Aa

“Vi phạm xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu dừng”

Thứ Tư, 10/07/2019 - 06:01

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê nhận xét, vi phạm xây dựng trên địa bàn TP.HCM vẫn là thách thức và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngày 9/7, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 30 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 (cũng là buổi bế mạc) với phiên thảo luận tại hội trường. “Vi phạm xây dựng” tiếp tục là chủ đề nóng, được hầu hết các đại biểu nêu ý kiến thảo luận.

Chủ trì phiên thảo luận, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị các địa phương đang có vi phạm xây dựng phức tạp thông tin về tình hình cũng như giải pháp khắc phục.

Thuyên chuyển công tác, kỷ luật cán bộ

Trước yêu cầu này, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng cho hay, trong giai đoạn 2014 - 2016, số vụ vi phạm đất đai, xây dựng ở huyện là 2.910 trường hợp, trong đó chỉ 180 vụ (chiếm khoảng 6%) được phát hiện, xử lý ngay từ đầu.

Trước thực tế này, Huyện ủy ban hành nghị quyết chuyên đề; đồng thời huyện ký kết kế hoạch liên tịch với Sở Xây dựng trong phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép. Qua đó, các vi phạm đã được kéo giảm. Theo đó, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, có khoảng 2.180 trường hợp vi phạm xây dựng và có 1.590 vụ được phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu.

 

“Vi phạm đã được kéo giảm nhưng vẫn còn khá phức tạp, nhất là ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B”, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng nhìn nhận và thông tin, công an huyện Bình Chánh đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, Huyện ủy điều động, thuyên chuyển bí thư, chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B.

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng cũng cho biết huyện đang gặp khó khăn vì diện tích rộng, lượng người nhập cư cao (tăng 30.000 dân/năm). Trong đó, dân số ở các xã Tân Kiên, xã Bình Hưng có trên 80.000 dân/xã và đặc biệt, xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đông dân nhất huyện với 120.000 dân/xã.

Nhu cầu về nhà ở cao, trong khi diện tích đất ở đô thị được quy hoạch tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B chỉ có 55 ha, trong khi theo chỉ tiêu về nhà ở, tại mỗi xã này phải cần đến 240 ha đất ở. Vì vậy, huyện Bình Chánh đề nghị Sở QH-KT rà soát, nâng cao chỉ tiêu đất ở cho địa phương; đồng thời kiến nghị được phép tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND tại các xã đông dân này.

Tham gia thảo luận, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ, quận là địa bàn cửa ngõ với tốc độ đô thị hóa cao và vi phạm xây dựng vẫn diễn biến phức tạp. Trong các năm 2016, 2017, vi phạm xây dựng trên địa bàn giảm nhưng từ năm 2018 đến nay lại tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số công trình xây dựng không phép, sai phép tăng gấp đôi so với cùng kỳ (121 công trình không phép, 59 công trình sai phép).

Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng 

“Các công trình không phép chủ yếu (chiếm khoảng 75%) trên các khu đất hiện đang quy hoạch”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhận xét và dẫn chứng vi phạm khá phổ biến tại khu vực quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Linh Trung); khu đất dự trữ xây hồ điều tiết (phường Tam Phú), Hiệp Bình Chánh (ga Bình Triệu)… Vì vậy, quận Thủ Đức kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở QH-KT; có sự phối hợp sát hơn giữa Thanh tra Sở Xây dựng và quận.

Huyện Hóc Môn cùng nằm trong nhóm có tốc độ đô thị hóa cao và vi phạm xây dựng đang diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng chia sẻ về những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu.

Theo đó, từ tháng 6/2018, Huyện ủy có nghị quyết về tăng cường lãnh đạo và chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, xây dựng và chỉnh trang đô thị trên địa bàn. Nghị quyết đặt yêu cầu 100% trường hợp vi phạm được phát hiện kịp thời; 100% công trình có giấy phép khi khởi công phải đảm bảo điều kiện và 100% đảng viên cam kết không vi phạm.

Tuy nhiên, số vụ vi phạm lẫn quy mô vi phạm ở một số công trình trong năm 2019 vẫn tăng so với năm 2018. “Từ đầu năm đến nay, ở huyện có 52 trường hợp vi phạm (4 sai phép, 48 không phép)”, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng nhìn nhận.

Tuy vậy, các công trình này hầu hết đã được phát hiện xử lý ngay từ đầu và kiên quyết cưỡng chế các công trình vi phạm. Mặc khác, huyện xử lý nghiêm các công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chậm phát hiện và không xử lý kịp thời các vi phạm xây dựng. Từ tháng 6/2018, huyện đã xử lý 14 công chức với các hình thức khiển trách (10 trường hợp), cảnh cáo (4 trường hợp) và ban hành 31 công văn phê bình nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức.

Đồng thời, huyện chỉ đạo công an huyện theo dõi, nắm tình hình, tiếp nhận điều tra, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng và chuyển Công an TP.HCM đề nghị khởi tố 2 vụ việc.

Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cam kết tiếp tục thực hiện những giải pháp hiệu quả trong thời gian qua; đồng thời bổ sung một số giải pháp mới, đặc biệt là quy trình phối hợp, ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu các công trình sai phép.

“Trong vòng 7 ngày, từ lúc Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn lập biên bản mà chưa ban hành quyết định xử lý thì UBND huyện sẽ ban hành quyết định và áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi sai phép, nhất là nhà 3 chung”, ông Dương Hồng Thắng nhấn mạnh.

Huyện sẽ sử dụng ảnh viễn thám, kết hợp phần mềm tự động phân tích các vị trí có dấu hiệu vi phạm xây dựng để phát hiện, xử lý kịp thời các công trình vi phạm. Cùng với đó, huyện ứng dụng công nghệ, thực hiện số hóa ngay từ đầu trong tiếp nhận hồ sơ để tạo sự liên thông giữa các phòng ban, các bộ phận và với các xã - thị trấn.

Qua đó, huyện rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo thuận lợi trong công tác cấp phép xây dựng, góp phần giảm thiểu vi phạm xây dựng trên địa bàn.

Vẫn băn khoăn về giải pháp

Với tư cách là tư lệnh ngành, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình đánh giá công tác quản lý xây dựng trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tại quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn…

Trước những khó khăn, tồn tại, Sở Xây dựng đề xuất 7 giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi pháp luật về xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có giải pháp đẩy mạnh hoàn tất quy hoạch điểm dân cư nông thôn trên các huyện ngoại thành; rà soát chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất ở vùng ven và ngoại thành phù hợp với tình hình dân số và tốc độ đô thị hoá của từng địa phương.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình đánh giá công tác quản lý xây dựng trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình đánh giá công tác quản lý xây dựng trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Việt Dũng

Cùng với đó là giải pháp tổ chức bộ máy, đặc biệt triển khai đề án thí điểm thành lập lực lượng trật tự xây dựng tại địa phương; chuyển đội thanh tra xây dựng địa bàn về các quận - huyện.

“Triển khai liên thông giữa Sở TN-MT, Sở QH-KT, Sở Xây dựng và UBND các quận - huyện trong công tác phê duyệt, cấp phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng”, ông Lê Hòa Bình đề xuất.

Người đứng đầu Sở Xây dựng cam kết, từ cách làm của UBND quận 7 (trong cấp phép xây dựng rút gọn, dựa vào thiết kế đô thị), Sở Xây dựng sẽ đánh giá tổng kết để nhân rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ngoài ra, Sở Xây dựng chủ động phối hợp với Sở TN-MT xây dựng quy chế liên thông giữa kiểm tra xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất.

Cùng quan tâm về vấn đề này, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê nhận xét, vi phạm xây dựng trên địa bàn TP.HCM vẫn là thách thức và chưa có dấu hiệu lại dừng.

Chia sẻ với các giải pháp của Giám đốc Sở Xây dựng nhưng ông Khuê cũng đặt vấn đề: “Trong nhiều các giải pháp đó đã và đang thực hiện nhưng vì sao vi phạm vẫn diễn ra tràn lan?!”.

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, nhu cầu về nhà ở cao, nhất là ở các quận - huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Do đó, không chỉ "đầu nậu" cố tình vi phạm mà xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về nhà ở như đã nêu, dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng. Các nguyên nhân này cần phải được phân tích đầy đủ, có như thế mới đề xuất những giải pháp đúng mức và phù hợp.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê. Ảnh: Việt Dũng

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị nhận diện rõ hơn các nguyên nhân, kể cả tình trạng buông lỏng quản lý. Chính vì những điểm này chưa được nêu bật nên các giải pháp đề ra vẫn chưa thật sự có lối ra. “Nếu như thế, vấn đề này sẽ tiếp tục còn dai dẳng”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy lo ngại.

Tiếp lời, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung nhận xét, cơ quan quyền lực đại diện cho người dân còn “mỏng manh” quá, đã không kịp thời ghi nhận các bức xúc của người dân cũng như không kịp thời đề xuất tháo gỡ các bất cập trong quy định quản lý hoạt động xây dựng. Do đó, bà Dung kiến nghị các cơ quan dân cử cùng đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tăng cường vai trò, kịp thời nắm bắt, giải quyết những bức xúc của người dân cùng các bất cập của quy định.

Trước những băn khoăn này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ, vi phạm xây dựng trên địa bàn các quận 2, 7, 9, 12 và huyện Hóc Môn, Bình Chánh… vẫn rất phức tạp. Trong đó có nhiều vụ vi phạm quy mô như việc xây dựng 110 biệt thự ở quận 7, phải tạm đình chỉ thi công.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Đồng chí cam kết sẽ ghi nhận những kiến nghị của các địa phương, các đại biểu. Từ đó, UBND TP sẽ chỉ đạo các sở ngành thực hiện hiệu quả, đồng bộ các biện pháp quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Người đứng đầu UBND TP cũng lưu ý, trong thứ tự ưu tiên của công việc thì bí thư các Quận ủy - Huyện ủy cần đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai, chỉnh trang đô thị trên địa bàn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top