Người mua nhà như ngồi trên lửa
Về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, theo NHNN, tính đến 10/5/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 34.826 tỷ đồng đối với 56.240 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ dự án đạt 25.800 tỷ đồng. Trong đó, đối với khách hàng cá nhân, đã cam kết cho vay 27.447 tỷ đồng với 56.112 khách hàng, giải ngân 20.812 tỷ đồng. Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng, đến ngày 20/5/2016, đã giải ngân 26.733 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng.
Sau những tranh cãi về thời điểm dừng gói 30.000 tỷ, NHNN đã tạo điều kiện cho người vay mua nhà bằng cách chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân với hợp đồng đã cam kết trước ngày 31/3. Tuy nhiên, chưa kịp thở phào vì tin này, nhiều người mua nhà thu nhập thấp một lần nữa lại nơm nớp khi được thông báo vẫn phải chịu lãi vay thương mại theo thỏa thuận thay vì lãi suất ưu đãi 5%.
Lý do là, công văn nêu phương án xử lý gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước đã được trình Thủ tướng từ cuối tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Do đó, một số ngân hàng dù đồng ý giải ngân nhưng yêu cầu khách phải ký thêm phụ lục hợp đồng với lãi suất cho vay không còn ưu đãi.
Anh Thành (quận Bình Tân, TP HCM) ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ năm 2015, đã giải ngân 10 đợt và còn khoảng 300 triệu đồng chưa thanh toán. Tuy nhiên, đợt giải ngân thứ 11 theo tiến độ của chủ đầu tư rơi vào giữa tháng 6 và anh được BIDV thông báo không thể cho vay tiếp với lãi suất ưu đãi 5% một năm mà cần làm thêm phụ lục hợp đồng với lãi suất thỏa thuận do BIDV chưa nhận được hướng dẫn nào của Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự, đây cũng là vướng mắc của anh Khanh (quận 7, TP HCM) khi còn gần 600 triệu đồng được Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cam kết nhưng chưa kịp giải ngân theo lãi suất ưu đãi. Anh cũng được thông báo trong thời gian chờ ý kiến của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước, VietinBank sẽ tiếp tục giải ngân nhưng với lãi suất cố định 7,9% một năm trong năm đầu tiên hoặc 9,19% một năm trong 2 năm đầu.
Tại Hà Nội, chị Trang Anh, một khách hàng mua nhà tại dự án Parkview Residence (Dương Nội, Hà Đông) được vay 700 triệu đồng từ gói 30.000 tỷ đồng. Đến nay, chị đã giải ngân được 4 đợt (tương đương 400 triệu đồng). Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, chị sẽ nhận nhà vào cuối năm 2016 với số tiền giải ngân đợt cuối là 300 triệu đồng.
Chị Trang Anh chia sẻ: “Lúc đầu mua nhà, nhân viên tư vấn dự án nói được vay gói 30.000 tỷ đồng trong 15 năm với lãi suất 5%/năm. Đến giữa tháng 3 chúng tôi té ngửa khi ngân hàng thông báo tất cả khoản giải ngân sau 1/6 phải chịu lãi suất vay thương mại theo thỏa thuận”.
Theo chị Trang Anh, hiện ngân hàng nơi chị vay gói 30.000 tỷ đồng đã thông báo lãi suất 11%/năm cho khoản giải ngân cuối vào đợt tới. “Với 300 triệu đồng còn lại phải vay thương mại, gia đình tôi không kham nổi. Nhà nước đã tạo ra gói vay ưu đãi cho người thu nhập thấp thì nên hỗ trợ tới cùng”, chị Trang Anh nói.
Còn một khách hàng mua nhà tại dự án Gemek Tower (Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang trong tâm trạng lo lắng khi ngân hàng thông báo lãi suất 9% cho đợt giải ngân cuối vào tháng tới.
“Khi mua nhà tại dự án, tôi đều chắc sẽ được vay toàn bộ số tiền 600 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Cả chủ đầu tư và nhân viên môi giới đều khẳng định dự án bàn giao trước 1/6 để kịp giải ngân nhưng không ngờ dự án kéo dài tiến độ.
Với hơn 200 triệu đồng phải đóng đợt cuối, chúng tôi phải chịu lãi cao khiến gia đình đứng ngồi không yên. Đến ngân hàng hỏi, họ chỉ cho biết, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên tạm thời áp dụng lãi suất thỏa thuận”, vị khách hàng này nói.
Cũng trong tình cảnh tương tự, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) như ngồi trên lửa khi đợt giải ngân cuối vào tháng 11 tới có khả năng phải trả lãi gấp đôi so với mức lãi suất ưu đãi gói vay 30 nghìn tỷ. “Chúng tôi rất khó khăn khi làm hồ sơ vay. Hết lần này đến lần khác, chúng tôi mong được gia hạn ưu đãi, nhưng vừa mới có hy vọng lại bị dập tắt”, chị Ngọc Hà, khách hàng mua nhà tại đây nói.
Hàng loạt khách hàng khác tham gia gói vay 30.000 tỷ tại những nhà băng như Vietcombank, Agribank... cũng đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan này. Nếu không chấp nhận mức lãi do nhà băng đặt ra, họ sẽ đối mặt với việc, hoặc phải nộp phí phạt trả chậm hoặc bị chủ đầu tư thanh lý hợp đồng mua nhà, thậm chí còn bị phạt thêm 20% giá trị hợp đồng.
Đẩy người mua nhà vào thế bị động?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều văn bản kiến nghị lên NHNN liên quan gói 30.000 tỷ đồng. Hiện, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho giải ngân tiếp gói này đến hết năm 2016. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn nên các ngân hàng thương mại vẫn áp lãi suất sau 1/6 theo thỏa thuận (thay vì ưu đãi 5% như ban đầu)”.
Theo ông Châu, việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn đã đẩy người mua nhà vào thế bị động. “Không thể để cho người dân đã vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng phải chịu bất lợi, thiệt thòi. Trên thực tế, một khi người dân đã ký hợp đồng với ngân hàng thì họ tin rằng, sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi và ngân hàng phải chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó. Vì vậy, tôi đề nghị những khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng đều được giải ngân hết hợp đồng và tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi dù kéo dài đến năm 2017”, ông Châu nói.
Đồng quan điểm trên, ông Đoàn Chí Thanh, Phó tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, Chính phủ cho phép gia hạn giải ngân và hưởng lãi suất ưu đãi đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là chính sách hợp tình hợp lý. Bởi ngay từ đầu, chủ trương Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng như các thông tư đi kèm đều thống nhất hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp, cán bộ - công nhân viên... có nhà ở.
Từ đó, những đối tượng này kỳ vọng rất nhiều vào sự hỗ trợ lãi suất của gói 30.000 tỷ đồng, nếu ngừng giải ngân thì họ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện do chưa có hướng dẫn nên người dân đang phải chịu thiệt khi bị áp lãi cao so với khả năng chi trả. Cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng có văn bản hướng dẫn cụ thể tránh thiệt hại cho người mua nhà.
Chia sẻ trên VnExpress, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc các ngân hàng chấp nhận "lùi" một phần lãi suất cho thấy sự chủ động linh hoạt, nhưng nếu kéo dài tiếp tình trạng này sẽ gây nhiều bất ổn cho khách hàng. "Ngân hàng nào còn phải giải ngân nhiều với số lượng khách hàng lớn thì sẽ mệt và có thể họ không làm tiếp", ông nói. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng lưu ý việc trả lại khoản chênh lệch lãi suất (thỏa thuận tạm thời và ưu đãi) mà khách hàng đã ký phụ lục cũng là câu chuyện tranh cãi./.