Kết quả phân tích từ dữ liệu điều tra của World Bank cho thấy có 24,7% doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 coi tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất khiến cho doanh nghiệp không phát triển được. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với ở Indonesia (6,3%), Thái Lan (4,9%) và Malaysia (0,9%).
Tài sản thế chấp không đủ điều kiện, lãi cao và cả chi phí lót tay khiến doanh nghiệp phải xoay sở tìm nguồn vốn khác ngoài ngân hàng
Tại Hội thảo về Kinh tế Việt Nam năm 2017 và Triển vọng năm 2018 tổ chức sáng 22/3, PGS.TS. Tô Trung Thành cho biết trong số 695 doanh nghiệp được điều tra của Báo cáo thì có tới 58% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã từng nộp đơn xin vay vốn ngân hàng. Quy mô doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ này càng tăng.
Theo điều tra, các doanh nghiệp đã từng bị ngân hàng từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần thì nguyên nhân lớn nhất chính là do tài sản thế chấp không đủ điều kiện. Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ phần lớn mặt bằng sản xuất, máy móc trang thiết bị cơ bản là đi thuê. Trong khi đó cơ cấu của tài sản thế chấp được yêu cầu trong hồ sơ xin vay vẫn là đất, nhà thuộc sử hữu của doanh nghiệp (38,47%); máy móc thiết bị (26,46%). "Có thể nói đây là một rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay", TS.Thành nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang phải đối mặt với lãi suất cao và thủ tục vay phức tạp. Không những vậy, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng các doanh nghiệp có thể còn phải bỏ thêm các chi phí lót tay và quà tặng… Tiến sĩ Tô Trung Thành cho biết, kết quả khảo sát chỉ ra rằng nếu doanh nghiệp có chi ra các khoản chi phí lót tay và quà tặng thì xác suất món vay được chấp nhận sẽ tăng khoảng từ 17,6 đến 24 điểm%.
Thậm chí, trong quá trình xử lý các hồ sơ xin vay, hiện vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử khác nhau giữa các doanh nghiệp SMEs và các doanh nghiệp lớn, giữa các loại hình doanh nghiệp sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước. Cụ thể, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm % nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ xin vay thuộc doanh nghiệp SMEs. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng từ 2,3 đến 2,8 điểm % nếu doanh nghiệp đó là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
Khó vay vốn vì doanh nghiệp Việt còn "trẻ" và trình độ quản lý còn hạn chế
Các doanh nghiệp có vị trí địa lý ở càng xa các ngân hàng thì khả năng tiếp cận được các khoản vay từ ngân hàng của họ càng bị giảm, đối với các doanh nghiệp này xác suất để món vay được chấp nhận bị giảm khoảng 15 điểm %.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cho rằng thủ tục tiếp cận vốn vay ngân hàng còn khá phức tạp và mất nhiều thời gian, chính điều này đã làm xác suất tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng của các doanh nghiệp giảm mất khoảng 11 điểm %.
Theo TS. Tô Trung Thành thì một yếu tố nữa tác động tới khả năng tiếp cận vốn là số tuổi của doanh nghiệp. Xác suất món vay được chấp nhận sẽ tăng 1,6 đến 1,8 điểm % khi tuổi của doanh nghiệp tăng thêm 1 năm. Trong khi đó, độ tuổi bình quân của các doanh nghiệp này hiện nay ở Việt Nam còn khá trẻ, trình độ của chủ doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế và số các doanh nghiệp SMEs có giám đốc tài chính (CFO) chỉ chiếm có 12,23% trong mẫu điều tra 695 doanh nghiệp của Báo cáo. Kết quả thực nghiệm cũng chỉ ra xác suất để các hợp đồng vay vốn của doanh nghiệp được chấp nhận sẽ tăng khoảng 7,3 đến 8,1 điểm % nếu doanh nghiệp có CFO.
Các SMEs do năng lực quản trị doanh nghiệp, tài chính còn yếu, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận thấp bởi vậy cơ hội để tiếp cận với nguồn vốn tín dụng sẽ càng bị hạn chế. Khi đó họ phải tiếp cận với các nguồn vốn phi chính thức từ người thân, gia đình và bạn bè và đây là nguồn vốn vay thay thế khi các doanh nghiệp không có khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng.