Ngày 17/11, đoàn kiểm tra Bộ Công thương do ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp - làm trưởng đoàn đã làm việc với đại diện chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật là Công ty CP đầu tư thuỷ điện miền Trung Việt Nam.
Tham gia đoàn làm việc có đại diện Sở Công thương, lãnh đạo UBND huyện Nam Đông và để có cuộc làm việc này đoàn công tác đã phải băng bộ nhiều đoạn đường rừng, vượt qua nhiều điểm sạt lở chung quanh thủy điện này.
Theo ông Bảo đoàn đến kiểm tra, làm việc để ghi nhận việc tuân thủ các quy định an toàn hồ đập, phòng chống bão lũ của chủ đầu tư nhằm báo cáo, kiến nghị lãnh đạo Bộ về biện pháp xử lý đối những vấn đề liên quan đến thủy điện Thượng Nhật. Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Đông thì chủ đầu tư đã tích nước, phát điện khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đáng lo ngại nhất là ở vai phải đập thuỷ điện Thượng Nhật, núi ở khu nhà điều hành có nguy cơ sạt lở cao nhưng chủ đầu tư chưa có giải pháp khắc phục. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Nam Đông cũng đã bày tỏ những bức xúc khi chủ đầu tư không phối hợp với huyện và bất tuân chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng chống bão lũ, thiên tai gần đây.
Cụ thể là Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng như Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các công trình thủy điện không được tích nước khi chưa được phép nhưng thủy điện Thượng Nhật lại tích nước, nguy hiểm hơn là việc tích nước xảy ra trong tình hình lũ bão dồn dập, nguy cơ sạt lở núi rất cao; lãnh đạo huyện Nam Đông nhiều lần đề nghị phía chủ đầu tư mở cửa van tháo nước nhưng chủ đầu tư không tuân thủ mà đóng các cửa van. Không chỉ với UBND huyện Nam Đông mà với Sở Công thương tỉnh, chủ đầu tư cũng bất tuân chỉ đạo trong việc phòng chống thiên tai bão lũ khiến Sở Công thương đã có công văn gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung không mua điện từ thủy điện Thượng Nhật.
Đỉnh điểm của việc “chống lệnh” chính quyền trong công tác phòng chống thiên tai bão lũ của Thủy điện Thượng Nhật là ngay trước cơn bão số 13, UBND huyện Nam Đông phải kiến nghị khẩn lên cấp trên và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để chỉ đạo lực lượng công an giám sát 24/24 về việc thủy điện này thực hiện điều tiết lũ, không được tích nước. Nhưng điều kỳ quái nhất là khi lực lượng công an rút về vì mưa lũ lớn mất an toàn thì thủy điện này lại tiếp tục… tích nước.
Trước sự việc này Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có biện pháp xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật.
Trao đổi với báo chí về việc trên, ông Lê Văn Khoa - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện miền Trung Việt Nam - cho rằng, trong thời điểm bão lũ vừa qua có một số hạng mục sạt lở xuống lấp kênh xả nên thủy điện Thượng Nhật đóng 4 cửa van để nạo vét kênh xả. Nếu xử lý ở kênh xả không tốt sẽ dẫn đến nước trên hồ lớn tràn ngược vào nhà máy gây nguy hiểm cho nhà máy, vì vậy bắt buộc phải giảm tốc độ nước lại để nạo vét, lưu thông dòng chảy cho tốt hơn.
Thủy điện Thượng Nhật chỉ có công suất lắp máy giai đoạn ban đầu 6,8MW, đến nay đã điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh đến lần thứ 15 kể từ khi cấp phép lần đầu năm 2007 bởi Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây được xem là loại thủy điện “cóc”, từng không nằm trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của Bộ Công thương.
Theo ông Tô Xuân Bảo thì với những dấu hiệu ban đầu, đoàn kiểm tra đã có thể xử phạt chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật theo Nghị định 114/2018 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hiện đoàn kiểm tra Bộ Công thương sẽ còn tiếp tục làm việc với Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công ty CP Thủy điện miền Trung Việt Nam, trong đó bao gồm cả việc xem xét chủ đầu tư “thủy điện tai tiếng” này có vi phạm về hoạt động điện lực hay không, nếu có đoàn sẽ kiến nghị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Được biết trong ngày 17/11, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lập biên bản Công ty CP thủy điện miền Trung Việt Nam vi phạm quy định về sử dụng nguồn tài nguyên nước theo Nghị định 36/2020/ND-CP.