Nhu cầu luôn đươc đáp ứng, song, người đi vay cũng cần nắm vững một số nguyên tắc để vừa quản lý tốt hơn nguồn tài chính cá nhân, vừa tránh những rủi ro không đáng có.
Tối ưu hóa nguồn tài chính cá nhân
Với nhiều người trẻ, hiện nay, việc quyết định chi tiêu trước, trả sau hằng tháng là cách để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn, với những nhu cầu mới chính đáng của bản thân.
Chị Thanh Hoàng (24 tuổi, nhân viên Công ty giải pháp Siêu Việt) vừa "rinh" về chiếc xe máy mới nhân dịp khuyến mãi sâu cuối năm. Số tiền tích cóp hiện chưa đủ, chị quyết định vay công ty tài chính vì không muốn bỏ lỡ cơ hội có giá tốt, chọn gói vay có thời hạn và lãi suất phù hợp với khả năng tài chính. Các thủ tục chỉ mất vài giờ để hoàn tất thông qua việc tìm hiểu thông tin trên website của công ty tài chính.
Giống như chị Thanh Hoàng, vay tiêu dùng, thanh toán trả góp đã trở thành giải pháp phổ biến đối với những khách hàng trẻ, có xu hướng tự lập và có nhu cầu trải nghiệm nhưng chưa có đủ điều kiện tài chính. Khi đời sống được nâng cao, do sự năng động và bắt nhịp với những công việc đòi hỏi sự mới mẻ và sáng tạo, tư duy đi vay của người trẻ cũng có nhiều thay đổi.
Không riêng gì trường hợp trên mà hàng triệu bạn trẻ khác cũng đang là đối tượng khách hàng mục tiêu của các công ty tài chính. Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm khách hàng mục tiêu có quy mô khoảng 30 triệu người, trong độ tuổi 20-50. Với dân số khoảng 95 triệu người, trong đó hơn một nửa là người trẻ có mức tiêu dùng cao, Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn "vàng" để phát triển tín dụng tiêu dùng.
Nắm bắt được điều đó, không chỉ là "chỗ dựa" khi khó khăn, túng thiếu, những giải pháp hỗ trợ tài chính từ công ty tài chính còn tạo cơ hội để người trẻ tuổi có nhu cầu trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ, hàng hóa chất lượng cao. Đặc biệt, đó còn là cách để người trẻ quản lý tốt hơn nguồn tài chính cá nhân.
Lý giải rõ hơn về xu hướng này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, đối với nhóm khách hàng trẻ, do lãi suất vay tiêu dùng thấp hơn so với tín dụng đen, nên trách nhiệm trả nợ thấp hơn và ít hệ lụy xã hội hơn. Bên cạnh đó, khi có trách nhiệm phải trả nợ, người đi vay sẽ phải cân nhắc về vấn đề tài chính của mình một cách kỹ lưỡng hơn, đưa ra quyết định thận trọng hơn nếu không muốn vỡ nợ, từ đó họ sẽ quản lý nguồn tài chính cá nhân tốt hơn.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, để quản lý tài chính tốt, cần lưu ý đến trách nhiệm trả nợ khi vay. Muốn vậy, cần xác định rõ năng lực tài chính của bản thân trước khi ký hợp đồng vay tiền. "Nhiều người không tìm hiểu, không cân nhắc kỹ trước khi vay, do đó không thể cân đối được thu nhập và chịu áp lực rất lớn khi bắt đầu phải trả nợ. Sẽ không may nếu như nhân viên đòi nợ của một công ty tài chính nào đó (dù rất hạn hữu thôi) đối xử không đúng chuẩn mực khi đòi nợ, khiến người vay lo lắng, cảm thấy phiền toái", TS. Cấn Văn Lực lưu ý.
Trẻ nhưng cần thông thái
Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra như bị áp lãi suất cao hoặc bị phạt, bị vỡ nợ, theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE Credit, trước khi tham gia vay tiêu dùng tín chấp, những bạn trẻ cần chủ động tìm hiểu các thương hiệu tài chính tiêu dùng có uy tín trên thị trường, cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa các hình thức vay tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng và vay "nóng" của tín dụng đen.
Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ và hỏi nhân viên tư vấn để hiểu rõ các quy định của Hợp đồng, các điều khoản thanh toán, trả nợ trước hạn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc khả năng thanh toán khoản vay của bản thân trước khi ký hợp đồng vay. Sự chủ động của khách hàng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng lưu ý: "Sau khi đăng ký vay tiêu dùng và nhận được khoản giải ngân thành công, khách hàng cần có trách nhiệm với khoản vay của chính mình thông qua việc: Có kế hoạch tài chính và kỷ luật để thanh toán đủ số tiền và đúng thời gian quy định trong hợp đồng; Khi thanh toán, khách hàng cần lưu ý thực hiện đúng các yêu cầu cơ bản như: Thông tin thanh toán có đầy đủ họ tên, mã số hợp đồng vay tiêu dùng, nội dung khoản thanh toán của mình; Giữ đầy đủ biên nhận khoản thanh toán hàng tháng nhằm tránh các rủi ro tranh chấp về sau".
Để tự bảo vệ mình khi đi vay tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, người trẻ cần nâng cao hiểu biết về tài chính cá nhân, lên kế hoạch rõ ràng trước khi có quyết định vay tiêu dùng, đặc biệt là khi mua tài sản có giá trị cao như nhà, ô tô nằm ngoài khả năng trả nợ của bản thân.
"Đầu tiên, người tiêu dùng cần lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng, kỹ lưỡng về phương án trả nợ, chi tiêu trước khi đi vay, cần căn cứ vào nhu cầu mình muốn vay làm gì, năng lực trả nợ như thế nào. Những khoản vay lớn như mua nhà, mua xe sẽ có áp lực trả nợ rất lớn, những người không có kế hoạch cụ thể hay không tuân thủ kế hoạch một cách nghiêm ngặt rất dễ bị vỡ nợ", TS. Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý, người tiêu dùng có thể yêu cầu nhân viên công ty tài chính giải thích rõ về một số vấn đề trọng tâm như lãi suất, phí liên quan, cách tính lãi, phương thức trả nợ, đòi nợ, mức xử phạt vi phạm khi trả nợ muộn hoặc thanh toán trước hạn…, vì đây là quyền lợi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm hơn khi đi vay cũng là cách để lãi suất cho vay tiêu dùng dần thấp hơn với người vay. Bởi theo lý giải của TS. Cấn Văn Lực, có hai cách để giảm lãi suất cho vay. Một là, đảm bảo hồ sơ tín dụng đẹp (đáp ứng yêu cầu của công ty tài chính như tôi nêu trên). Hai là, không nên để xảy ra nợ xấu vì có lịch sử nợ xấu thì chắc chắn công ty tài chính không áp dụng lãi suất thấp hơn đối với lần vay sau. Nếu người đi vay có hồ sơ "đẹp" (thu nhập ổn định, không có nợ quá hạn trả, chưa đi vay quá nhiều…) sẽ nhận được lãi suất thấp hơn so với người có hồ sơ không "đẹp".