Khi xảy ra sự cố với các tuyến cáp quang biển, toàn bộ việc truy cập Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, mạng Internet trên di động "có thứ tự ưu tiên cao hơn" so với mạng cố định băng rộng, do đó, truy cập từ thuê bao di động sẽ được ưu tiên về đường truyền, nên bị ảnh hưởng ít hơn.
Đó là lý do nhiều người thấy mạng cáp quang tại nhà gặp khó khăn khi vào Facebook hay Google, nhưng khi dùng gói cước Internet 3G, 4G trên smartphone lại truy cập được bình thường.
Việt Nam hiện có 6 tuyến cáp quang biển và một số tuyến cáp trên đất liền, trong đó, các tuyến cáp quang biển vẫn là đường chính kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế. Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Mạnh Hưng, khi có tuyến cáp gặp sự cố, các nhà cung cấp vẫn có thể sử dụng các phương pháp kỹ thuật để cân bằng tải, giúp giảm thiểu hậu quả. Tuy nhiên, hai tuyến AAG và APG là những tuyến cáp chủ lực hiện nay, nên việc gặp sự cố cùng lúc ảnh hưởng không nhỏ đến việc kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.
Ông Hưng cho rằng, việc nhà cung cấp ưu tiên cho Internet di động cũng dễ hiểu khi nhu cầu sử dụng Internet trên di động tại Việt Nam ngày càng cao. Việc đảm bảo kết nối trên mạng di động cũng là cách để các nhà cung cấp dịch vụ giữ người dùng và thậm chí tăng doanh thu, bởi "thay nhà cung cấp Internet cáp quang thì khó, nhưng thay SIM mới thì rất dễ".
"Ngoài ra, các gói cước Internet cố định thường tính tiền theo thời gian, trong khi Internet di động tính theo dung lượng data. Người dùng Internet càng nhiều thì nhà mạng càng có nguồn thu", ông Hưng nhận định.
Thực tế, mấy ngày qua, nhiều người dùng tại Việt Nam phải đăng ký các gói cước 4G trên di động để sử dụng các dịch vụ quốc tế.
Phạm Thủy, nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty tại Hà Nội cho biết, cô gần như không thể truy cập được fanpage Facebook để làm việc, vì vậy đã phải đăng ký gói cước Internet di động với giá 70 nghìn, mặc dù tiền Internet cáp quang trước đó đã đóng đủ. Trong bài viết về sự cố đứt cáp APG, nhiều độc giả cũng phản ánh họ phải đăng ký các gói 4G để sử dụng thay cho Internet cáp quang, vì đây là cách duy nhất để truy cập các dịch vụ quốc tế như Facebook, Google.
Trong chưa đầy hai tháng, người dùng Internet tại Việt Nam hai lần gặp sự cố mạng. Hồi đầu tháng 4, phần lớn người dùng phải học tập và làm việc qua Internet khiến lưu lượng Internet tại Việt Nam tăng vọt, gây ra "nghẽn mạng", kết hợp với sự cố đứt cáp quang AAG khiến việc truy cập gặp nhiều khó khăn. Đến giữa tháng 5, hai sự cố liên tiếp với các tuyến cáp AAG (ngày 14/5) và APG (ngày 23/5) là nguyên nhân khiến việc truy cập vào các dịch vụ nước ngoài bị ảnh hưởng.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet cho biết đang áp dụng một số phương pháp như san tải, sử dụng kênh dự phòng để đảm bảo chất lượng đường truyền trong thời gian này. Tuyến cáp AAG dự kiến sẽ được sửa xong vào ngày 1/6 tới, trong khi tuyến APG chưa có lịch sửa chữa.