Aa

Hạ lãi suất vay mua nhà để kích cầu tiêu dùng bất động sản

Thứ Tư, 19/07/2023 - 13:51

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, một trong những giải pháp cần tập trung để thúc đẩy cầu tiêu dùng cũng như đầu tư bất động sản là tháo gỡ khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, bất động sản.

Nhu cầu giảm khiến thị trường BĐS trầm lắng

Trao đổi tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản (BĐS) tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 13/7, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - TS Nguyễn Văn Khôi cho hay, tín dụng BĐS trong các tháng đầu năm nay, nhất là tín dụng tiêu dùng cho vay BĐS tăng còn thấp. Vì vậy, cần tiếp tục có các chính sách giảm lãi suất để kích cầu, cho vay mua nhà. 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính tới ngày 27/6, tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, tín dụng vào kinh doanh địa ốc trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy loạt giải pháp tháo gỡ cho thị trường BĐS vừa qua cũng bắt đầu phát huy tác dụng. Nhưng tín dụng cho tiêu dùng BĐS lại giảm 1,32% so với 5 tháng đầu năm ngoái.

lai-suat-vay-mua-nha-1-1689302219.jpg
Thời gian qua đã có nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và bắt đầu giảm lãi suất cho vay (Nguồn: VTV)

“Nhà đầu tư BĐS cá nhân và người mua vẫn chưa sẵn sàng xuống tiền, tín dụng BĐS còn thấp. Vì thế việc tháo gỡ khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá BĐS là một trong những giải pháp có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cũng như đầu tư trong lĩnh vực này” - Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết. 

Sau động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của NHNN, thời gian qua đã có nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và bắt đầu giảm lãi suất cho vay. Trước đó, nhiều nhà băng cũng chào mời các gói vay lãi suất hấp dẫn cho BĐS. Cụ thể, MBS có gói vay mua nhà thổ cư với lãi suất từ 4,99%/năm. Tuy nhiên, MSB chỉ cố định mức lãi suất này trong 3 tháng đầu cho các khoản vay thời hạn trên 24 tháng, sau đó là lãi suất thả nổi khoảng 13,75%/năm; Shinhan Bank có gói vay mua nhà với lãi suất 7,99%/năm; TPBank có gói vay 8%/năm… 

Theo một số chuyên gia, việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành vào thời điểm này tuy chưa tác động trực tiếp tới lĩnh vực BĐS, nhưng sẽ tác động gián tiếp thông qua sự hồi phục của nền kinh tế. 

Về lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi thấp sẽ làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, nhà đầu tư phải chuyển tiền của mình sang kênh khác như trái phiếu, cổ phiếu, kim loại quý. Trong đó BĐS vẫn được xem là kênh đầu tư dài hạn có lợi nhuận cao. 

Không dễ để vay vốn

“Việc giảm lãi suất từ 0,5 - 2% cho doanh nghiệp trong thời gian qua đã là một nỗ lực lớn của Chính phủ và hệ thống Ngân hàng. Động thái này mang hiệu ứng mạnh mẽ đối với nền kinh tế và doanh nghiệp BĐS” - TS Nguyễn Văn Khôi cho hay. 

lai-suat-vay-mua-nha-2-1689302219.jpg
Đại diện Hiệp hội BĐS VN - TS. Nguyễn Văn Khôi (Nguồn: VNF)

Tuy nhiên, Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, việc tiếp cận với nguồn vốn vay của doanh nghiệp địa ốc cũng không dễ dàng vì lãi cao; Pháp lý dự án và niềm tin thanh khoản. Mức lãi suất cho vay của gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho NOXH được nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp BĐS cho là quá cao (doanh nghiệp vay mức 8,7%, người dân vay 8,2%). Kể từ ngày 1/7/2023, cứ định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ theo nguyên tác này. 

Đại diện Hiệp hội BĐS VN - TS. Nguyễn Văn Khôi cho biết: “Nếu rút ngắn thời gian dự án khoảng 1 năm nữa, có thể giúp doanh nghiệp BĐS tiết kiệm khoảng lãi suất tới 12 - 15% chi phí vốn. Chưa kể tiết kiệm được tiền lương, máy móc thiết bị… cho cả năm”. 

Để gỡ khó cho thị trường địa ốc, các Bộ, ngành đang hoàn chỉnh sửa đổi 3 bộ luật liên quan để Chính phủ trình Quốc hội ban hành. 

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển từng chia sẻ, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng là dòng tiền bán hàng. “Lãi suất giảm sẽ khó giúp thanh khoản phục hồi nhanh. Thị trường BĐS hiện nay khác với giai đoạn trước đây ở mặt bằng giá. Giá cao nhưng giá trị khai thác trên BĐS thấp. Do đó dù lãi suất giảm nhưng sức hút vẫn chưa đủ mạnh”. 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để khơi thông thị trường địa ốc, Nhà nước cần áp dụng một số giải pháp, như: Cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, hoàn thiện pháp lý, nới tín dụng, tăng cường hỗ trợ tài chính, tăng cường thông tin và quảng bá, thúc đẩy pháp triển hạ tầng, khuyến khích đầu tư nước ngoài. 

Kiến nghị mức lãi vay cho nhà ở thương mại phù hợp với thu nhập là dưới 7%/năm (Nguồn: Báo Lao Động)

“Hiện tại hàng ngàn dự án bị dừng vì vướng mắc quy định pháp lý; Vốn hạn chế; Về tổ chức thực hiện tại các cấp, ngành và doanh nghiệp; Điều chỉnh quy hoạch, vướng giải phóng mặt bằng và biến động giá nguyên vật liệu. Vì vậy, chính quyền địa phương phải chủ động giải quyết theo thẩm quyền và phối hợp các Bộ, ngành giải quyết phần công việc liên quan, đề xuất báo Chính phủ” - TS. Nguyễn Văn Khôi kiến nghị. 

Với những mức lãi suất cho vay, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị về mức lãi vay cho nhà ở thương mại phù hợp với thu nhập là dưới 7%/năm; Doanh nghiệp xây NOXH mong vay lãi suất dưới 6%/năm; Người mua nhà muốn vay lãi suất dưới 4,5%/năm; Doanh nghiệp kinh doanh BĐS du lịch, nghỉ dưỡng dưới 9%/năm; Mức lãi vay BĐS nhà ở cao cấp kiến nghị từ 8 - 10%/năm. 

“Cần rút gọn trình tự thủ tục đầu tư, đặc biệt là với dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư. Các chính quyền địa phương sớm điều chỉnh quy hoạch, xác định vị trí đất cho đầu tư nhà ở xã hội. Về giải pháp trong dài hạn, phải sớm ban hành sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh BĐS một cách đồng bộ, tránh để chồng chéo” - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Khôi kiến nghị.

Chủ đề bạn có thể quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top