Aa

Hòa Bình: Vẽ dự án “ma” Hòa Bình Green Valley rao bán 159 lô đất trúng đấu giá

Thứ Ba, 29/06/2021 - 10:00

Khu đất gồm 159 lô do một cá nhân trúng đấu giá được “hô biến” thành dự án “ma” Hòa Bình Green Valley và quảng cáo, rao bán rầm rộ.

Rao bán rầm rộ dự án có 159 lô đất nền

Thời gian qua, nhiều trang mạng quảng cáo, rao bán đất nền tại dự án "ma" Hòa Bình Green Valley (tọa lạc tại xóm Ba Nội, xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Có thể kể đến một số website đăng tải thông tin về dự án “ma” Hòa Bình Green Valley như: hoabinhgreenvalley-chudautu.website; hoabinhgreenvalley.com; bds.cafe-land.vn.

Dự án Hòa Bình Green Valley được giới thiệu có tổng diện tích 3,8ha, trong đó đất ở rộng 1,6ha, mật độ xây dựng nhà ở 42,2%, gồm 142 lô đất liền kề, diện tích từ 84 - 90 - 126 - 158m2 (mặt tiền tối thiểu 7m, đường 5,5m) và 17 lô đất nền biệt thự có diện tích 250 - 324m2.

“Hòa Bình Green Valley nằm trong quần thể dự án khu đô thị rộng tới 38ha, cách mặt đường Cao tốc Hà Nội – Hoà Lạc – Hoà Bình khoảng 200m. Diện tích đất liền kề, biệt thự đa dạng 84 - 90 -126 - 158 - 250 - 324m2. Diện tích lô tiêu chuẩn là 84,9m2, mặt tiền 7m, sâu 12,1m”, một website quảng cáo.

Dự án ma Hoa Binh Green Valley
Ông Nguyễn Xuân Phục – Chủ tịch UBND xã Mông Hóa (TP. Hòa Bình) khẳng định, trên địa bàn xã Mông Hóa
không có dự án nào được phê duyệt có tên là Hòa Bình Green Valley.  (Ảnh chụp website bán hàng).

Hàng loạt thông tin được các sàn môi giới "vẽ" ra để quảng cáo về Hòa Bình Green Valley như "dự án có vị trí đắc địa ngay cạnh cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, tuyến giao thông huyết mạch kết nối Thủ đô với các tỉnh thành khu vực Tây Bắc". Hay như "điểm hấp dẫn các nhà đầu tư là dự án có tính liên kết vùng thuận tiện, xung quanh là các dự án nghỉ dưỡng đã hiện hữu". 

Các thông tin khảo sát cho thấy, giá bán đất nền Hòa Bình Green Valley chỉ từ 600 triệu đồng/lô (trung bình từ 7 triệu đồng/m2). Về tiến độ thanh toán, khách hàng có nhu cầu mua đất sẽ đặt cọc 100 triệu giữ chỗ. Sau 10 ngày, khách hàng sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng với một cá nhân là bà Nguyễn Thị Kim Lê (trú tại Đống Đa, Hà Nội) và thanh toán 100% giá trị lô đất.

“Em bên sàn CenLand địa chỉ tại 137 Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội. Sàn em phân phối độc quyền dự án này. Hiện tại giá liền kề bán 700 triệu đồng/lô, biệt thự 1,9 - 2,1 tỷ đồng/lô đã có sổ đỏ. Khu đất nhìn ra dòng suối thì giá cao hơn. Nếu mua lô đất biệt thự được chiết khấu 10%. Trước mắt đóng cọc 100 triệu đồng, sau 10 ngày đóng nốt tiền. Chủ nhà là bà Nguyễn Thị Kim Lê, người ta chia từng lô đứng tên cá nhân rồi và mình đóng tiền rồi ra công chứng sang tên luôn”.

Dự án ma Hòa Bình Green Valley
Dự án ma ở Hòa Bình

Các nhân viên môi giới cho biết, các lô đất hầu hết đã chuyển nhượng cho khách hàng với giá từ 600 triệu/lô. (Ảnh chụp website bán hàng).

Chính quyền khẳng định Hòa Bình Green Valley là dự án "ma"

Các nhân viên môi giới cho biết, những lô đất hầu hết đã chuyển nhượng cho khách hàng. Tuy nhiên, điều bất ngờ là phía chính quyền địa phương lại xác nhận, không hề có dự án Hòa Bình Green Valley tại xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình.

Ông Nguyễn Xuân Phục – Chủ tịch UBND xã Mông Hóa (TP. Hòa Bình) khẳng định, trên địa bàn xã Mông Hóa không có dự án nào được phê duyệt có tên là Hòa Bình Green Valley. Việc quảng cáo dự án trên là hoàn toàn sai sự thật. Khu đất được quảng cáo dự án Hòa Bình Green Valley thực chất là 159 lô đất ở, do bà Nguyễn Thị Kim Lê trúng đấu giá từ thời điểm cuối năm 2020.

“Bà Lê là người trúng đấu giá khu đất khoảng 38ha, xã chỉ nắm kết quả đấu giá của thành phố. Hiện ở xã không có dự án Hòa Bình Green Valley, còn việc họ quảng cáo ở trên mạng thì mình không quản lý”, ông Phục cho hay.

Dự án ma Hòa Bình Green Valley bán trái phép
Ông Nguyễn Xuân Phục – Chủ tịch UBND xã Mông Hóa (TP. Hòa Bình) và Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình khẳng định, bà Nguyễn Thị Kim Lê là người trúng đấu giá 159 lô đất trên (Ảnh chụp website bán hàng).

Theo vị Chủ tịch xã Mông Hóa, nguồn gốc khu đất này ban đầu được quy hoạch là khu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất để làm tuyến đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Tuy nhiên, do người dân tự tái định cư và không vào vị trí này, sau đó khu đất được TP. Hòa Bình đem ra đấu giá quyền sử dụng đất. Sau 2 lần đấu giá không thành, lần thứ 3 thì bà Nguyễn Thị Kim Lê là người trúng đấu giá 159 lô đất trên.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng xác nhận, trên địa bàn xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình không có dự án Hòa Bình Green Valley. Khu đất trên do bà Nguyễn Thị Kim Lê trúng đấu giá, với 159 lô đất ở. Sau đó, bà Lê đã ký hợp đồng dịch vụ với một sàn môi giới bất động sản (ký ngày 5/2/2021) để bán đất nền. Đáng chú ý, vị này cũng cho biết, trước đó còn có thông tin quảng cáo ở trên website rằng khu đất này (gồm 159 lô đất ở trên) nằm trong một dự án khu đô thị của một chủ đầu tư - công ty khác.

Trước những hoạt động mua bán đang diễn ra phức tạp tại Dự án "ma" này, nên chăng chính quyền tỉnh Hòa Bình cần vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh việc quảng cáo dự án "ma" Hòa Bình Green Valley, từ đó tạo môi trường đầu tư bất động sản lành mạnh? 

"Người dân cần phải tỉnh táo trước khi ký hợp đồng" 

Không chỉ tại Hòa Bình và nhiều tỉnh thành phố khác trên cả nước, thời gian qua xảy ra tình trạng quảng cáo, rao bán dự án “ma” và có diễn biến phức tạp. Trước đó, tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, làm rõ nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân vẽ dự án "ma" để bán đất nền. 

Như đã biết, để triển khai một dự án bất động sản chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật đất đai 2013, Luật nhà ở, Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường... Tất cả các hành vi vi phạm của chủ đầu tư đều có các chế tài xử lý.

Để tránh sập bẫy dự án “ma”, luật sư Lương Thành Đạt  - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis khuyến cáo, người dân cần phải tìm hiểu để các vấn đề sau: Kiểm tra “lai lịch” của chủ đầu tư; pháp lý dự án; cần đối chiếu thông tin “quảng cáo” với pháp lý; điều kiện mở bán; kiểm tra thế chấp ngân hàng.

"Người dân cần phải tỉnh táo trước khi ký hợp đồng. Phải đọc và nghiên cứu rất kỹ càng các điều khoản trong hợp đồng, chủ thể ký kết hợp đồng với mình, đối tượng giao dịch, phương thức thanh toán…", luật sư Đạt nhấn mạnh.

Cenland bán dự án ma Hòa Bình Green Valley
Thông tin sàn môi giới quảng cáo, rao bán dự án "ma" Hòa Bình Green Valley trên mạng. (Ảnh chụp website bán hàng).

Luật sư Đạt nhận định, quá trình quản lý, giám sát và theo dõi thực trạng về công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương lỏng lẻo, thậm chí có tình trạng tiêu cực, cán bộ làm ngơ cho sai phạm, việc chậm trễ, đẩy trách nhiệm của cơ quan công an khi cho rằng những vụ lừa đảo bất động sản xảy ra khi là giao dịch dân sự để không xử lý… đấy cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công ty được cho là chủ đầu tư, môi giới bất động sản lộng hành.

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sử dụng đất, đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư các dự án.

“Chính phủ cần phải có chỉ đạo quyết liệt các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn phải điều tra, làm rõ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, kinh doanh bất động sản liên quan đến các sai phạm xảy ra tại các dự án “ma”, nếu phát hiện có sự buông lỏng quản lý, bao che của cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước cần phải xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, luật sư Đạt kiến nghị. 

Khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo 2018 quy định: Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

“9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch là một trong 8 hành vi bị cấm, trách nhiệm của bên thứ 3 đã được quy định tại Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top