Aa

Vay vốn ở đâu khi có nhu cầu?

Thứ Tư, 18/03/2020 - 15:33

Tại Việt Nam, vẫn còn hàng triệu người dân có nhu cầu về tài chính nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay chính thống.

Đặc biệt, sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid 19 tới kinh tế - xã hội, nhu cầu về vốn càng trở nên cấp thiết.

Pv đã có cuộc trao đổi với PGS.TS ĐỖ HOÀI LINH (ảnh), chuyên gia tài chính NH về một số nguồn cung ứng và tiếp cận vốn hiện nay.

PV: - Thưa bà, nhu cầu về vốn trong dân cư rất lớn, đặc biệt là những khoản vay nhỏ chỉ vài chục triệu đồng của những khách hàng dưới chuẩn, không đủ điều kiện vay vốn NH. Khi có nhu cầu, người dân thường tìm đến các app vay online với thủ tục đơn giản. Ý kiến của bà về việc này như thế nào?

PGS.TS ĐỖ HOÀI LINH: - Trước hết, cần xác định rõ bản chất các app vay online là nền

tảng công nghệ số, là cầu nối giữa người thiếu vốn và có vốn nhàn rỗi gặp được nhau dễ dàng hơn. Tại các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản… hình thức cho vay qua app thực hiện từ nhiều năm nay và đều có số dư giải ngân hàng tỷ USD.

Tại Việt Nam, trong xu thế công nghệ hóa, TCTD chính quy, các công ty tài chính cũng đã áp dụng các nền tảng công nghệ số để cho vay trực tuyến qua app theo quy định pháp luật về cách tiếp thị khách hàng, lãi suất, cách thu nợ... mang lại hiệu quả cho cả cho cả bên cung và cầu vốn.

Tuy nhiên, trên mạng internet thời gian qua xuất hiện các mô hình cho vay qua app không chính thống, hoạt động lách luật, không chịu sự quản lý của NHNN. Cơ sở pháp lý cho hoạt động này chỉ có Luật Dân sự. Với thủ tục cho vay dễ dãi, các app trực tuyến có sức hút đặc biệt với những người cần tiền gấp, hoặc những người không đủ tiêu chuẩn vay tiền tại các TCTD chính thống.

Điều đáng nói, nếu người vay trả tiền không đầy đủ hệ lụy rất lớn. Thực tế, các vụ việc thương tâm trong thời gian vừa qua cho thấy, bằng cách sử dụng các biện pháp thu hồi nợ kiểu xã hội đen như tạo áp lực, đe dọa, khủng bố, bội nhọ danh dự người vay và những người thân quen của người vay trên các trang mạng xã hội, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cố ý bắt giữ người… điển hình là vụ việc người vay phải tự tử vì vay tiền qua app tại tỉnh Tiền Giang. Điều này cho thấy, vay qua các app không chính thống đang gây ra nhiều tiêu cực cho đời sống xã hội.

- PV: Bà có thể phân tích rõ hơn về nguồn vốn vay chính thống, được sự quản lý của Nhà nước thông qua các công ty tài chính?

- Từ năm 2012 trở về trước, phần lớn công ty tài chính trực thuộc doanh nghiệp nhà nước, đóng vai trò là đơn vị đầu tư trong nội bộ doanh nghiệp mẹ (như thu xếp các khoản cho vay, quản lý nguồn tiền mặt và tình hình tiền mặt, quản lý đầu tư các khoản tiền chưa sử dụng đến cho các công ty con trong nội bộ). Nhưng từ năm 2016 đến nay, nhiều NH trong nước và chủ sở hữu nước ngoài thông qua hoạt động mua lại, đã và đang sở hữu cho riêng mình công ty tài chính với mảng cho vay tiêu dùng phát triển rất mạnh mẽ, theo xu hướng hoàn thiện dần cả về mô hình tổ chức lẫn nghiệp vụ hoạt động.

Khi thị trường có nhiều nhà cung cấp, khách hàng hay người tiêu dùng sẽ càng có lợi. Bởi hiện nay, không dừng lại ở phương thức cho vay truyền thống tại điểm bán, xu hướng khá rõ giữa các công ty tài chính thời gian qua, là đẩy mạnh triển khai cho vay dựa trên nền tảng số hóa và tự động hóa quy trình phục vụ, cạnh tranh giảm lãi suất cho vay, đa dạng hoá các hình thức trả góp lãi suất 0% để thu hút khách hàng. Người đi vay sẽ nhanh chóng dễ dàng tiếp cận khoản vay với chi phí ngày một hợp lý hơn.

Về mặt quản lý, NHNN đã có những điều chỉnh quy định pháp luật nhằm đưa hoạt động của các công ty tài chính dần đi vào quỹ đạo, hướng tới quản trị rủi ro, chuyển từ mở rộng hoạt động sang hoạt động có chất lượng. Ngoài việc hoạt động theo luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, các công ty tài chính còn phải tuân thủ chặt chẽ những quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN về hoạt động cho vay tiêu dùng. Sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, cùng nhiều ưu điểm, như cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo được tính an toàn cho người vay… hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được nhiều ý kiến cho rằng có thể thay thế tín dụng đen.

- PV: Bà có những khuyến nghị gì với người đi vay để có thể tận dụng tối đa lợi ích từ nguồn vốn vay tiêu dùng?

- Tôi muốn nói về vấn đề lãi suất. Lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn lãi vay tại NHTM có tài sản đảm bảo. Nguyên nhân do các công ty tài chính có chi phí huy động vốn, chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro tín dụng lớn (dự phòng rủi ro tín dụng là phần tổ chức cho vay dự tính khả năng không hoàn trả đầy đủ và đúng hạn của khách hàng vay vốn).

Tuy nhiên, người đi vay có thể chủ động giảm lãi suất cho mình bằng uy tín, thông qua hồ sơ tín dụng đẹp với điểm tín nhiệm cao. Điểm tín nhiệm càng cao lãi suất càng thấp và ngược lại. Những khách hàng có điểm tín nhiệm thấp hay hồ sơ tín dụng xấu lãi suất vay vốn sẽ cao hơn. Thậm chí, công ty tài chính có thể quyết định không cho vay với những khách hàng có điểm tín nhiệm thấp ở một mức nhất định.

Chính vì vậy, để có thể vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, người dân cần có kiến thức tài chính, có kế hoạch chi tiêu để không vay mượn ngẫu hứng. Vay phải có kế hoạch trả nợ, phải tính đến trường hợp xấu nhất là vỡ nợ, tránh những hệ lụy tiêu cực như chây ỳ, trốn nợ, vứt bỏ sim điện thoại, trốn khỏi nơi cư trú, thậm chí hành hung nhân viên thu hồi nợ, gây khó khăn cho các công ty tài chính, như rất nhiều trường hợp đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Có trách nhiệm với khoản vay, chính là cách để người đi vay tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro không đáng có, và gia tăng cơ hội vay vốn với lãi suất thấp hơn tại các TCTD chính thống trong những lần vay sau.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top