Aa

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Văn hóa đô thị đối diện nhiều thách thức

Thứ Hai, 10/04/2017 - 08:01

Cùng với những lợi ích đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tốc độ đô thị hóa nhanh, rộng đang làm phát sinh nhiều hệ lụy không mong muốn cả về văn hóa và an sinh xã hội. Với góc nhìn của một chuyên gia lâu năm, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, đã trao đổi với chúng tôi nhiều gợi mở quanh vấn đề này, nhìn từ câu chuyện của Thủ đô Hà Nội.

Còn nhiều tồn tại

- Để đất nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì đô thị hóa là yêu cầu quan trọng, là động lực để phát triển, nhưng đồng thời đô thị hóa cũng tạo ra những áp lực và thách thức mới đối với sự phát triển của đô thị. Vậy theo ông, Hà Nội có đặc thù gì trong quá trình đô thị hóa?

KTS Đào Ngọc Nghiêm

- Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao trong khu vực và so với thế giới. Nếu những năm 90 thế kỷ trước, chúng ta chỉ có khoảng 500 đô thị, khoảng 19% dân số sống trong các đô thị, thì đến 2015, chúng ta đã có 757 đô thị, và số dân sống trong các đô thị chiếm khoảng gần 40% dân số. Trong định hướng phát triển đô thị, đến 2025, dự kiến chúng ta sẽ có khoảng 1.000 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa chiếm khoảng 40-50%. 

Với tốc độ đô thị như vậy, chúng ta có thể thấy Hà Nội đã có không gian phát triển đô thị, diện mạo đô thị có sự đột biến rất lớn. Trước hết, về quy mô, nếu năm 1954, Hà Nội có diện tích khoảng 152 km2 thì đến nay Hà Nội đã mở rộng ra diện tích gần 3.340 km2, là đô thị có diện tích lớn nhất cả nước, và là một trong 12 thủ đô có quy mô lớn, kể cả về quá trình phát triển với 1000 năm lịch sử và diện mạo. Rất nhiều cấu trúc đô thị mới đang ứng dụng ở các đô thị hiện đại thì đã được ứng dụng rộng rãi ở TP Hồ Chí Minh và đặc biệt là Hà Nội. 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của đô thị Hà Nội, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, chúng ta thấy còn nhiều tồn tại.

Tồn tại lớn nhất là bảo đảm hài hòa giữa phát triển mới với việc bảo tồn các di sản. Tồn tại thứ hai là phát triển không gian vật thể chưa tương xứng với phát triển kết cấu hạ tầng. Thứ ba là phân bố dân cư, dù đã nhiều lần quy hoạch, Hà Nội hiện nay sau mở rộng 2008 đã có quy hoạch chung phê duyệt lần thứ bảy rồi nhưng kết cấu cơ sở hạ tầng, lựa chọn mô hình cấu trúc đô thị nào thích hợp thì còn là vấn đề tồn tại. Tồn tại nữa là ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo thành đô thị thân thiện, đô thị xanh, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề thách thức của toàn cầu, cũng đồng thời là thách thức của Hà Nội.

- Hiện nay dư luận đánh giá là văn hóa đô thị, đặc biệt văn hóa của Hà Nội đang có những chuyển biến, có những mặt tích cực nhưng cũng có những mặt chưa tích cực, thậm chí, văn hóa Hà Nội hiện nay đang hướng tới bị nông thôn hóa. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Trong quá trình đô thị hóa thì văn hóa đô thị là một trong những tiêu chí để đánh giá thực trạng, trình độ lối sống ở trong các đô thị, hay nói cách khác là văn hóa đô thị là tấm gương phản chiếu quá trình đô thị hóa, phản chiếu khả năng thích ứng của người dân đối với sự biến đổi về diện mạo của đô thị.

Nhìn nhận về văn hóa đô thị nói chung, chúng ta phải nhìn nhận trên bốn phương diện: thứ nhất, là nhận thức về văn hóa của cộng đồng, người dân, chính quyền, các cấp liên quan. Chúng ta phải nhìn nhận xem họ sống theo kiểu nào, truyền thống hay hoàn toàn hội nhập theo lối sống mới và họ có nhìn nhận văn hóa là vấn đề chung của toàn xã hội, vấn đề phản ánh tấm gương của đô thị mới không? Hay là họ nhìn văn hóa là một vấn đề của riêng mình?

Biểu hiện thứ hai là nhìn nhận các giải pháp về văn hóa, nghệ thuật, cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn (xem chúng ta chỉ có truyền thống, hay có sự gắn kết với các loại hình mới…) thái độ của người dân với các loại hình đó. Cũng cần nhìn nhận cách thức người dân liên hệ, kết nối với nhau như thế nào (người dân kết nối trực tiếp hay dùng các công nghệ hiện đại?). Tiêu chí thứ ba là lối sống - trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Vì gia đình là tế bào của xã hội, nên đánh giá lối sống của từng giai đoạn cần nhìn vào đó. Tiêu chí thứ tư, chúng ta cần xem xét yếu tố phi vật thể, hay nói cách khác là yếu tố tâm linh mới, thí dụ thiên nhiên hiện cũng được coi là yếu tố có tâm hồn để được con người ưu ái. Tâm linh ở đây không phải là tôn giáo, mà được hiểu là niềm tin vào những quy luật của tự nhiên. 

Cần hoàn thiện các thể chế, quy chế

- Trên cơ sở những yếu tố đánh giá về văn hóa, lối sống như vậy, soi chiếu vào hiện trạng của Hà Nội, ông thấy thế nào?

- Sau bốn lần điều chỉnh địa giới, với sự xâm cư của người dân các địa phương về Hà Nội thì thực chất văn hóa, lối sống của Hà Nội là nơi tích tụ, sàng lọc các yếu tố mới để tạo nên nét văn hóa đa dạng nhưng vẫn giữ được nét riêng của nó. Hiện tại, chúng ta đã tạo lập được một nền văn hóa mới nhưng đương nhiên, còn tồn tại một vấn đề là chúng ta đang thiếu những hướng dẫn hợp lý, những thông tin quảng bá để người dân thấy được cái đúng, cái sai, cái hay để người ta tiếp thu và những cái dở nên loại bỏ dần. Tôi cũng tán thành nhận định: quá trình nông thôn hóa đô thị hiện nay có tác động bởi lối kinh tế cá thể của nền nông nghiệp.

Hà Nội là kinh đô của nước Việt từ cả nghìn năm trước. Trải qua quá trình phát triển, văn hóa của thủ đô chúng ta cần nhìn nhận đó là lối sống, kết tinh từ tinh hoa của cả nước chứ không phải của đặc trưng một vùng đất, nhưng cũng không bảo thủ mà luôn có sự tìm tòi, hội nhập, bổ sung để làm giàu thêm văn hóa truyền thống của Hà Nội. Như vậy, đặc trưng văn hóa trong lối sống người Hà Nội không phải là cái gì bất biến, mà luôn có những chuyển động để thích hợp với giai đoạn mới. Vấn đề là phải có những hướng dẫn ứng xử làm sao để tạo nên lối sống thích hợp với giai đoạn hiện nay.

- Với góc nhìn của ông, Hà Nội cần phải làm gì để hình thành được lối sống mới mang đặc trưng đô thị phù hợp?

- Từ góc nhìn của một người đã từng làm công tác quản lý đô thị, tôi cho rằng để định hình lối sống đô thị chúng ta phải có giải pháp thích hợp để hướng dẫn, quản lý. Quản lý ở đây không phải là ra lệnh, hoặc là quy định cấm mà quản lý theo cách truyền bá thông tin, giới thiệu những điều tốt đẹp, những nét truyền thống và phân tích rõ ràng các yếu tố để người dân hiểu và lựa chọn. Phải biết gắn kết giữa truyền thống với quá trình phát triển, với các yếu tố hiện đại. Nếu không, chúng ta sẽ làm mất đi các bản sắc đặc thù. Một thách thức lớn đối với đô thị, đó là cần hoàn thành các thể chế, quy chế, bởi vì, để người dân tự nguyện tìm cho mình một lối sống riêng là điều cần, nhưng phải có sự hướng dẫn, vì lối sống, văn hóa đô thị không phải là của một con người mà nó là biểu hiện văn minh, văn hóa của cả xã hội.

Hà Nội đã khởi xướng và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, nhưng khi đưa ra lại không nhận được sự đồng thuận cao. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ. Không nên nghĩ quy tắc ứng xử chỉ là những quy định, mà ở đây còn phải tính đến chuyện quảng bá những nét văn hóa đô thị: văn hóa trong giao thông thế nào là thích hợp, văn hóa trong giao tiếp, văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn… Bộ quy tắc ứng xử hiện nay đang vướng ở chỗ chưa tìm được sự đồng thuận giữa yêu cầu quản lý với nhu cầu của người dân.

Vấn đề nữa là cần phải có sự thanh tra, kiểm tra, xử lý, giáo dục. Vấn đề này đã được đặt ra, nhưng hiện đang theo cách cưỡng bức nên người dân không nghe, vậy phải chăng cần phải tính toán lại hình thức này, không nên chỉ do cơ quan chức năng tiến hành, mà ngay từ chính trong cộng đồng người dân, như mô hình vườn hoa, sân chơi ở một số địa điểm do người dân tự phát xây dựng cũng là những mô hình tốt cần được nhân rộng. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top