Dễ dàng vay vốn
Chị Nguyễn Minh Ngọc (23 tuổi, Hà Nội) là nhân viên văn phòng hiện có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Để phục vụ nhu cầu đi lại, chị Ngọc sử dụng sản phẩm vay tiêu dùng để mua trả góp một chiếc xe máy.
Chị Ngọc chia sẻ: “Tôi sử dụng gói vay 12 tháng, tính đến hết tháng này là tôi sẽ trả hết cả gốc lẫn lãi. Mỗi tháng tôi chỉ phải dành ra một phần lương để trả cho công ty tài chính. Còn thủ tục đăng ký vay khá đơn giản, chỉ cần sổ hộ khẩu và sao kê bảng lương. Thế là sau 1 năm chiếc xe đã là tài sản của riêng mình”.
Thực tế chị Ngọc là trường hợp điển hình. Theo các chuyên gia, vay tiêu dùng đang trở thành một xu hướng và bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai, dự báo có thể vượt mốc 10% GDP vào năm 2020.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cho rằng nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam ngày càng cao. Với những lợi ích thiết thực, vay tiêu dùng đang ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng.
Lãi suất thỏa thuận
Điều vướng mắc nhất hiện nay đối với khách hàng quan tâm đến hoạt động vay tiêu dùng chính là lãi suất. Nhiều thông tin phản ánh về mức lãi lên tới 50-60%/năm khiến không ít khách hàng lo ngại.
Tuy nhiên, thực tế hiện các công ty đều chỉ cho vay với lãi suất trung bình khoảng 30%, tỷ lệ khách hàng phải vay ở mức trên 50% chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 5% trên tổng số hợp đồng vay tiêu dùng.
Số ít khách hàng phải vay lãi suất cao là những khách hàng dưới chuẩn cho vay, không thể tiếp cận ngân hàng, và chính các công ty cũng rất lo ngại khi cho các khách hàng này vay vì độ rủi ro cao.
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), lãi suất cho vay tiêu dùng được thỏa thuận giữa công ty tài chính và người tiêu dùng, không phải là lãi suất nặng lãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí các công ty tài chính đang cố gắng đưa ra lãi suất rất cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng vay vốn.
Tuy nhiên, trên thực tế lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong thời hạn vay vốn. "Nếu khách hàng chậm trả mức lãi suất có thể sẽ tăng cao để bù đắp rủi ro. Điều này nhằm ràng buộc khách hàng vay vốn phải có trách nhiệm hoàn trả vốn vay đúng hạn. Tôi cho rằng, mức lãi suất lên tới trên 50%/năm có thể là do khách hàng không hoàn trả vốn đúng thời hạn đã cam kết trong hợp đồng” - ông Đức cho biết.
Để không bị rơi vào tình trạng chịu lãi suất phạt trả chậm, ông Đức cho rằng, trước hết khách hàng cần nghiên cứu để hiểu thật chính xác những điều khoản, những ràng buộc quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng tín dụng.
Sau đó cần có kế hoạch tài chính cá nhân một cách khoa học và hiệu quả để không rơi vào tình trạng nợ quá hạn. Khi đó khách hàng sẽ luôn được hưởng lãi suất thỏa thuận và lãi suất ưu đãi.
Vì đâu lãi suất vay tiêu dùng cao?
Lý giải về việc lãi suất tiêu dùng của các công ty tài chính hiện có mặt bằng cao hơn so với lãi suất cho vay tại các NHTM, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: “Cho vay tiêu dùng có rủi ro cao hơn so với cho vay thông thường, nên các định chế tài chính phải tính toán một mức lãi suất đủ để đảm bảo bù đắp rủi ro.
Hơn nữa, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn mới nên các định chế tài chính tham gia trên thị trường này chưa đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, do lượng khách hàng còn ít, chi phí ban đầu cao”.
Còn theo TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM: “Không giống NHTM, vốn đầu vào của các công ty tài chính chỉ bao gồm các nguồn vốn được vay từ NHTM, công ty mẹ, các tổ chức, doanh nghiệp, trong khi đối tượng vay vốn đầu ra lại là các khách hàng cá nhân có độ rủi ro cao, không có thu nhập ổn định, hiểu biết sử dụng vốn thấp và đa số là các khoản vay nhỏ lẻ.
Để bù đắp rủi ro cao và mức lãi suất đầu vào lớn, lãi suất cho vay ra của các công ty tài chính cho vay tất yếu phải cao hơn lãi suất cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng".
Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất huy động vốn của các công ty tài chính hiện nay không gây áp lực tăng hay giảm lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng. Thứ nhất, các công ty tài chính theo luật không được huy động tiền gửi. Thứ hai, họ phải phát hành trái phiếu để huy động vốn (thị trường trái phiếu ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh, nên phát hành còn khó khăn). Chính vì vậy một số công ty tài chính đang có xu hướng tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động. Đây là hoạt động bình thường, không hề gây áp lực cho khối ngân hàng như một số thông tin trong thời gian gần đây, vì quy mô của các công ty tài chính hiện còn rất nhỏ bé. Ước tính, tổng quy mô của các công ty tài chính hiện chỉ chiếm khoảng 0,7% lượng vốn huy động toàn hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam. Dự tính trong quý I/2017 các công ty tài chính sẽ huy động khoảng 500-700 tỷ đồng - rất nhỏ so với hệ thống ngân hàng đã huy động ước tính lên đến 210.000 tỷ đồng. Nên không thể có tác động nào đáng kể đến hệ thống tín dụng kể cả trong trường hợp họ tăng hay giảm lãi suất huy động. |