Aa

Vì sao 5 đô thị vệ tinh vẫn “bất động” sau cả thập kỷ?

Thứ Sáu, 12/07/2019 - 21:00

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, phát triển các đô thị vệ tinh còn rất hạn chế là do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, tuy nhiên đặc biệt nhất là do thiếu nguồn lực phát triển.

Theo Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh bao gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Các đô thị vệ tinh này cách trung tâm thành phố khoảng 25 - 30km, là khoảng cách tối ưu vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của các đô thị vệ tinh, vừa đáp ứng các hoạt động hỗ trợ đối với đô thị trung tâm trên cơ sở các phương tiện giao thông tốc độ cao như đường sắt đô thị, xe buýt tốc độ cao.

Đặc biệt, các đô thị được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và có khả năng hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như: Công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng...

Quy hoạch là vậy, tuy nhiên mới đây, trước phiên họp HĐND TP. Hà Nội kỳ họp thứ 9, khóa XV, trả lời câu hỏi của cử tri quận Hoàn Kiếm về sự hiệu quả của các khu đô thị vệ tinh, hướng đến bảo đảm việc giãn dân cư ra khỏi khu vực nội đô, UBND TP. Hà Nội thừa nhận, việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh còn nhiều hạn chế.

Các đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn trong tình trạng

Các đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn trong tình trạng "bất động". Ảnh internet

Theo UBND TP. Hà Nội, nguyên nhân của việc các đô thị vệ tinh "bất động" xuất phát từ nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, nhưng lý do lớn nhất là thiếu nguồn lực phát triển các hoạt động như quy hoạch xây dựng; đầu tư xây dựng hạ tầng khung đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; khả năng tạo công ăn việc làm, tạo sức hút dân cư; hay khó khăn trong di chuyển các bộ, ngành, cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế...

UBND TP. Hà Nội cho biết đã phê duyệt 4/5 đồ án quy hoạch chung đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 20.388,3ha. Đồng thời cũng đang chỉ đạo các cơ quan như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cùng các nhà tài trợ triển khai lập các quy hoạch phân khu đô thị làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo đó, việc giãn dân cư ra khỏi khu vực nội đô tới các khu vực xung quanh (trong đó bao gồm các khu đô thị vệ tinh) là chính sách vĩ mô dựa trên tổng hợp đánh giá của nhiều ngành, nhiều chuyên gia và là trọng tâm của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Luật Thủ đô. UBND TP. Hà Nội cho hay, hiệu quả của việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ được các ngành đánh giá tổng thể sau khi các khu vực đô thị được đưa vào hoạt động, hoàn chỉnh.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để một đô thị vệ tinh hình thành theo đúng nghĩa không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính, mà phải hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao như con người, tài chính và tài nguyên. 

Tuy nhiên, nhìn lại hơn 10 năm vừa qua có thể thấy, sức sống đô thị vệ tinh hiện nay chưa đạt được, hoặc thậm chí không có. Ở các nước trên thế giới, 50km người ta vẫn đi làm bằng tàu điện ngầm, bằng tàu sắt trên cao, vì giao thông công cộng của họ rất tốt.

Chính sự kết nối đó cùng sự phát triển của dịch vụ, trường học và những tiện ích khác đã hút người dân ra bên ngoài nội đô sinh sống, nhưng chúng ta hiện nay chưa làm được. Năm đô thị hiện nay vẫn như là 5 đô thị nằm trên giấy, sự cựa mình chuyển động của nó theo đô thị trung tâm vẫn quá chậm và hầu như các nhà đầu tư bất động sản ít quan tâm đến khu vực này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top