Hòn Dăm Ngang nằm trong quần thể 17 hòn đảo lớn nhỏ ở phía Đông Nam đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đảo này còn có một tên gọi khác là “hòn Gầm Ghì”. Đảo rất gần hòn Móng Tay, hòn Mây Rút trong, Mây Rút ngoài, hòn Thơm… nơi chỉ cách thị trấn Dương Đông sầm uất khoảng 20 cây số. Ca nô sẽ đón bạn để lướt tung sóng trắng, cho bạn hiểu thế nào là sóng nghiêng; trước khi đặt chân đến với thảm san hô đủ màu sắc ở hòn Dăm Ngang. Một thuở đảo hoang sơ đến nỗi ngư dân đi biển đến gần đảo nghe sóng vỗ gầm vang lên vách đảo mà đặt tên cho nó để đi biển mà thôi.
Cuốn hút và khơi gợi hơn đó là hòn Móng Tay, hòn đảo có viên đá xám nhô ra biển rất giống móng tay người. Nhưng lạ hơn, tôi được nghe thợ lặn nói rằng: Dân bản địa cũng từng trồng cây móng tay ở đây nhiều năm. Dân chài khi đi biển đặt chân đến nơi đây đã tự đặt tên cho đảo, rồi nó trở thành cái tên quen thuộc, nghe gọi mãi thành điệp khúc và trở thành tên khai sinh cho hòn đảo du lịch bây giờ. Để dễ phân biệt với rất nhiều đảo nhỏ như hòn Thơm, do trước đây dân ven đảo trồng nhiều trái thơm (miền Bắc hay gọi là trái dứa), nay đã trở thành hòn đảo có nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, hấp dẫn, bãi biển có lướt ca nô, nhảy dù, lướt ván, có ga cáp treo với hồ cá Koi lộng lẫy; để rồi ngồi trên cáp treo tha hồ ngắm biệt thự hoa hồng.
Hòn Thơm nay đã trở thành hòn đảo có nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, hấp dẫn...
Phía Đông và Nam của hòn đảo Ngọc Phú Quốc đều có một bờ bãi cát mịn, nước trong vắt có thể nhìn thấy ốc và cá bơi từng đàn. Điều thú vị hơn cả ở hòn Dăm Ngang là có đội ngũ thợ lặn rất trẻ, đầy kinh nghiệm để dắt bạn đi dưới đại dương và chụp ảnh dưới nước với san hô.
Chàng thợ lặn trẻ giao hẹn với tôi bằng một ký hiệu nếu sức khỏe tốt thì chụm ngón tay trỏ và ngón tay cái, tạo thành một cái khuyên tròn nghĩa là “ok”; còn nếu thấy hơi thở đuối, nặng tai, muốn lên bờ thì giơ cả bàn tay 5 ngón lên, là ngoi lên mặt nước. Dưới nước nhìn thấy san hô không lạ lẫm nhưng nhìn cá đủ màu sắc lượn quanh mình thì thích thú như trẻ thơ. Đấy là thủy cung của tuổi thơ trong trang sách tôi đọc. Mình tôi chơi với cá đủ màu, dù không rõ tên cá. Và bất chợt xuất hiện cảm giác đơn độc. Tôi muốn chết dưới nước trong. Nếu ngưng thở mà chết được ở dưới nước thì sao nhỉ? Liệu thợ lặn có cho mình nằm dưới biển không? Hỏi người thợ lặn thì chàng trai trẻ nói, nếu ở dưới nước sâu thường xuyên cũng mệt, ù tai và rất nặng ngực.
Biển Dăm Ngang nước trong vắt. Tự dưng tôi nghĩ đến nhân vật Naôê trong tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” của nhà văn Watanabe Junichi (Nhật Bản). Ông sáng tạo nhân vật bác sỹ vừa bí ẩn vừa đủ hấp dẫn đến cái kết đẹp u buồn ở một hồ nước trong; nhân vật để lại một lá thư cho người tình với hàng chục ngàn Yên. Lá thư nhắn gửi rằng, vị bác sỹ muốn dành tự do cho người tình, hoặc để lại đứa con hoặc dùng số tiền ông để lại bỏ đi đứa con. Ông bác sỹ không ràng buộc người tình cả khi đã chết rồi. Cái chết của nhân vật này, ám ảnh tôi rất lâu. Cả khi căng mình ra tưởng tượng, suy đoán. Cho đến cuối tiểu thuyết, mới hay Naôê chọn cách chết dưới hồ vì bị ung thư hiểm nghèo. Còn thời gian của bác sỹ Naôê khi sống, ông mang lại bao niềm tin cho người bệnh, họ được an ủi, được vớt vát những hy vọng mong manh để khi chết thanh thản. Đó là bản dịch hay của Cao Xuân Hạo, sách cũ ố vàng trên tủ sách, chẳng hiểu sao tôi nhớ nhân vật Naôê vào lúc đang lặn biển.
Lúc nặng tai, lại nhớ đến kỷ niệm thời nay, bạn tôi khoe mua xong mộ gió, giá hàng trăm triệu ở công viên Vĩnh Hằng hay Thiên Phúc? Con người bây giờ, đang sống sờ sờ đã lo mộ gió khi chết. Vì không có tiền hàng trăm triệu như bạn nên tôi ít khi để ý và thường nói mình nặng tai, điếc lác, không nghe thấy gì. Đôi khi tỏ vẻ nghễnh ngãng cũng hay. Một chỗ rời cõi tạm chẳng quan trọng bằng, nếu được chết như nhân vật bác sỹ kia trong "Đèn không hắt bóng". Nhưng biển nơi này lặng sóng. Chàng thợ lặn bỗng thấy tôi đứng như bất động lại kéo tôi lên mặt nước, hỏi: “Cô có vấn đề gì không?”.
Tôi hỏi lại thợ lặn: “Sao con lại ngoi lên sớm thế?”.
- Là con sợ cô sức khỏe có vấn đề.
- Không. Cô đang nghĩ.
- Cô cho con cảm giác dưới biển thế nào?
Tôi đáp: Cho cô được liên tưởng tới tuổi thơ và đọc cổ tích.
Lảng tránh và giấu đi ý nghĩ về cái chết, nếu như mình được chết dưới biển. Có một đôi bạn trẻ đi tuần trăng mật lại chụp ảnh dưới đáy biển cùng xem san hô. Hai bạn cũng có chung một sở thích ngắm hoàng hôn trên biển và khi lên bờ thì thích nướng tôm trên bếp than hoa. Họ cùng có chung một niềm đam mê là đi du lịch và thưởng thức những món ngon của địa phương. Rồi những tấm ảnh tự sướng với nhau cũng không thích chia sẻ trên “phây”, chỉ hai đứa biết với nhau là đủ. Tôi thích cách sống này của hai bạn trẻ. Sống chất lượng và lặng lẽ bên nhau. Không ồn ào đám đông, không cao giọng. Hai đứa còn giao hẹn chia sẻ ảnh trên biển nhưng “U nhớ không đưa lên “phây”, đơn giản vì bọn con không thích ạ”.
Ừa, u nhất trí vì u có đồng minh, tôi đáp.
Sau này tôi biết cô gái cùng lặn với tôi làm điều dưỡng ở một bệnh viện, người xử lý bao nhiêu nỗi đau của người bệnh, cô không muốn họ xem cô đi trăng mật thật đẹp, thật sang trọng, nhỡ đâu làm tổn thương họ khi xem, đó cũng là một cách tôn trọng con người trong nghề nghiệp của mình.
Còn chàng trai trẻ thì nói rằng: "Nghề của con cũng nhiều người lam lũ, họ cũng không sung túc gì. Để có chuyến đi này, vợ chồng con dành dụm hai năm, sau này có con, chắc còn lâu hơn nữa. Chúng con sống hơi bị "âm lịch", như thời bao cấp không có ảnh màu, không có 4.0, cũng không hay u nhỉ?".
Đúng là cơ duyên đi cùng chuyến bay, lại cùng chọn tour đi 5 hòn đảo lớn nhỏ của Phú Quốc, lại cùng lặn biển, cùng chia sẻ những cảm giác dưới đại dương và khi trên cạn, cùng thích vớt sao biển ở làng chài Hàm Ninh. Cùng lặn biển dưới đảo Dăm Ngang.
Nước trong biển lặng không có sóng, nhưng khi nhớ về hoàng hôn đang lặn trên biển với một mình một bóng trên gương nước trong, chưa bao giờ lòng mình lại thanh thản như thế, vì những người dân đảo nơi đây đời sống rất bình dị, nhà cửa tuềnh toàng, không có nhiều đồ đạc cao sang, chỉ có con thuyền với biển, với những con cá con tôm trao đổi miếng cơm manh áo mỗi ngày mà nụ cười luôn nở trên môi, da dẻ của họ săn chắc, đen đúa. Ai bảo đó không phải là hạnh phúc của con người ở roi đất cuối trời phía Đông Nam đảo Ngọc Phú Quốc.