Aa

Vì sao bất động sản thiếu nguồn cung nhà giá rẻ?

Thứ Bảy, 22/07/2023 - 14:05

Hiện nay các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều dự án phải dừng, chậm triển khai.

Doanh nghiệp bị thiếu nguồn tiền

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Bên cạnh đó, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động đã ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội.

Qua ghi nhận, nguồn cung bất động sản từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục hạn chế tại tất cả phân khúc. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nhà ở thương mại hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 659 dự án đang triển khai xây dựng, đạt khoảng 60,4% so với 6 tháng cuối năm ngoái.


Nhiều dự án chậm tiến độ khiến thị trường trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Ảnh Nguyên Hằng

Trong khi đó, dựa theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước có hàng nghìn dự án bất động sản với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỉ đồng đang triển khai phải tạm dừng, trong đó đã bao gồm cả các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Từ khi thành lập, Tổ công tác của Chính phủ đã rà soát, làm việc với các địa phương để nhận diện những khó khăn, vướng mắc. Tại TP Hồ Chí Minh có 180 dự án, Hà Nội 170 dự án, Đà Nẵng 75 dự án, Hải Phòng 65 dự án, TP Cần Thơ 79 dự án... được rà soát.

Tổ công tác đã sàng lọc các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc và có văn bản gửi các địa phương những dự án thuộc nội dung tháo gỡ thuộc thẩm quyền của địa phương, cũng như gửi các Bộ liên quan đến nội dung vướng mắc về lĩnh vực đầu tư, đất đai để có thể nhanh chóng giải quyết.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, thị trường bất động sản tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã có dấu hiệu hồi phục, giảm đà rơi. Kéo theo ngành xây dựng cũng có dấu hiệu dần hồi phục như quý I năm 2023 tăng trưởng âm 19,8%, 6 tháng đầu năm 2023 mức độ tăng trưởng âm giảm còn 8,45%.

Doanh nghiệp bất động sản lo ngại khó được vay vốn với quy định mới. Ảnh: Nguyên Hằng

“Vấn đề mấu chốt là tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do sức mua yếu, điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm thanh khoản”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Tái diễn câu chuyện “cần tháo gỡ vướng mắc”

Cùng bàn luận về câu chuyện trên, TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, trong nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thanh khoản kém và nguồn cung hạn chế. Nguyên nhân chính là do vấn đề pháp lý chưa được giải quyết cùng với việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, TS Nguyễn Văn Khôi cho rằng, cần tạo điều kiện để thúc đẩy dòng vốn trên thị trường trái phiếu cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, cần giãn nợ cho doanh nghiệp đối với các khoản nợ đã đến kỳ hạn thanh toán; điều chỉnh định mức và đơn giá xây dựng linh hoạt theo biến động giá nguyên vật liệu; đơn giản hóa quy trình đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ.

“Thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn là bởi hai yếu tố chính là vốn và pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay những vướng mắc đó cũng đang dần được tháo gỡ”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai hiện nay vô cùng phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài. Ngoài ra, tín dụng bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ... Tất cả các yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực bất động sản thời gian tới.

Thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn là bởi hai yếu tố chính là vốn và pháp lý. Ảnh minh họa

Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin, quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Còn đối với các dự án đầu tư đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, tổ chức tín dụng tiếp tục xem xét cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định; đồng thời, để đảm bảo kiểm soát rủi ro, trường hợp tổ chức tín dụng cho khách hàng vay đối với nhu cầu vốn này. Hiện Thông tư 06 đã bổ sung quy định tổ chức tín dụng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc cho vay đối với các nhu cầu vốn này để thực hiện dự án, mà dự án lại không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tiềm ẩn rủi ro. Chẳng hạn như, các khoản hợp tác kinh doanh, góp vốn có thời gian góp vốn và lợi tức góp vốn cố định, không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị nhận góp vốn; mà nguồn trả nợ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của chủ đầu tư, khách hàng vay vốn không có nguồn trả nợ nào khác hoặc có thì không đáng kể so với số tiền vay vốn.

Do vậy, nếu dự án chưa bảo đảm tính pháp lý, điều kiện để triển khai sẽ dễ phát sinh rủi ro khi dự án không có nguồn thu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng và vướng mắc trong việc xử lý tài sản đảm bảo.

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top