Aa

Vật liệu xây dựng tăng giá 30 - 40%, nhà thầu méo mặt

Thứ Bảy, 02/04/2022 - 06:15

Thời gian qua, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng 30 - 40%, thậm chí nhiều loại vật liệu còn tăng trên 50%. Giá vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng càng làm càng lỗ.

Giá liên tục tăng

Chiều ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị trao đổi khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước và các giải pháp tháo gỡ, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, UBND các tỉnh và các ban quản lý dự án.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, do tác động tiêu cực trong và ngoài nước thời gian gần đây, khiến giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến và liên tục biến động. Trong đó, giá xăng dầu, sắt thép, xi măng... tăng cao, tác động rất lớn tới các dự án trọng điểm.

Riêng mặt hàng xi măng, tính từ đầu năm 2021 đến nay, xi măng đã có 3 lần tăng giá, nhưng lần tăng giá trong tháng 3/2022 này là cao nhất, với biên độ tăng 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Trước đó, vào đầu năm 2021, các doanh nghiệp điều chỉnh giá bán xi măng tăng nhẹ ở mức 50.000 đồng/tấn và tháng 11/2021, tiếp tục điều chỉnh tăng 80.000 - 90.000 đồng/tấn.

Bộ Xây dựng lưu ý các địa phương phải thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường.

Đối với các dự án, công trình được thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc phạm vi của nghị quyết của Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chủ động giao các Sở Xây dựng và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho từng gói thầu.

Dù nhiều loại vật liệu tăng giá mạnh thời gian qua, nhưng một số địa phương xác định và công bố đơn giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, nhiều danh mục đơn giá vật liệu do Sở Xây dựng địa phương công bố còn thiếu một số loại chủ yếu.

“Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hưởng đến tiến độ và công tác giải ngân của các dự án”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, trong bối cảnh giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng biến động khá nhanh, thì vẫn còn một số nơi phương pháp xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng vẫn theo quý, nên công bố chậm, chưa kịp thời, không bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát thực tế.

Chi phí vật liệu xây dựng tăng nhanh thời gian qua đã làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2021 - 2025.

Với nguồn lực hạn chế, chi phí đầu tư xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư, kế hoạch đầu tư cho từng dự án, như đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển...

Do đó, Bộ Xây dựng lưu ý các địa phương phải thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố giá. 

Nhà thầu lo hụt vốn

Thông tin tại Hội nghị, Giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long, ông Dương Viết Roãn chia sẻ, biến động giá và điều chỉnh giá đang là vấn đề rất nóng.

Ông Roãn lấy ví dụ tại 2 dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, theo công bố giá và chỉ số giá của các địa phương năm 2021 thì 2 dự án này điều chỉnh theo hợp đồng tăng 5 - 7%, nhưng tính theo trượt giá thực tế thì phải tăng 17 - 18%. Tiến độ thi công của các dự án cao tốc đang được đẩy nhanh và ngốn một lượng vốn cực kỳ lớn, nếu không có giải pháp kịp thời thì các nhà thầu sẽ hụt vốn, từ đó khó mà đẩy nhanh được tiến độ.

Theo quy định thì trách nhiệm thuộc về địa phương, nhưng đa số các địa phương công bố chỉ số giá mỗi quý 1 lần, như vậy sẽ không kịp, cá biệt có địa phương 1 năm mới công bố 1 lần. Ông Roãn cho rằng, nếu tiếp tục giao cho địa phương thì địa phương nên cố gắng công bố hàng tháng và chỉ số này phải sát với thị trường, cần tham khảo các dự án cao tốc khác đang làm để sát với diễn biến thực tiễn. Hoặc giao chủ đầu tư thuê tư vấn để xác định chỉ số giá riêng cho dự án cao tốc Bắc - Nam, như vậy mới cơ bản đáp ứng được trượt giá theo tình hình hiện tại.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, ngành nông nghiệp có nhiều nhóm công trình đặc thù và cũng có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Biến động giá và trượt giá đang là vấn đề rất lớn đối với việc triển khai các dự án nông nghiệp, nông thôn. Ông Hải cho biết, trước năm 2020, những công trình lớn cơ bản đã xong đến 87 - 90%, nên không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng các dự án ODA có thời gian triển khai kéo dài thì mức độ ảnh hưởng rất lớn.

“Tất cả vật liệu đầu vào đều tăng, tổng mức đầu tư của dự án chắc chắn sẽ tăng, nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Song để điều chỉnh thì lại là bài toán “con gà, quả trứng”, phải xác đinh được nguồn vốn mới điều chỉnh được. Nếu không tháo gỡ nhanh thì khó mà triển khai được dự án”, ông Hải thẳng thắn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top