Aa

Vẽ tranh lên bốt điện: Tấm áo mới hay thêm một góc lem nhem cho đô thị?

Chủ Nhật, 30/12/2018 - 23:30

Một số bốt điện, hộp cáp viễn thông ở Hà Nội trước đây thường bị dán tờ quảng cáo, vẽ bậy nay đồng loạt được mặc ‘‘áo mới’’ với những bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Xung quanh ý tưởng độc đáo này, có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có số ít còn băn khoăn, lo ngại. Để làm rõ hơn về việc này, Reatimes đã có buổi trao đổi với họa sỹ Lê Thiết Cương.

PV: Những ngày gần đây, một số bốt điện, hộp cáp viễn thông ở Hà Nội đã được vẽ lên những bức tranh thiên nhiên sinh động, đầy màu sắc. Họa sĩ đánh giá thế nào về những tác phẩm đường phố này?

Họa sỹ Lê Thiết Cương: Tôi thấy cách chọn đề tài là đúng, không có gì khó hiểu vì đây là nghệ thuật công cộng. Còn nghệ thuật cao, khó hiểu thì nên dành trong những nhà chuyên môn triển lãm hay bảo tàng. Ở đây là nghệ thuật công cộng, nghệ thuật đường phố mà đã là nghệ thuật đường phố thì nên dễ hiểu. Như cách họ chọn đề tài vẽ lên các bốt điện, hộp cáp viễn thông này hầu hết là hoa.

Vì Hà Nội là thành phố có bốn mùa khác với TP.HCM, mỗi mùa sẽ có những loại hoa đặc trưng nên việc chọn chủ đề này là hợp lý. Bên cạnh đó có một số bốt điện như ở phố Phủ Doãn được vẽ những hình cây xanh mà cây cũng là biểu hiện của mùa. Cách vẽ chọn phương pháp vẽ hiện thực cũng là hợp lý bởi vì như đã nói ở trên nghệ thuật đường phố thì phải mang tính đại chúng, dễ hiểu mà người không am hiểu nghệ thuật nhìn đã thấy thích và hiểu.

Bốt điện được khoác áo mới

Bốt điện được khoác áo mới

PV: Việc lên ý tưởng và thực hiện là của một nhóm các bạn trẻ tình nguyện muốn thay đổi diện mạo cho những bốt điện cũ kĩ, bị bôi bẩn. Nhưng có ý kiến cho rằng vỏ ngoài của các tủ này khó giữ màu, nhất là khi khí hậu ở Hà Nội thất thường, vì vậy việc vẽ tranh lên hộp điện là vô ích thậm chí còn khiến hộp điện trở nên lem nhem theo thời gian. Liệu có đúng vậy không, thưa ông? 

Họa sỹ Lê Thiết Cương: Hiện giờ tất cả những hãng bán họa phẩm có tên tuổi, được coi như "hàng hiệu" đều đã có mặt tại Việt Nam. Và tất cả các màu họ sản xuất là để dùng cho các việc đó. Việc đặt vấn đề như trên là chưa hợp lý, trừ khi phải chứng minh được rằng ở trên thế giới, có một hãng chuyên sản xuất sơn vẽ lên các hộp viễn thông và hộp điện mà nhóm thực hiện ở Hà Nội lại không đi mua về để vẽ thì đó mới là vấn đề. Còn ở đây tất cả những màu này đã được cho phép để vẽ trên bảng. Như vậy, màu chuyên để vẽ cho các công trình ngoài trời thì người ta đã vẽ theo đúng màu. Còn về yếu tố thời tiết như ý kiến ở trên thì đó là ý kiến có tính chất tiêu cực.

PV: Vậy dưới góc nhìn của một họa sĩ, ông cho rằng các tác phẩm của các bạn trẻ này liệu đã phù hợp? Về mỹ thuật và cả kỹ thuật? 

Họa sỹ Lê Thiết Cương: Về mỹ thuật, như đã nói ở trên, tôi cho rằng cách tiếp cận của nhóm các bạn trẻ này là phù hợp. Tôi có để ý dự án này từ đầu thì thấy như sau: Đầu tiên là họ chọn sơn Acrylic có độ bền màu cao là đúng về chất liệu. Thứ hai là sau khi vẽ xong có phủ một lớp sơn bóng đề bảo vệ, giữ màu bền vững cũng là chuẩn về phương pháp, kỹ thuật thực hiện. Cuối cùng vì là một dự án mang tính chất cộng đồng nên họ không làm đồng loạt ngay mà họ đã thí điểm một số bốt điện, hộp cáp viễn thông ở ngã tư Phan Chu Trinh và Lý Thường Kiệt trước và khi nhận được sư đồng tình mới triển khai thêm trên các phố khác. Chứ không phải ngay lập tức đã làm ở tất cả 60 bốt theo dự án.

Ngay ở trên phố nhà tôi có những người vô ý thức, họ đã dán những tờ quảng cáo lên hộp điện nhìn rất bẩn, nhất là trong khu vực quận Hoàn Kiếm những đường phố chính - bộ mặt của thủ đô với lượng khách du lịch đông - thì cách thức các bạn trẻ làm như vậy là đúng trình tự và hợp lý.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương

Họa sỹ Lê Thiết Cương

 

PV: Nhưng liệu rằng, việc vẽ tranh đường phố theo phong trào tự phát sẽ khiến bộ mặt đô thị lem nhem, thưa ông? 

Họa sỹ Lê Thiết Cương: Nếu đúng là phong trào tự phát thì lem nhem thật. Vì bất kể việc nào động đến không gian công cộng thì phải có chuyên môn, cụ thể là phải có giám tuyển. Còn nếu không giám tuyển và cấp phép thì đó chỉ là ‘‘rác’’ mỹ thuật. Trong trường hợp vẽ tranh này thì có giám tuyển là một công ty, đã thí điểm và được sự đồng ý của cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm nên tôi ủng hộ những tác phẩm các bạn trẻ đang thực hiện.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top