Thắc mắc cách tính thuế
Liên quan đến việc một số hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết 15, một số địa phương đã hướng dẫn doanh nghiệp không đồng nhất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo đó, điểm nhấn của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, áp dụng từ ngày 1/2/2022 đến hết 31/12/2022.
Tuy nhiên, Chính phủ không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%.
Do đó, trong quá trình thực hiện, không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đang gặp phải hàng loạt vấn đề như không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế VAT hay không.
Bên cạnh đó, một số trường hợp dễ gây hiểu lầm trong vấn đề áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phế liệu sắt thép.
Chẳng hạn, công ty của ông Đặng Văn Tuấn (Yên Bái) đang kinh doanh các loại phế liệu như sắt thép, phôi sắt, đồng, bột nhôm, xỉ nhôm, phôi nhôm, tôn, thiếc… Ông Tuấn thắc mắc rằng trong các mặt hàng nêu trên thì mặt hàng nào áp dụng thuế suất VAT 10%, mặt hàng nào áp dụng thuế suất thuế 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Tương tự, ông Lương Hải Kiên (Hải Dương) cũng thắc mắc trong dự toán xây dựng công trình có các mặt hàng vật liệu như sắt thép, đá, cát, sỏi, xăng dầu... thì dự toán có được giảm thuế VAT còn 8% theo Nghị định số 15 hay không.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng có chung thắc mắc, đối với các hợp đồng ký năm 2021 trở về trước, thuế suất VAT 10%, sang năm 2022 mới quyết toán thì có được tính thuế 8% không?
Hay hàng bán tháng 1/2022 nhưng chưa xuất hóa đơn nhưng giao dịch đã hoàn thành, khách đã trả tiền với thuế VAT 10% nhưng xuất hóa đơn trong tháng 2 thì có được xuất 10% hay không?
Vật liệu xây dựng vẫn tính thuế VAT mức 10%
Ngoài ra, trong trường hợp các doanh nghiệp xuất nhiều mặt hàng trên cùng một hóa đơn cho người mua trong tháng 2.2022, xuất sai thuế suất thì phải điều chỉnh như thế nào?
Để thống nhất vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có văn bản hướng dẫn cục thuế các địa phương áp dụng thống nhất các nhóm hàng hoá dịch vụ được giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và mặt hàng không được giảm thuế này theo Nghị định 15/2022.
Cụ thể, trong văn bản số 2688/BTC-TCT của Bộ Tài chính nêu rõ, với mặt hàng vật liệu xây dựng cơ bản như sắt, thép, chì kẽm, đồng, nhôm… nhưng chưa được phân nhóm cụ thể và chưa có mã sản phẩm, các hàng hoá này đều không thuộc đối tượng được giảm thuế VAT.
Do đó, Tổng cục Thuế kết luận mặt hàng vật liệu xây dựng cơ bản không thuộc diện giảm thuế VAT và vẫn tính thuế VAT mức 10%.
Tương tự, đối với phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.
Trường hợp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phế liệu sắt thép thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì không thuộc đối tượng được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8%. Do đó, Bộ Tài chính kết luận mặt hàng sắt thép phế liệu không thuộc diện giảm thuế VAT và vẫn tính thuế VAT ở mức 10%.
Bên cạnh đó, đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, công ty đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua.
Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính khuyến nghị các cá nhân, doanh nghiệp liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được giải đáp cụ thể./.