Tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng đều qua các năm, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi đi vay vốn ngân hàng.
Số liệu thống kê được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra cho thấy, 3 tháng đầu năm 2019 tín dụng tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018, trong đó: tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15,57%, chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, 54% dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, 41% trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 5% là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Vì sao doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn?
Chia sẻ tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vừa tổ chức, bà Phạm Thị Phương Hoa, giám đốc một công ty chuyên về nông sản và thực phẩm sạch tại Hà Nội cho biết, công ty khởi nghiệp từ năm 2013, đến nay đã có chuỗi 40 cửa hàng về thực phẩm sạch trên toàn quốc.
Để thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Hoa đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng nhưng đi đâu bà cũng nhận được câu hỏi: "chị có tài sản gì để thế chấp?". Do không có tài sản thế chấp nên đến nay doanh nghiệp của bà Hoa vẫn chưa thể vay vốn ngân hàng.
"Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đó là tài sản thế chấp", bà Trần Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cũng bày tỏ khó khăn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi vay vốn ngân hàng.
Một thực tế cho thấy, do thủ tục vay ngân hàng khó đã khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ ngại vay vốn nên đã tìm đến nguồn vay tín dụng đen. Trước thực trạng này, bà Hằng kiến nghị: "Ngành ngân hàng cần có các giải pháp để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn tốt hơn".
Lý giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô nhỏ, đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể. Sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp.
Đặc biệt, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo. Đây là những lý do chính ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Còn với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân, nguyên nhân bắt nguồn cả từ ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, ông Thân cho rằng, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Cụ thể Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần rất quan tâm đến cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, ở nhiều bộ phận hay nhiều địa phương vẫn còn tình trạng "thờ ơ" với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; Còn về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch...
"Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng khi quyết định cho vay vốn", ông Thân chia sẻ.
Cần thêm những giải pháp tối ưu
Trước những khó khăn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải, một câu hỏi được giới doanh nghiệp quan tâm, đó là: giải pháp nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Thân cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp cần đồng hành, ngồi lại trao đổi với nhau để tìm ra giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét việc hạ thấp điều kiện cho vay, nếu không thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không vay được vốn.
"Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau và để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp", ông Thân nhấn mạnh.
Còn bà Lê Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh - một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng nông sản- kiến nghị: "Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa với các gói vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngành hàng nông sản, nông nghiệp. Còn đối với các ngân hàng, nên thiết kế các gói vay tín chấp phù hợp với mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp".
Với quan điểm của cơ quan quản lý, ông Trần Văn Tần cho biết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian tới ngành ngân hàng sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay...
Một trong những giải pháp trọng tâm được Ngân hàng Nhà nước hướng đến trong thời gian tới được ông Tần chỉ ra. Đó là: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ.