Aa

Vì sao gỡ hết “nút thắt“, nhà ở công nhân vẫn bế tắc?

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 01/10/2020 - 06:00

Nguồn vốn và quỹ đất được xem là 2 nút thắt lớn nhất trong việc phát triển nhà ở cho công nhận, nhưng nghịch lý là dù rất dồi dào hai yếu tố này, thiết chế công đoàn lại vẫn rơi vào nguy cơ vỡ trận.

Vì sao nhiều năm qua, dù liên tục có những chính sách ưu tiên cho phát triển nhà ở công nhân nhưng hầu như các chiến lược phát triển loại hình nhà ở này đều đi vào bế tắc? Ngay cả một chính sách nhân văn như thiết chế công đoàn, những tưởng sẽ là “nút mở”, hiện thực hóa giấc mơ an cư của hàng triệu công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cũng đang đứng im tại chỗ, khó hẹn ngày cán đích?

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, trong câu chuyện phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân, chúng ta có những chủ trương tốt nhưng cách làm thì chưa hiệu quả, nên không những không đạt được mục tiêu mà còn gây lãng phí nguồn lực. Mấu chốt của vấn đề nằm ở cách thức triển khai và mức độ quyết liệt của các bên liên quan trong việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Dự án "đắp chiếu" cửa đóng then cài, công nhân khốn khổ trong nhà trọ chật hẹp

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện đã hoàn thành 100 dự án nhà công nhân, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, đủ để bố trí cho khoảng 330.000 người lao động.

 

Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu, đồng nghĩa với việc 72% trong khoảng 4,8 triệu công nhân, người lao động vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu về nhà ở, vẫn phải tá túc trong những căn phòng trọ nhếch nhác, chật chội, ẩm thấp.

Trong đó, TP.HCM hiện mới chỉ giải quyết được khoảng 15% nhu cầu nhà ở cho công nhân. Tại TP. Hà Nội, vấn đề giải quyết nhà ở cho công nhân còn khó khăn hơn, ước tính mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu.

Tại tỉnh Hải Dương, theo Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, ước tính đến năm 2020, số lao động trong các KCN sẽ là 104.500 người và tăng lên 248.000 người vào năm 2030. Theo đó, sẽ có 31.800 lao động trong KCN có nhu cầu về nhà ở trong năm 2020, và con số này sẽ tăng lên 62.000 người trong năm 2030.

Tại tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng hơn 150.000 công nhân đang làm việc tại các KCN, tuy nhiên số công nhân có nhu cầu thuê nhà để ở là hơn 75.000 người. Ước tính, cứ mỗi năm, con số này tăng lên từ 20 - 30%.

Tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phần lớn công nhân lao động trong các KCN là người ngoại tỉnh, nhà ở cho công nhân lao động hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Đây cũng là bức tranh chung của công nhân lao động trên cả nước.

Đa  phần công nhân trên cả nước đang phải sống trong những khu nhà  trọ chật hẹp, ẩm thấp. Ảnh: Internet.

Qua khảo sát thực tế nhiều năm ở các KCN cho thấy, do thiếu thốn về nhà ở, hàng nghìn công nhân đã phải thuê nhà trọ bên ngoài với điều kiện sinh hoạt đa phần là thiếu thốn, chật chội và tạm bợ, ảnh hưởng sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động, đó là chưa kể đến vấn đề an ninh ở các khu trọ còn khá phức tạp. 

Mô hình nhà ở được xây dựng phổ biến xung quanh các KCN (nhà trọ do các gia đình hoặc cá nhân xây dựng), bên cạnh những thuận lợi trong sinh hoạt và đi lại thì loại hình này còn rất nhiều tồn tại và bất cập. Căn nhà ở được xây dựng tùy tiện về vật liệu, hình thức, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Các căn hộ có diện tích nhỏ từ 8 - 15m2 cho từ 2 - 5 người thuê với chất lượng ở thấp ảnh hưởng tới tinh thần và sức khoẻ của người lao động.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các KCN luôn rơi vào tình trạng mất ổn định. Để giữ chân công nhân, không ít các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng với số tiền trung bình từ 200.000 - 600.000 đồng/người. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc vấn đề, và nhiều doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động vẫn gặp không ít khó khăn.

Để nâng cao trách nhiệm trong việc phát triển nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai.

Vì sao gỡ hết “nút thắt“, nhà ở công nhân vẫn bế tắc?- Ảnh 5.
Nhu cầu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp ngày càng bức thiết.

Có “an cư” mới “lạc nghiệp”. Đó là niềm mong ước lớn nhất của những người công nhân tại các khu công nghiệp, và các thiết chế Công đoàn đã tạo hy vọng cho họ về một mái ấm của chính mình ở gần nơi làm việc. Những thiết chế Công đoàn cũng tạo ra các cơ sở hạ tầng trường học, khu vui chơi cho con cái của người lao động trong khu công nghiệp, tạo ra môi trường sống và làm việc đồng bộ, tiện ích nhằm đáp ứng các nhu cầu sống của công nhân. Khi đời sống an sinh được chăm lo, công nhân, người lao động có thể an tâm để cống hiến, góp sức vào công cuộc sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội.

Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 thiết chế Công đoàn được xây dựng trên cả nước, nhưng đến thời điểm hiện tại, mới có 3 thiết chế Công đoàn được triển khai xây dựng tại các tỉnh: Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang; 41 địa phương có kế hoạch bố trí đất với diện tích từ 1 - 5ha để Tổng Liên đoàn xây dựng các thiết chế của Công đoàn. Là địa phương có đông công nhân nhưng đến nay, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có thiết chế Công đoàn nào phục vụ người lao động.

Ở một số khu vực xây dựng thí điểm, các thiết chế công đoàn hiện vẫn chỉ là những bãi đất trống mênh mông cỏ mọc, những hạng mục thi công dang dở đến nay vẫn đóng cửa then cài và có dấu hiệu xuống cấp.

Thực tế này cho thấy, khả năng đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân hiện đang rất thấp. Các thiết chế công đoàn dường như đã đi vào bế tắc khi chưa thể giải quyết được dù chỉ là phần nhỏ của những nhu cầu bức thiết này.

Phát triển nhà ở công nhân: Cần sự chuyên môn hóa

Vì sao gỡ hết “nút thắt“, nhà ở công nhân vẫn bế tắc?- Ảnh 6.
TS. Nguyễn Văn Đính.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên nhân khiến một chủ trương tốt như thiết chế Công đoàn rơi vào tình trạng bế tắc, nguy cơ vỡ trận là do việc xây dựng nhà ở không phải là sở trường của Tổng Liên đoàn lao động dù việc đảm bảo đời sống an sinh cho người lao động là trọng trách lớn lao của họ.

“Chúng ta chưa có nghiên cứu kỹ và đồng bộ về nhà ở công nhân, dẫn đến tình trạng đơn vị nào cũng muốn làm nhưng làm chưa đủ, chưa tới. Bởi khả năng họ chỉ có đến thế thôi. Công đoàn là đơn vị quản lý, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Họ làm tốt vai trò đó và họ có thể tạo ra nguồn vốn tài chính và định hướng cho việc phát triển nhà ở cho người lao động để đảm bảo cuộc sống của họ. Tuy nhiên, họ không thể là đơn vị có thể làm chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, kể cả nhà ở cho công nhân thuê”, ông Đính khẳng định và nhấn mạnh rằng việc xây nhà ở cũng cần chuyên môn hóa, giống như việc người chuyên làm bánh xà phòng thì không thể giao cho họ làm kẹo ngọt.

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, ở các quốc gia phát triển, trong câu chuyện phát triển nhà ở, các tổ chức xã hội (ở Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội) chỉ đơn thuần tham gia để huy động vốn, trợ giúp chứ không bao giờ được giao làm chủ đầu tư, bởi vì tính chất kỹ thuật mang tính chuyên nghiệp trong xây dựng, kể cả công tác quản lý, vận hành nhà ở, tất cả những điều đó không phù hợp với chức năng của một tổ chức xã hội.

“Việc một tổ chức chính trị - xã hội đứng ra làm chủ đầu tư một dự án nhà ở có thể đem lại hiệu quả hay hậu quả, chúng ta đã có thể nhìn thấy rõ, khi sự “vỡ trận” của các khu thiết chế Công đoàn được triển khai ở nhiều tỉnh thành đã không chỉ còn là nguy cơ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, câu chuyện của thiết chế công đoàn đã cho thấy bài học về cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển nhà ở. Theo đó, việc phát triển nhà ở, kể cả nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp phải được giao cho đơn vị có năng lực, kinh nghiệm triển khai, cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý thì mới tạo ra hiệu quả.

“Nếu cho rằng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê thì tại sao không mời, thuê hay liên kết với các doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm phát triển bất động sản.

Chủ thể đứng ra làm chủ đầu tư phải là các doanh nghiệp, vai trò của Liên đoàn là lo cho đời sống của công nhân, người lao động, nếu như họ trích quỹ ra để hỗ trợ doanh nghiệp, có thể theo hình thức góp vốn thì câu chuyện này sẽ được triển khai rất tốt”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Vì sao gỡ hết “nút thắt“, nhà ở công nhân vẫn bế tắc?- Ảnh 7.
Câu chuyện của thiết chế công đoàn đã cho thấy bài học về cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển nhà ở.

Trước nguy cơ vỡ trận của thiết chế công đoàn, TS. Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, việc phát triển nhà ở công nhân cần phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng: Ở đâu cần, chỗ nào phù hợp?

“Gần như ở hầu hết các địa phương trên cả nước đang có hiện tượng tạo ra những quỹ nhà đúng đắn về chủ trương như nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người nghèo. Nhưng việc thực hiện chưa đúng. Chỗ cần thì không triển khai, chỗ không cần thì lại ồ ạt triển khai, có khi là để làm cho xong việc, làm cho có thành tích”, ông Đính nhấn mạnh.

Theo đó, vị chuyên gia đề xuất, trong thời gian tới, khi hình thành một khu công nghiệp, bắt buộc phải nghiên cứu phát triển khu dân cư đi kèm, đảm bảo mọi điều kiện, từ việc cự ly đi lại làm việc, đến chất lượng sống để tái tạo sức lao động và các quyền lợi an sinh của họ.

“Khi phê duyệt một dự án khu công nghiệp thì bắt buộc trong quy hoạch phải có khu dân cư, khu nhà ở cho công nhân cũng như hạ tầng đồng bộ. Và khu công nghiệp đó phải là khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp xanh, làm cơ sở tạo thành những khu đô thị công nghiệp", ông Đính nói.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng nhận định, công nghiệp chỉ là nơi tạo công ăn việc làm. Còn những yếu tố liên quan đến văn hóa, y tế, giáo dục có cội nguồn từ đô thị. Để phát triển bền vững thì phải nhìn từ khía cạnh đô thị hóa.

"Đã có thực tiễn chứng minh rất rõ ràng. Tương lai, chúng ta phải tổ chức lại cuộc sống cho người lao động và khắc phục những hạn chế của giai đoạn trước. Khi đó, đầu tư sẽ thực hiện đúng giá trị của mình, tạo nên cơ hội phát triển. Các tỉnh, thành phố nhờ đó cũng có thể chuyển từ KCN thành đô thị theo hướng bền vững", ông Cung nhận định.

Trong việc thu hút đầu tư vào xây dựng nhà ở công nhân, các chuyên gia cho rằng, việc đưa ra những ưu đãi cho doanh nghiệp cần phải là những ưu đãi cần thiết và có chế tài bắt buộc để các doanh nghiệp có động lực, có hứng thú. Các ưu đãi đối với việc xây dựng nhà ở xã hội phải đủ lớn mới hút được doanh nghiệp đầu tư nhưng các ưu đãi này phải gắn với trách nhiệm, đó là phải xây dựng xong mới được hưởng.

Đồng thời, cần công khai, minh bạch và thực hiện số hóa về thông tin các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, về đối tượng được hưởng và quy trình thủ tục. Không để tình trạng như hiện nay, cách làm chưa quyết liệt, thông tin vừa thiếu và mập mờ thì khó có thể "cởi nút thắt" phát triển nhà ở công nhân.

Nhìn rộng hơn, bài toán về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chỉ có thể được giải đáp một cách căn cơ nếu như tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tìm được tiếng nói chung, phát huy thế mạnh của các bên và kết hợp tốt các nguồn lực.

“Chúng ta không đảm bảo nhà ở, điều kiện sống chất lượng cho người lao động thì làm sao đòi hỏi họ lao động có hiệu quả và họ sẽ là những người lao động gắn bó lâu dài với các cơ sở sản xuất? Nhiệm vụ này không chỉ của chủ sử dụng lao động mà là của Nhà nước và các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp, và bất động sản”, TS. Nguyễn Văn Đính nói thêm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top