Aa

Vay ngân hàng này để tất toán khoản vay ngân hàng khác: Cẩn trọng rơi vào “bẫy“ vay mới

Thứ Năm, 05/10/2023 - 07:00

Vay lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn, thủ tục cũng không hề đơn giản, nhiều chuyên gia cảnh báo người vay cẩn trọng khi thoát được khoản nợ này lại rơi vào "bẫy" của khoản vay mới.

Ngán ngẩm rút hồ sơ

Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về việc khách hàng có thể vay ngân hàng này để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống có hiệu lực từ tháng 9/2023. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng có thể chuyển khoản vay mua nhà, mua xe từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để hưởng ưu đãi lãi suất tốt hơn cho khoản vay của mình. 

Việc khách hàng có thể chuyển khoản vay mua nhà, mua xe từ ngân hàng này sang ngân hàng khác sẽ giúp khách hàng được hưởng ưu đãi lãi suất tốt hơn cho khoản vay của mình. Ảnh VCB 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Phương Huyền, Phó Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Sacombank cho biết, việc cho phép người đi vay chuyển khoản vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác sẽ giúp khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, có cơ hội lựa chọn được ngân hàng có dịch vụ và tiện ích tốt hơn. Mặt khác cũng giúp tạo động lực cho các ngân hàng xây dựng các chính sách bán hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn. 

Tuy nhiên, về phía người vay mua nhà, nhiều người cho biết đã phải ngậm ngùi rút hồ sơ ưu đãi chưa thực sự đến với họ.

Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) đã làm thủ tục vay 1,2 tỷ đồng tại một ngân hàng lớn để mua một căn hộ chung cư tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Thời điểm đó, anh Thắng được áp dụng chính sách ân hạn nợ gốc 24 tháng tới tháng 9/2022 thì bắt đầu trả gốc và lãi cho căn nhà của mình. Tuy nhiên, việc lãi suất liên tục tăng cao, có khi anh Thắng phải trả tới hơn 15% tiền lãi ngân hàng hàng tháng. Cũng có lúc định bỏ cuộc nhưng thị trường khó khăn, khách mua nhà không có, khách có tiền mặt sẵn thì không sẵn sàng trả hết 100% tiền nhà để anh Thắng rút sổ đỏ từ ngân hàng về. Nhiều rắc rối, anh Thắng đành cắn răng gánh lãi cao trong suốt thời gian 1 năm qua. 
Thời gian gần đây, thông tin nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay để chuyển nợ chỉ khoảng 6-7%, anh Thắng khấp khởi mừng vì có thể giảm gánh nặng nợ mua nhà mà anh đang mang. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu, anh Thắng cho biết, lãi suất các ngân hàng công bố gần đây rất thấp tuy nhiên nhưng chỉ ưu đãi trong 6-12 tháng. Hết thời gian này sẽ áp dụng lãi suất thả nổi cũng trên 10%. Chưa kể, nếu anh Thắng làm hồ sơ chuyển gói vay, anh sẽ phải nộp phí phạt trả nợ trước bạn là 2% của khoản vay. “Nếu nộp phí phạt để chuyển khoản vay, cộng thêm các khoản phí trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ, phí thẩm định hồ sơ tại ngân hàng, tính toán qua thì cũng gần bằng nhau nên tôi ngậm ngùi mang hồ sơ về, từ bỏ ý định chuyển khoản vay”, anh Thắng chia sẻ. 

Tương tự anh Thắng, gia đình chị Bích cũng đã tìm hiểu việc chuyển nợ tại một số ngân hàng. Theo chị Bích, chị có hỏi một ngân hàng thương mại và được biết, để chuyển khoản vay và nhận được ưu đãi lãi suất thấp nhất, chị phải tất toán khoản vay tại ngân hàng cũ, giải chấp tài sản sau đó mới có thể mang tài sản đó thế chấp cho khoản vay mới, hoặc gia đình chị phải có một tài sản khác để thế chấp vay. 
“Hai vợ chồng không có bất động sản nào khác ngoài căn nhà đang thế chấp ngân hàng, gia đình cũng không đủ khả năng để tất toán khoản vay nên đành bỏ qua cơ hội chuyển nợ”, chị Bích cho biết.

Theo nhiều ngân hàng, để chuyển khoản vay và nhận được ưu đãi lãi suất thấp nhất, khách hàng phải tất toán khoản vay tại ngân hàng cũ, giải chấp tài sản sau đó mới có thể mang tài sản đó thế chấp cho khoản vay mới. Ảnh VnEpress.net

Cẩn trọng rơi vào “bẫy” vay mới

Việc vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác được kỳ vọng việc vay vốn sẽ "dễ thở" hơn trước, khách hàng có thể được lựa chọn nhà băng có lãi suất vay thấp hơn hoặc có nhiều chương trình hỗ trợ hơn để tối ưu hóa dòng tiền.

Đánh giá việc vay ngân hàng này để trả ngân hàng khác là cách tốt để khách hàng có cơ hội hưởng lãi suất ưu đãi hơn, tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe, khoản vay cũng như những ưu đãi đủ tốt, giảm được lãi suất tiền vay thì khách hàng mới nên cân nhắc.
“Việc chuyển khoản vay có thể giúp khách hàng giảm một chút về mặt chi phí lãi vay. Tuy nhiên, hiện nay, mặt bằng lãi suất giữa các ngân hàng chênh lệch nhau không nhiều, đó là còn chưa kể khi kí khoản vay, ngân hàng cũng ràng buộc khách hàng sẽ phải trả phí phạt trả nợ trước hạn nên khách hàng chưa chắc đã hưởng lợi khi chuyển khoản vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe. Ảnh VPG

“Nếu các ngân hàng dùng “kĩ thuật” đẩy lãi suất phạt lên 4-5% chẳng hạn thì sẽ không có lợi gì cho người vay. Có thể lãi suất còn cao hơn nhiều so với phần ưu đãi mình kì vọng được hưởng giữa hai ngân hàng. Theo thông tư 39, các quy định về lãi suất phạt trả nợ trước hạn, phí về hạn mức tín dụng dự phòng, … là những quy định ngân hàng được phép thực hiện. Đây chính là một trong những điều kiện kĩ thuật để các “ngân hàng” giữ chân khách hàng tốt, giữ chất lượng tín dụng của ngân hàng mình", ông Hòe phân tích. 

Chính vì vậy, ông Hòe cho rằng, cái lợi của việc chuyển khoản vay chưa chắc đã có lợi cho khách hàng có thể đạt được trên thực tế. 

Đồng quan điểm chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc cho phép vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác xét về ưu điểm sẽ giúp các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường cho vay, nếu không họ sẽ đánh mất khách hàng của mình. 

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, các khoản vay lớn tại các ngân hàng đều có yêu cầu về tài sản đảm bảo. Vì vậy, việc phải có tài sản bảo đảm để tất toán khoản nợ cũ để vay khoản nợ mới là điều khó khăn cho người vay. "Đặc biệt, các quy định về phí phạt trả nợ trước hạn, quy định về thời hạn vay, các khoản phí phải trả khi chuyển nợ có thể khiến người vay rơi vào “bẫy” của khoản vay mới, làm thủ tục chuyển khoản vay để vay ưu đãi nhưng không đủ bù lại mức chênh lệch lãi suất giữa hai ngân hàng cũ và mới. Chính vì vậy, người vay cần cân nhắc thật kĩ”, ông Thịnh khuyến cáo.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại có thể cho vay trên cơ sở tài sản đảm bảo đang có. Bởi thông tin về khoản vay, tài sản đảm bảo đều có sẵn nên việc giải chấp tài sản cũng như thẩm định tài sản, duyệt hồ sơ cho vay sẽ không có gì khó khăn.
 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top