Những tranh cãi xảy ra gần đây xoay quanh diện mạo khác lạ của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (Hà Nội) dường như cũng đã từng diễn ra với những công trình được bảo tồn trước đó. Vì sao dư luận thường ngỡ ngàng và phản ứng trước "diện mạo mới" của những công trình kiến trúc cổ sau khi được tu bổ? PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, cộng đồng luôn ủng hộ những điều đúng đắn, nhưng họ cần được cung cấp căn cứ để nuôi dưỡng niềm tin về giải pháp bảo tồn, trùng tu di sản.
***
LTS:
Trong cuốn khảo cứu "Đi xuyên Hà Nội", nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến đã nhận định "Biệt thự nằm trên các con phố Hà Nội được giới kiến trúc châu Á đánh giá độc nhất vô nhị vì không thủ đô châu Á nào lại có nhiều "vườn trong phố" như vậy và nó không còn là tài sản riêng Hà Nội của Việt Nam mà là tài sản của kiến trúc thế giới. Hơn một nghìn biệt thự đã biến Hà Nội từ một cô gái xộc xệch cuối thế kỷ XIX thành một cô gái duyên dáng mượt mà, sang trọng và đẹp đẽ vào giữa thế kỷ XX".
Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến thiên của lịch sử, biệt thự cổ Hà Nội hiện nay không chỉ là những công trình mang nhiều giá trị về văn hoá, kiến trúc mà còn là di sản của ký ức lịch sử. Tuy nhiên, với tình trạng xuống cấp trầm trọng, những dấu ấn "vang bóng một thời" lại đang là bài toán khó giải với nhà quản lý đô thị và giới kiến trúc hiện đại.
Mới đây, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự và tiến hành cải tạo, trùng tu nhằm “hồi sinh” các công trình. Tuy nhiên, sau gần một năm cơ bản hoàn thành việc tu sửa một công trình được coi là "công trình mẫu về tu bổ biệt thự" của Hà Nội, diện mạo mới của căn biệt thự này lại nhận về nhiều những tranh cãi từ dư luận.
Cần có chính sách bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội như thế nào để vẫn giữ được “hồn cốt” của “quỹ di sản” quý giá này, để nét duyên dáng thế kỷ XX không lạc lõng trong lòng đô thị thế kỷ XXI?
Trên tinh thần góp ý và xây dựng để hoàn thiện các giải pháp về chính sách bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Chính sách bảo tồn biệt thự cổ tại Hà Nội: Những bài toán cần phải giải".
Trân trọng gửi tới quý độc giả!
Công trình cổ cứ “khoác áo mới” là bị chê?
Bảo tồn công trình cổ có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật, là một việc làm cần thiết để gìn giữ, duy trì và tôn vinh những di sản kiến trúc có giá trị vượt thời gian. Thế nhưng, nhìn lại "lịch sử" tôn tạo, tu bổ, các công trình kiến trúc có giá trị trong thời gian qua, dường như có một mẫu số chung là thường gặp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận.
Tháng 01/2015, tranh cãi nổ ra khi tòa nhà Bưu điện Trung tâm TP.HCM xuất hiện trước công chúng với màu vàng chói sặc sỡ, khác hẳn với nước sơn vàng nhạt pha trắng cổ kính trước đó. Mặc dù cơ quan chịu trách nhiệm tu sửa tòa nhà đã lên tiếng giải thích rằng, màu sơn hiện tại là khôi phục hiện trạng của màu sơn cũ và sẽ dịu đi khi tiếp xúc với nắng gió, nhưng cũng không thể khiến công chúng và giới chuyên môn hài lòng.
Màu gốc và màu sơn sau trùng tu gây tranh cãi của Bưu điện Trung tâm TP.HCM. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Thời điểm đó, nhiều kiến trúc sư thẳng thắn bày tỏ rằng màu sơn mới của tòa Bưu điện là “không thể chấp nhận được”. KTS. Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM và nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đều cho rằng, việc giải thích màu sơn mới sẽ phai dần về màu gốc là không thuyết phục.
KTS. Nguyễn Trường Lưu phân tích, những tòa nhà thời Pháp thuộc đều được sơn màu vàng đất để ăn khớp với cửa sổ màu xanh. Còn màu sơn mới của Bưu điện Trung tâm chỉ có thể bạc đi chứ không thể về màu sơn nguyên bản được. Hơn nữa, thời Pháp thuộc chất liệu được dùng để sơn là vôi, do chất liệu này không có độ bóng đã tạo cho tòa nhà vẻ thâm trầm cổ điển. Nhưng hiện tại chất sơn mới của tòa nhà là chất sơn có độ chói được dùng phổ biến ngày nay.
Không chỉ các kiến trúc sư, người dân cũng bày tỏ sự không đồng tình với màu sơn mới của Bưu điện Trung tâm và cho rằng, màu vàng sặc sỡ khiến tòa nhà lạc quẻ và mất đi sự hài hòa tổng thể với Nhà thờ Đức Bà và cảnh quan xung quanh. Sau khi vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận, Giám đốc Bưu điện Trung tâm TP.HCM cũng đã lên tiếng nhận lỗi “chủ quan, sơ suất” và tìm cách khắc phục màu sơn quá chói của tòa nhà. Đến tháng 03/2015, công trình đã được trả lại màu vàng nhạt dịu mắt và nhận được sự hài lòng từ dư luận.
Ở đầu cầu Hà Nội, cũng trong năm 2015, công chúng lại được một phen xôn xao khi Nhà hát Lớn Thủ đô xuất hiện với diện mạo hoàn toàn mới. Công trình cả trăm năm tuổi được gột sạch những mảng rêu bám tường, màu vàng nhạt cũ được thay thế bởi màu vàng chói, bóng bẩy. Ngay lập tức, dư luận đã dấy lên làn sóng phản đối và bày tỏ sự tiếc nuối, lo ngại vì Nhà hát Lớn giờ đây trở nên xa lạ, lạnh lùng khi mất đi dáng vẻ cổ kính, sang trọng.
Diện mạo mới khiến nhiều người bất ngờ, tiếc nuối của Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2015. (Ảnh: TTVH - Báo Người lao động)
Giới kiến trúc sư và nhà nghiên cứu văn hóa như KTS. Trần Huy Ánh, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thể hiện sự “tiếc nuối, hụt hẫng” trước diện mạo mới của Nhà hát Lớn Hà Nội và cho rằng, màu sơn mới đã làm mất đi giá trị lịch sử, văn hóa của công trình. Sau đó, Phó Cục trưởng Cục Di sản và Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội lúc bấy giờ, đã lên tiếng trên báo Vietnamnet rằng, màu sơn mới là “cơ bản chuẩn” và đơn vị thi công đang “sơn thử nghiệm”. Do tổng thể công trình quá lớn nên đơn vị thi công phải sơn 100% tòa nhà mới đánh giá được hết. Một lần nữa, tranh cãi lại xảy ra, bởi có nhiều ý kiến phản bác rằng nếu sơn thử nghiệm thì không thể sơn toàn bộ tòa nhà được, như vậy là “làm bừa, không đúng quy trình”.
“Sơn thử nghiệm” cũng là lời giải thích được các đơn vị thi công dự án bảo tồn biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài đưa ra với công chúng khi những lùm xùm xoay quanh màu sơn mới của công trình này diễn ra trong thời gian gần đây.
Cụ thể, tháng 04/2023, UBND quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội khởi công dự án trùng tu, cải tạo biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo sau nhiều năm kết hợp nghiên cứu cùng Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France, Pháp (PRX). Ban đầu, dự án nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình bởi đang “hồi sinh” căn biệt thự cổ trên khu đất “vàng” sau nhiều năm bị bỏ hoang. Tuy nhiên, khi dự án sắp hoàn thành, màu sơn mới của công trình lại nhận về sự chỉ trích và nhiều lời chê bai từ dư luận. Người nhẹ nhàng thì cho rằng màu sơn mới “quá đậm”, “không phù hợp”, người gay gắt hơn thì thẳng thắn chê “chói mắt”!
Trước phản ứng của dư luận, UBND quận Hoàn Kiếm và ông Emmanuel Cerise - Đại diện vùng Ile de France, Giám đốc Cơ quan PRX tại Việt Nam đều lên tiếng đính chính, màu vôi hiện tại của biệt thự là đang trong quá trình thử nghiệm. Ông Emmanuel Cerise cũng khẳng định rằng, sẽ bảo tồn công trình bằng việc tìm ra đúng màu gốc dựa trên những tư liệu được tìm thấy chứ không phải chạy theo thị hiếu ngày nay.
Có thể thấy, trong một số trường hợp, dư luận thường nằm ở thế bị động, phải trải qua những cung bậc cảm xúc như “bất ngờ”, “ngỡ ngàng” đến “hoang mang” khi một công trình kiến trúc cổ xuất hiện sau khi được trùng tu, sửa chữa. Trong sự dẫn dắt của dòng cảm xúc đó, cũng dễ hiểu khi họ có xu hướng phản ứng gay gắt, trái chiều, thất vọng, hụt hẫng vì sự xung đột thị giác khi mà cảnh vật quen thuộc đang hiện lên trước mắt với một diện mạo xa lạ hoặc khác hoàn toàn với hình dung trong tâm trí.
Vấn đề được đặt ra là: Di sản kiến trúc là tài sản của cộng đồng, nhưng vì sao cộng đồng luôn là người biết sau về sự thay đổi của những công trình đó? Cho đến khi nào thì người dân được đặt vào vị thế chủ động, được đóng góp phần mình vào công tác bảo tồn, duy trì, tôn tạo những công trình mà họ hết mực yêu mến?
“Cộng đồng luôn ủng hộ những điều đúng đắn”
Chia sẻ với Reatimes, PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh phân tích, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị là giữ gìn, duy tu các công trình đó phục vụ cho các chức năng của cuộc sống mới.
"Trong quá trình bảo tồn, bên cạnh vai trò của các kiến trúc sư, chuyên gia, nhà quản lý thì vai trò của cộng đồng cũng là vô cùng quan trọng. Bất kể một di tích, di sản kiến trúc nào, nhất là những công trình gắn bó chặt chẽ với đời sống, chứa đựng những phong tục, tập quán, hoạt động của dân cư thì công việc bảo tồn càng cần có sự ủng hộ và đồng hành của cộng đồng", PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên nhận định.
Theo PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, việc gây ra tranh cãi trong dư luận chính là do cách tiếp cận và truyền thông của công tác bảo tồn những công trình di sản. Khi triển khai một dự án trùng tu, bảo tồn, về mặt kỹ thuật, quy trình thực hiện sẽ phải làm từng bước để đảm bảo tính nguyên gốc, giữ lại những giá trị tốt nhất của công trình đó với mục đích sử dụng của hiện tại. Nếu không để công chúng hiểu được từng bước trong quy trình đó thì sẽ rất dễ gây ra hiểu lầm không đáng có.
Trên thực tế, tranh cãi thường xảy ra khi có sự thay đổi đột ngột về màu sơn bên ngoài công trình. Trong quá khứ, đã từng có những công trình sau khi được tôn tạo, sửa sang nhưng lại không gây xôn xao dư luận, do lớp sơn mới khá giống và tệp màu với lớp sơn cũ.
Cho dù vậy, việc đưa ra màu sơn mới không phải là không có cơ sở về mặt khoa học, mà các đơn vị chịu trách nhiệm trùng tu, bảo tồn đều dựa trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn để áp dụng các kỹ thuật một cách phù hợp nhất. Để tránh sự xung đột, mâu thuẫn thì việc truyền tải thông điệp về lý do lựa chọn lớp áo mới cho công trình phải chạm được đến xã hội, đến công chúng để mọi người cùng hiểu và cùng đồng cảm được với nhà chức trách.
Cùng với đó, để tạo dựng niềm tin với cộng đồng về sứ mệnh của công tác trùng tu, bảo tồn công trình cổ, trong quá trình thực hiện bảo tồn bất kỳ một công trình nào, nên để cộng đồng tiếp cận và có nhận thức về từng bước thực hiện quy trình bảo tồn, bám sát theo cơ sở lý thuyết và thực tiễn của các đơn vị thực hiện.
Ví dụ như vào khoảng những năm 1995, Thụy Điển cũng hỗ trợ Hà Nội bảo tồn một ô phố ở khu vực phố cổ. Họ đã tổ chức khảo sát ý kiến của người dân thông qua hai đợt triển lãm. Đợt triển lãm ban đầu công bố kết quả khảo sát và nghiên cứu về lịch sử, những giai đoạn trước đây và màu sắc nguyên gốc của công trình sau khi tiến hành các biện pháp tách lớp sơn trên bề mặt công trình để phân tích. Sau khi thiết kế xong các phương án bảo tồn, đơn vị thực hiện cũng tổ chức đợt triển lãm thứ hai để cho người dân được biết và được đóng góp thông qua các phiếu lấy ý kiến. Ý kiến của người dân sẽ dựa theo trí nhớ của họ hoặc theo những tài liệu lưu hành trong cộng đồng mà có thể chuyên gia không có. Trên cơ sở đó, đơn vị thực hiện cũng có thể chọn lựa và triển khai phương án phù hợp.
Sau cùng, cộng đồng luôn ủng hộ những điều đúng đắn và họ cần được cung cấp căn cứ để có niềm tin rằng giải pháp bảo tồn những công trình kiến trúc cổ là đúng đắn. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến của người dân không nên tổ chức một cách hình thức, sáo rỗng mà nên tôn trọng và công khai, minh bạch để họ thực sự nhận thấy vai trò của mình trong quá trình khoác cho di sản một tấm áo mới. Những nỗ lực tổ chức truyền thông các dự án trùng tu, bảo tồn di sản kiến trúc một cách chuyên nghiệp, bài bản sẽ kéo gần hơn công chúng với nhà chức trách, để họ cùng hợp lực hỗ trợ chuyên gia và cũng là để công trình với diện mạo mới được “sống lại”, được đón nhận bởi cộng đồng của chính nó./