đủ làm nên bộ khung nhà truyền thống”.

Nhà tranh tre nứa lá mát về mùa hạ ấm về mùa đông, dẻo dai chịu đựng gió bão, mưa nắng. Khắp các miền quê đâu cũng sẵn tre nứa. Họ nhà tre loại nào cũng đắc dụng: Bương, vầu thân to cật dầy, đốt ngắn, cứng cáp thì làm cột. Tre đằng ngà đặc ruột dẻo thân dùng làm đòn tay, xà tử, dạ cửa, bậu cửa. Mai trúc thân thẳng vỏ dày, gốc ngọn bằng bặn thì được bổ bẻ, chẻ đều để lát sàn, thưng vách… Nứa mỏng mềm thì đập dập thành ra lợi bản trải mái lợp hay đan phên ngăn, ken tấm dại. Rồi nứa tép, trúc cành, giang, mây, song… thứ nào cũng được việc cả. Tre ngâm độ sáu tháng đến một năm dưới bùn ao, vớt lên mềm dễ uốn vặn, để khô đi chống mối mọt tốt. Lại có thể luộc mây tre, chẻ làm lạt rồi gác bếp cho khói xông… Cây tre thật xứng với tính tình chịu thương chịu khó của người Việt.

Cao cấp hơn tre là gỗ. Đinh, lim, sến, táu, vàng tâm, mộc lan là những hạng gỗ rừng lý tưởng để cất dựng đền miếu, đình chùa, cung điện. Trong dân gian thì phổ thông là xoan, mít, chò, keo, dổi, hồng sắc… Người thôn quê xưa có tính lo xa: Khi dựng vợ cho con trai, bao giờ cũng gây sẵn bụi tre, hàng xoan hay mấy gốc mít nơi trước sân, mép vườn, bờ ao. Nhắm chừng 10 - 15 năm sau con cái có vật liệu làm nhà mới, vừa vặn thời gian chuyển đổi thế hệ nông trang. Xoan cao cây thân dài và thẳng, đoạn dưới làm cột, đoạn trên làm xà, kèo, hoành, bậu. Gỗ xoan thấm sẵn nhựa đắng, ngâm khoảng 1 năm chống chịu được mối mọt. Chả thế có câu “Nhà gỗ xoan – quan ông nghè”.

Cái lợp cũng sớm được người xưa quan tâm tìm kiếm hoặc chế tác cho ngôi nhà khung tre gỗ, sao cho thích hợp với độ dốc mái và sự phân chia các tấm mái, tầng mái. Đó có thể là rơm, rạ hay lá cọ, lá mía, lá dừa, cỏ tranh, phên nứa, cói bổi… Chẳng hạn, nhà lợp cói (thông dụng ở Thái Bình) chống dột rất tốt. Trong nhà luôn mát mẻ vì các lớp sợi cói qua thời gian dính kết lại thành tấm xốp liền. Sau mỗi lần lợp chừng 5 năm, khi cói xẹp xuống người ta lại phủ lên trên mái cũ một lớp cói nữa. Cứ thế lớp mái cói có thể dày từ 0,3m – 0,5m. Ở một số địa phương Nam Trung bộ, Nam bộ, trên rui mè ken dày có khi người ta đổ một lớp đất sét rồi lợp lá dừa nước lên trên. Đất sét cách nhiệt, chống cháy tốt. Nhưng, cái chính là tại lá dừa mềm, mỏng không thể đánh tranh, khi khô nước mưa dễ lọt qua, nên đất sét có tác dụng làm cứng mái và chống thấm. Cao cấp hơn, người ta xẻ gỗ thành ván mỏng để lợp…

Người Việt xây dựng nhà ở luôn đề cao tính chân thực, sự giản dị và tính chừng mực. Tính chân thực trước tiên ở thái độ ứng xử với vật liệu. Gỗ được sử dụng với những tính năng và vẻ đẹp vốn có, thường để mộc, sơn phủ hạn chế.

Để tăng vẻ đẹp, vẻ thanh thoát cho căn nhà gỗ, người thợ xưa thường tạo ra những đường soi nét và viền trên những khúc gỗ lặng câm, chạm lộng những đầu dư, gắn những bức chạm giữa những xà dọc và xà ngang. Các công trình lớn như cung vua, phủ chúa, đền chùa phối hợp nhiều loại vật liệu xây dựng: Nền bó đá xanh, cột kèo bằng gỗ. Các thành phần khác thì dùng vôi, mật làm chất kết dính, trang trí bằng gốm. Hầu như không sử dụng sắt hay kim loại.

Đá cũng là loại vật liệu tự nhiên truyền thống được sử dụng phổ biến. Ngôi nhà đầu tiên của con người là hang đá. Lịch sử nói chung và lịch sử kiến trúc nói riêng đều ghi nhận như vậy. Khi chưa thể tạo được những kiến trúc cho riêng mình, con người đã nương nhờ vào tự nhiên một cách rất bản năng.

“Những kiến trúc cổ đại, trung đại còn tồn tại đến bây giờ đa phần bằng đá. Những công trình bền bỉ cùng năm tháng, trơ gan cùng tuế nguyệt phải là đá. Ở Việt Nam không có nhiều những công trình to lớn kỳ vĩ bằng đá, nhưng cũng có những kiến trúc bằng đá có giá trị cao ở cả góc độ nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Có thể kể tới Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), Tháp Bút (Hà Nội)… Công trình lớn nhất bằng đá ở Việt Nam là Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá)”, lời KTS. Nguyễn Trần Đức Anh.

Tre, gỗ, đá, nứa, giang, mây…, những vật liệu thiên nhiên đã được thổi hồn dân tộc tạo nên kiến trúc truyền thống giản dị nhưng lại rất ưu việt. Đời trước dùng kỹ nghệ khéo léo mà biến những thanh tre, khúc gỗ, tảng đá vô tri thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, những tuyệt tác kiến trúc từ thiên nhiên để đời sau tiếp tục kế thừa và vận dụng.

Sự phát triển kinh tế cùng với sự bào mòn của thời gian đã đẩy lùi những mái nhà tranh tre, gỗ nứa…về quá khứ. Thay vào đó là những khối bê tông cao tầng. Nhưng trớ trêu thay, tốc độ đô thị hóa nhanh đã đặt ra nhiều dấu hỏi về yếu tố bền vững của công trình bên cạnh những tác động của chúng đến môi trường sinh thái. Một lần nữa, tre, gỗ, đá,... trở thành “cứu tinh” cho đô thị, tạo nên những mảnh ghép xanh cho các công trình kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên chúng được biến hóa, ứng dụng linh hoạt hơn, phù hợp với thời đại hơn.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, với tính chất dẻo dai, cứng cáp, có tuổi thọ lên đến hàng thế kỷ, tre đã khiến kiến trúc sư Neil Thomas với nhiều năm tìm hiểu về loại vật liệu này trên khắp thế giới phải thốt lên rằng: "Tre là loại vật liệu xây dựng tiến gần đến sự hoàn hảo nhất". Không chỉ có thể sử dụng thay thế bê tông, sắt, thép mà với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, vật liệu tre đã được chế biến thành rất nhiều loại sản phẩm trang trí nội thất. Sàn tre, trần tre, đồ nội thất bằng tre, các tấm ván tường bằng tre... mang lại các ưu điểm như nhiều hoa văn độc đáo, màu sắc tự nhiên và giữ được độ sáng trong nhiều năm, chịu nhiệt độ cao và hạn chế khả năng bén lửa, đem lại không gian độc đáo cho công trình.

Tuy nhiên, trong thời buổi đô thị nén như hiện nay thì tre ít nhiều bộc lộ những nhược điểm. "Tre thích hợp làm vật liệu cho các công trình thấp tầng, những công trình quy mô nhỏ, mang tính tạo cảnh quan, điểm nhấn chứ không thể làm thành những công trình lớn, quy mô. Ngoài ra, dùng vật liệu này cũng khá tốn năng lượng do khả năng cách âm, cách nhiệt hạn chế", lời nhận xét của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào.

Khắc phục được hạn chế đó của tre, vừa đáp ứng những yêu cầu về công trình xanh, vừa giải quyết vấn đề của đô thị nén, gỗ đã được không ít các kiến trúc sư lựa chọn, trở thành vật liệu chính trong công trình thiết kế của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu về kết cấu và cách thức xây dựng để công trình vươn cao hơn, được hoàn thiện nhanh hơn và tránh tác động tiêu cực tới môi trường, thì gỗ dạng thô thông thường sẽ chẳng bao giờ có thể sánh được với kết cấu khung thép. Khắc phục khiếm khuyết đó, một loại vật liệu gỗ ép được phát triển vượt qua mọi yêu cầu, thách thức đã đặt ra. Bằng cách dán các lớp gỗ mềm, cấp thấp hơn lại với nhau thành tấm gỗ hoàn chỉnh, “gỗ tiền chế” vừa mang dáng vẻ của loại vật liệu truyền thống vừa mang hơi thở của phát kiến hiện đại. Đồng thời, vật liệu gỗ tiền chế này ngày càng được sử dụng rộng rãi, mở ra một kỉ nguyên mới thân thiện với môi trường sinh thái, kỷ nguyên của công trình “plyscrapers” (nhà cao tầng làm từ gỗ ép).

Bên cạnh tre, gỗ thì đá cũng là vật liệu truyền thông được ứng dụng phổ biến trong các công trình ngày nay. Không chỉ đáp ứng về độ bền bỉ với thời gian, còn tăng tính thẩm mỹ bởi sự đa dạng về màu sắc, hoa văn sang trọng, đẹp mắt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đá được xem là vật liệu "kinh điển" của thế giới, trải qua hàng nghìn năm, đá tự nhiên vẫn giữ được ví trí độc tôn, không thể thay thế trong các công trình kiến trúc và gắn liền với sự phát triển của các nền văn minh khác nhau. Cũng chính vì vậy, vật liệu đá thường xuyên được sử dụng cho các công trình quan trọng của quốc gia như công trình Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm Thông tấn quốc gia, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử,...

Có thể thấy, tre, gỗ, đá vẫn đang được lưu giữ, ứng dụng qua bàn tay tài hoa và con mắt nghệ thuật của các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa chất truyền thống trong sử dụng vật liệu và tính hiện đại trong các thiết kế, tất cả tạo nên công trình kiến trúc có độ thụ cảm thẩm mỹ cao, hơn cả là mang trong đó hồn sắc của dân tộc ngàn đời.

Nhớ lại thời kỳ đất nước đổi mới, bắt đầu bước vào kỷ nguyên kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các loại vật liệu xây dựng mới xuất hiện ngày càng nhiều, việc sử dụng các vật liệu xanh truyền thống đồng nghĩa sẽ bị hạn chế, ít được ứng dụng hơn. Tuy nhiên những năm gần đây, khi mà lượng chất thải từ ngành công nghiệp xây dựng đang là gánh nặng với môi trường, thì những loại vật liệu xanh, truyền thống lại chính là “nơi để trở về” của kiến trúc hiện đại, và trở thành lựa chọn hàng đầu trong bảo vệ hệ sinh thái.

Tuy nhiên, những vật liệu như tre, gỗ, đá đều thuộc về thiên nhiên, nếu sử dụng, khai thác ở mức độ lớn thì sớm muộn cũng cạn kiệt, thậm chí tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên. Do vậy, cùng với xu hướng xanh hóa công trình, ngành xây dựng đã cho ra đời nhiều loại vật liệu xanh mới. Có thể kể đến như gạch không nung, gạch làm từ sợi nấm, thạch cao, xốp cách nhiệt, tôn lợp sinh thái... Nhưng xét cho cùng, dù những vật liệu mới kia có dễ dàng, tiện lợi trong thi công công trình, đáp ứng được nhiều yêu cầu trong ngành xây dựng đi chăng nữa, thì những vật liệu truyền thống vẫn không hề "lép vế", mà càng khẳng định vị trí của mình trong các công trình kiến trúc với nhiều tiềm năng, giá trị đang được khai mở. Bởi có một thực tế rằng, khi xã hội càng phát triển, người ta càng muốn lưu giữ những hình ảnh xưa cũ, gợi nhớ lại bóng hình của dân tộc. Và thực tế, những gỗ, tre, đá… luôn đem lại cảm giác mộc mạc, như một sự trở về, ấm áp gần gũi, giản dị mà vững chãi.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top