KCN cao Láng Hòa Lạc hoang vắng
“Riêng khu công nghệ cao Hòa Lạc hai năm liên tiếp không thu hút được thêm dự án FDI nào” - Đó là tất cả những gì mà UBND TP Hà Nội nhắc đến khu công nghệ cao Hòa Lạc trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây.
Yên tĩnh suốt hai năm
Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó lại là sự thật. Mâu thuẫn vì đây là khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, được Chính phủ đầu tư và định hướng thành cái nôi về công nghệ cao ở Miền Bắc, ấy vậy mà lại không hề thu hút được bất cứ một dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao nào trong suốt hai năm qua. Mâu thuẫn khác vì khi VN đang chuyển hướng dần sang thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao đó lại chọn điểm đến là những khu công nghiệp hoặc nằm ngoài khu công nghiệp thay vì vào nơi đã được quy hoạch và chuẩn bị chào đón sẵn như khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Samsung Electronics là một ví dụ. Hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới này khi bắt đầu tìm kiếm một địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động năm 2008 đã chọn Bắc Ninh. Nokia sau đó cũng theo chân Samsung xây một nhà máy sản xuất điện thoại ở Bắc Ninh. Cả hai tập đoàn công nghệ điện tử đó đều không đến khu công nghệ cao Hòa Lạc. Và sau này, dự án thứ hai của Samsung lại được đặt ở Thái Nguyên, còn trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thì được tập đoàn này thuê hẳn 8 tầng của tòa nhà PVI Tower làm trụ sở chính. Và ngay cả bây giờ, như chúng tôi đã đề cập trong số báo trước, khi Samsung muốn tìm một địa điểm mới để xây dựng một trung tâm R&D lớn ở Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD, thì nhà đầu tư này lại hướng đến khu vực quận Hoàng Mai. Các tập đoàn đa quốc gia khác như Piaggio hay LG Electronics khi phát triển các dự án R&D hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao cũng đã lựa chọn Vĩnh Phúc và Hải Phòng là điểm đến.
Nếu nhìn lại lịch sử của khu công nghệ cao Hòa Lạc, cũng có thể thấy việc thu hút đầu tư vào đây chưa bao giờ sôi động. Trong suốt 18 năm tồn tại, đã có 69 dự án trong và ngoài nước đăng ký đầu tư vào đây, nhưng chỉ có 32 dự án đang hoạt động. Một con số khá khiêm tốn so với một khu công nghệ cao tầm cỡ quốc gia và cũng đã được đầu tư khá nhiều tiền của vào để phát triển hạ tầng. Đặc biệt, ở đây còn vắng bóng những dự án của các tên tuổi lớn trong làng công nghệ cao thế giới. Giữa năm ngoái Chính phủ cũng đã quyết định rót hơn 400 triệu USD vào để phát triển cơ sở hạ tầng của khu công nghệ cao Hòa Lạc, phần lớn là từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Nhưng ngần đó dường như cũng không đủ tạo thêm sức hấp dẫn nào đối với các nhà đầu tư. Phần lớn diện tích khu công nghệ cao cho đến nay vẫn là những bãi đất trống.
Nếu là vì thiếu một cơ chế đặc thù khiến các nhà đầu tư nước ngoài lãng quên, hoặc không muốn đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc thì chưa hẳn đã đúng.
Do cơ chế hay do gì?
Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, cuối năm ngoái đã giải thích rằng khu công nghệ cao Hòa Lạc không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì thiếu một cơ chế đặc thù. Cụ thể hơn, toàn bộ các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao này vẫn chưa được hưởng bất kỳ một chính sách ưu đãi đầu tư khác biệt nào. Một nguyên nhân nữa được ông Phạm Đại Dương viện dẫn là do khu công nghệ cao nằm trên địa bàn Hà Nội, nhưng ban quản lý lại thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nên dẫn đến sự phối hợp chưa đồng bộ với nhau.
Chính vì thế, Bộ Khoa học và Công nghệ năm ngoái đã soạn thỏa một bản đề xuất với Chính phủ cơ chế đặc thù dành riêng cho khu công nghệ cao Hòa Lạc để tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn chưa được thông qua.
Chưa bàn tới nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư nước ngoài lãng quên, hoặc không muốn đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc là gì. Nhưng nếu là vì thiếu một cơ chế đặc thù thì chưa hẳn đã đúng. Vì các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc hay Thái Nguyên đều không có những cơ chế đặc thù đó, nhưng vẫn được các nhà đầu tư lựa chọn cho các dự án công nghệ cao. Còn cùng một cơ chế thu hút như nhau, khu công nghệ cao TP HCM lại đang tỏ ra hấp dẫn hơn rất nhiều.
Tính đến hết năm 2015, đã có 84 dự án đầu tư vào đây với tổng vốn đăng ký trên 5,4 tỷ USD. Tính về số năm tồn tại, khu công nghệ cao TP HCM còn ít hơn khu công nghệ cao Hòa Lạc 5 năm. Đặc biệt, nơi đây đang là “nhà” của rất nhiều dự án công nghệ cao của các tập đoàn đa quốc gia tên tuổi như Samsung, Intel, Jabil, Sonion và Nidec. Cuối năm ngoái, Samsung còn quyết định tăng thêm 600 triệu USD tại đây để nâng tổng vốn đầu tư vào khu công nghệ cao TP HCM lên 2 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, cơ chế chưa hẳn là yếu tố quyết định khiến khu công nghệ cao Hòa Lạc đến 2 năm qua vẫn không thu hút thêm được dự án nào. Trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội đã nhấn mạnh rằng Hà Nội đang đối diện với những thách thức cạnh tranh thu hút FDI với các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh... những nơi có lợi thế cạnh tranh hấp dẫn hơn về mặt bằng sản xuất sẵn có, giao thông, giá thuê nhân công và cả những tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính. Còn bản thân Hà Nội cho đến thời điểm này vẫn xây dựng cụ thể quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác, dẫn đến công tác thu hút đầu tư chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Đây là nhận xét nói chung về tình hình thu hút FDI vào Hà Nội nhưng cũng bao gồm cả khu công nghệ cao Hòa Lạc. Có lẽ đã đến lúc cần phải cải tổ công tác thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc một cách triệt để, chứ không chỉ dừng ở việc ra một cơ chế mới, để khu công nghệ cao này không còn bị các nhà đầu tư lãng quên nữa.
Khó có sự đột phá về cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa lạc
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT
Đúng là khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được đầu tư khá nhiều về cơ sở hạ tầng nhưng chưa tạo được sức hút. Mô hình khu công nghệ cao hiện tại chưa tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư vì vẫn đang hoạt động giống với mô hình một khu công nghiệp hơn. Ngoài thu hút các dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao, khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng chưa có được những hạng mục như phòng thí nghiệm, khu nghiên cứu để các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao đến thuê. Chính vì vậy các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao vẫn còn chọn các địa điểm gần các trung tâm thành phố lớn, nơi có đủ điều kiện hơn. Trước đây chúng tôi cũng nỗ lực định hướng cho dự án R&D của Samsung vào Hòa Lạc, nhưng nhà đầu tư đưa ra lý do rằng Hòa Lạc ở quá xa, khó tuyển dụng được lao động vì làm công nghệ cao cần tuyển những lao động được đào tạo tốt, những người thường ở các thành phố lớn. Hơn nữa, hiện tại đã có Luật Công nghệ cao, đây là ưu đãi cao nhất dành cho các DN công nghệ cao, bất cứ đầu tư vào đâu. Nếu như khu công nghệ cao Hòa Lạc không tạo được sự hấp dẫn hơn về hạ tầng, sự hỗ trợ với nhà đầu tư, hỗ trợ về nguồn nhân lực thì các nhà đầu tư sẽ tìm đến các khu công nghiệp khác thuận lợi hơn cũng là điều dễ hiểu. Về cơ chế đặc thù, tôi nghĩ cũng khó để có một sự đột phá về cơ chế cho Hòa Lạc, bởi vì mọi cơ chế không thể vượt quá các quy định trong Luật Công nghệ cao và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được. Điều cần thiết là Hòa Lạc phải thay đổi cách xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh việc tìm kiếm và tiếp xúc với nhà đầu tư và xây dựng các mô hình phù hợp với nhu cầu của các DN công nghệ cao.
Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án nhằm thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Gia Phương - GĐ Trung tâm Xúc tiến ĐT- TM - DL TP Hà Nội
Khu CNC Hoà Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng chính như khu phần mềm, khu trung tâm, khu giáo dục đào tạo, khu nghiên cứu triển khai, khu công nghiệp công nghệ cao… Đây được coi là dự án trọng điểm quốc gia nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia, rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học và công nghệ giữa VN với khu vực và thế giới.
Mặc dù, Khu CNC Hoà Lạc do Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc trực thuộc Bộ KH&CN, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu CNC Hòa Lạc. Tuy nhiên, TP. Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu CNC Hoà Lạc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai Dự án và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư do TP. Hà Nội tổ chức. Cụ thể, trong những năm qua, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư do TP Hà Nội tổ chức chúng tôi đều giới thiệu với các nhà đâu tư trong và ngoài nước về dự án, các chính sách ưu đãi đầu tư. Đặc biệt là từ khi TP Hà Nội thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch (ĐT -TM -DL) Hà Nội năm 2015, việc xúc tiến kêu gọi đầu tư càng được chú trọng và phối hợp chặt chẽ hơn. Đơn cử như ngày 24/8/2015 chúng tôi có tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lớn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư... trong và ngoài nước. Chúng tôi đã đưa Khu CNC Hoà Lạc trong danh mục các dự án ưu đãi kêu gọi đầu tư cũng như giới thiệu chi tiết về dự án trước các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI. Ngoài ra năm 2015, tại các Hội nghị xúc tiến đâu tư tại Nga, Nhật... chúng tôi đều kêu gọi và đưa ra giới thiệu những chính sách ưu đãi của dự án. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã quyết tâm thực hiên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ và đến nay TP Hà Nội đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân thuộc diện di dời, đảm bảo tiến độ của Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc triển khai trong năm 2015 và hoàn thành vào cuối năm 2018.
Có thể nói đên nay việc thu hút các dự án FDI CNC vào khu CNC Hoà Lạc chưa được như kỳ vọng, tuy nhiên với nhiều giải pháp đồng bộ cùng chính sách của Chính phủ tôi tin rằng trong thời gian tới “Hữu xạ tự nhiên hương” Khu CNC Hoà Lạc sẽ “hút” nhiều nhà đầu tư FDI.