Năm 2016, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng được đánh giá là có nhiều khởi sắc hơn. Nhưng qua kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của một số ngân hàng, có thể nhận thấy diễn biến rằng, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận không tỷ lệ thuận với mức chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt.
Cụ thể, LienVietPostBank dự kiến mức cổ tức là 10%, trong đó chỉ có 4% tiền mặt, 6% là cổ phiếu. Ngân hàng Quốc tế VIB được Đại hội cổ đông phê duyệt tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức rất cao là 44,6%. Tuy nhiên, cổ tức bằng tiền mặt chỉ là 5%, còn lại là chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (39,6%).
Trong khi đó, Ngân hàng VPBank thậm chí còn không có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt mà dành toàn bộ phần lợi nhuận chưa phân phối để tăng vốn.
Ở khối Ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh, Vietcombank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ ở mức 8%, tương đương với tổng số tiền là 2.878 tỷ đồng.
Với BIDV, mức trả cổ tức bằng tiền là 7% dự kiến sẽ giúp Bộ Tài chính thu về hơn 2.200 tỷ tiền cổ tức từ ngân hàng này. Năm ngoái BIDV cũng trả cổ tức năm 2015 tỷ lệ 8,5% bằng tiền mặt sau khi Bộ Tài chính có ý kiến và số tiền Bộ này thu về khoảng 2.700 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thực tế cho thấy bản thân các ngân hàng thương mại cho dù có muốn trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao cho các cổ đông cũng đang gặp không ít khó khăn.
Đầu tiên là phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ chi trả. Ngân hàng Nhà nước những năm gần đây theo dõi rất kỹ hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt. Đặc biệt là đối với các ngân hàng còn đang vướng nợ xấu và năng lực tài chính chưa vững mạnh.
Tiếp đến việc trả cổ tức bằng tiền mặt cũng chịu áp lực của tăng vốn nhằm đáp ứng Thông tư 06 và xa hơn nữa là chuẩn Basel II buộc các ngân hàng phải ưu tiên hơn cho việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì trả hết bằng tiền mặt.
Theo đó, BVSC cho rằng với những định hướng này thì cổ đông của các ngân hàng có thể sẽ phải tiếp tục nhận cổ tức tiền mặt ở mức thấp thêm một vài năm nữa.