Vì đâu lãi suất giảm nhưng tín dụng vẫn “ngủ đông”?
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” được tổ chức ngày 25/7/2023 bởi Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng các đơn vị liên quan, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó như 6 tháng đầu năm nay. Tăng lãi suất hay giảm lãi suất, cung tiền nhiều hay ít, làm thế nào để mở rộng, tăng cường tín dụng, làm thế nào để hạn chế nợ xấu, đều là những vấn đề rất cấp thiết, và cũng rất khó khăn”.
Thật vậy, tính đến ngày 30/6/2023, mặc dù NHNN đã 4 lần giảm lãi suất từ 0,5% đến 2%, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm nay là 14% đến 15%. Số doanh nghiệp tham gia và rời khỏi thị trường cũng có xu hướng đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng qua là 100 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính được các chuyên gia kinh tế nhận định là do hai yếu tố: một là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp giảm mạnh; hai là thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo sự suy giảm của hàng loạt ngành, nghề, lĩnh vực trong hệ sinh thái.
Bởi thị trường tiêu thụ giảm, đơn hàng giảm, nhu cầu sản xuất kinh doanh giảm, nên nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp cũng giảm theo. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 6 lĩnh vực xuất khẩu đạt mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu là nông sản như gạo và rau củ quả.
Nhu cầu vốn giảm của doanh nghiệp không chỉ bởi đầu ra không thông, mà còn đến từ việc khó tiếp cận nguồn vốn đầu vào. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thân – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ và chia sẻ của doanh nghiệp tại Hội thảo, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do thiếu các điều kiện về tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo. Trong khi không thể vay ngân hàng, họ lại phải đối mặt với rất nhiều chi phí khác, do đó nhu cầu vay mới là rất hạn chế.
Cùng với đó, thị trường bất động sản đi xuống cũng làm giảm tăng trưởng tín dụng. Hệ sinh thái bất động sản, bao gồm cả các lĩnh vực xây dựng, nội thất, thiết bị gia dụng,…vốn là những lĩnh vực hấp thụ tỷ lệ lớn tín dụng trên thị trường. Nhưng nay tình hình kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, dư nợ cao, khiến doanh nghiệp không thể vay vốn, do đó tăng trưởng tín dụng cũng không được lĩnh vực này thúc đẩy lên cao như mọi năm.
Bên cạnh những yếu tố khách quan từ thị trường, ông Nguyễn Văn Thân cũng khẳng định, tín dụng thấp còn đến từ thủ tục hành chính phức tạp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thẩm thấu, chưa có cơ chế quản lý, kiểm soát rủi ro trong vay vốn. Đại dịch Covid-19 đã “bào mòn” doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến họ khó có thể đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng về tài sản đảm bảo, trong khi các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương lại hoạt động không hiệu quả, khiến các doanh nghiệp bế tắc, loay hoay trong việc tìm kiếm nguồn vốn duy trì hoạt động, cũng đồng thời khiến dòng vốn đang có sẵn trong ngân hàng không được khơi thông.
Năng lực hấp thụ vốn là “chìa khóa thứ hai” mở cánh cửa phục hồi kinh tế
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều nhất trí cho rằng, hạ lãi suất chỉ là “chiếc chìa khóa thứ nhất” để kích cầu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khơi thông dòng vốn từ các tổ chức tín dụng đến các doanh nghiệp và cá nhân. Lãi suất giảm phải đi kèm với khả năng hấp thụ vốn, đến từ nhu cầu vay vốn thực để sản xuất kinh doanh, đến từ bán lẻ và tiêu dùng và cũng đến từ việc khơi thông nguồn vốn, cải thiện thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản cũng như những ngành, lĩnh vực cùng hệ sinh thái.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cần phải thừa nhận một thực tế là giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.
Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp và người dân có vay được vốn hay không, và từ đó tín dụng có tăng trưởng được hay không còn do chính các doanh nghiệp và người dân quyết định trên các nguyên tắc thương mại bình đẳng giữa ngân hàng và doanh nghiệp và người dân.
Thực tế cho thấy tăng trưởng tín dụng ở mức thấp do cầu tín dụng giảm khi động lực đầu tư, xuất khẩu suy yếu. Tiêu dùng cuối cùng của người dân vẫn tăng nhưng tốc độ tăng đã chậm lại. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đầu tư công tăng mạnh, qua đó phần nào hỗ trợ cho ngành xây dựng và từ đó cũng hỗ trợ cho mức tăng trưởng tín dụng cho ngành xây dựng ở mức 5,39%, cao hơn mức 3,97% vào cùng kỳ tháng 5 năm ngoái. Nhưng sự hồi phục của ngành xây dựng còn có thể mạnh mẽ hơn nếu như có sự khởi sắc trở lại của thị trường nhà ở, nhà cho thuê. Cho tới nay, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án) khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.
Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố từ môi trường bên ngoài như kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới, lo ngại suy thoái dẫn đến thiếu đơn đặt hàng sản xuất, mà còn đến từ chính bản thân doanh nghiệp, từ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Thực tế cho thấy, những lĩnh vực kinh doanh nông sản như gạo, rau, củ, quả, thủy hải sản vẫn có cơ hội sinh lời, thậm chí có nhiều lợi thế trong bối cảnh những thị trường xuất khẩu nông sản lớn như Ấn Độ đã phải tạm ngưng xuất khẩu gạo để cân đối chuỗi cung ứng trong nước. Nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, do đó không có dòng tiền để điều tiết hoạt động kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội tốt.
Trong khi các doanh nghiệp cho rằng thủ tục vay vốn còn phức tạp và điều kiện về tài sản thế chấp của ngân hàng còn chưa sát với thực tế, theo chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nếu bỏ qua các yếu tố rủi ro, không có ngân hàng nào là không muốn cho doanh nghiệp vay. Ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp có vay vốn làm ăn thuận lợi thì ngân hàng mới hoạt động ổn định được. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, dòng tiền giữa mua vốn và bán vốn phải có sự chênh lệch tối thiểu để các ngân hàng có thể hoạt động được. Hơn hết, ngân hàng cho vay có trách nhiệm thì người đi vay cũng phải có trách nhiệm. Doanh nghiệp cũng phải minh bạch hoạt động kinh doanh, chứng minh được năng lực hoàn trả tiền vay để ngân hàng có căn cứ cho vay, chứ không thể đẩy hết rủi ro về phía ngân hàng.
Như vậy, việc doanh nghiệp có hấp thụ được vốn hay không không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế vĩ mô có thuận lợi không, sản xuất, tiêu dùng có tăng không, mà còn nằm ở việc doanh nghiệp có tiếp cận được dòng vốn hay không, có chứng minh được năng lực sử dụng dòng vốn hiệu quả hay không. Đó chính là những vấn đề của kinh tế thực, không chỉ phụ thuộc vào công cụ chính sách, tài chính tiền tệ, mà bản thân doanh nghiệp phải chủ động cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, minh bạch dòng tiền để tạo dựng được niềm tin với ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, cần phải tháo gỡ những vướng mắc, rắc rối về thủ tục hành chính và cơ chế quản lý để doanh nghiệp và ngân hàng tìm được tiếng nói chung. Không thể vì một bên phải đối mặt với rủi ro cao, một bên phải đối mặt với chi phí lớn mà khiến dòng vốn không được khơi thông, các gói kích cầu của Chính phủ không chạm đến nền kinh tế thực. Rõ ràng, một cơ sở pháp lý vững chắc được xây dựng từ sự tham gia của nhiều bộ ngành, cơ quan có thẩm quyền sẽ hỗ trợ cho ngân hàng và doanh nghiệp thiết lập mối quan hệ bình đẳng, đôi bên cùng có lợi và có thể duy trì lâu dài./.