Aa

Vì sao nhiều Đại biểu Quốc hội không đồng tình để Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội?

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 27/10/2023 - 06:09

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề cần phải có phân tích đánh giá kỹ lưỡng, nếu có vấn đề xảy ra thì ai bảo vệ người lao động?

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (khoản 4 Điều 80) còn ý kiến khác nhau, UBTVQH xin báo cáo 2 phương án:

Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi. 

Phương án 2: Chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật.

Trước hai phương án nêu trên, một số đại biểu bày tỏ sự ủng hộ phương án 1, cho phép tổ chức công đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhưng bên cạnh đó còn nhiều đại biểu băn khoăn và tỏ rõ quan điểm không đồng tình với phương án 1.

Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thể hiện quan điểm không đồng tình khi đưa tổ chức công đoàn vào xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân: “Trước hết, nhiều đại biểu nói rằng đồng tình trong chọn phương án 1 khi đưa tổ chức công đoàn trở thành chủ đầu tư. Tôi thấy lý giải này chưa thỏa đáng. Vì Công đoàn là người đại diện tiếng nói cho người lao động, bây giờ Công đoàn lại trở thành những chủ đầu tư. Nếu như khi nhà có vấn đề thì ai sẽ là người đại diện cho người lao động để nói lên tiếng nói đó? Do vậy cho nên khi thiếu nhà thì Công đoàn phải chịu trách nhiệm và không ai có ý kiến thêm. Vì vậy, tôi đề nghị Công đoàn đồng ý là đơn vị có thể được đầu tư nhà ở cho người lao động nhưng chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình và làm để Công đoàn lấy cơ sở để so sánh để có tiếng nói với các lực lượng khác”.

hoàng văn cường
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn

Cũng tranh luận về nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường và phân tích thêm: "Chúng ta biết đây là vấn đề mới. Trước đây Chính phủ đã có Quyết định 65 năm 2017 và Quyết định 1279 năm 2020 về đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất, những quyết định này thực hiện đến năm 2030; trong các thiết chế đó thì có nhà ở và quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần phải được làm rõ, mà Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, kỹ lưỡng quá trình thực hiện các quyết định này như thế nào, xem thử đủ độ chín để đưa vào luật hay chưa. Tinh thần làm luật như Chủ tịch Quốc hội thường nói rằng những cái gì đã chín, đã rõ thì mới đưa vào luật. Việc này đã đủ độ chín hay chưa, bởi vì cần phải có đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng thì mới biết chín hay chưa để đưa vào trong luật. 

Thứ hai, việc xây dựng nhà ở để bán, để kinh doanh, cho thuê, theo pháp luật hiện hành là thuộc về các tổ chức kinh tế mà có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nhà ở thực hiện, ví dụ như Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư quy định việc này. 

Thứ ba, việc giao cho một cơ quan nhà nước hay một tổ chức chính trị xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua là chưa phù hợp với yêu cầu tách chức năng quản lý nhà nước, chức năng chính trị xã hội của tổ chức với chức năng sản xuất kinh doanh, do vậy cần phải cân nhắc thật kỹ vấn đề này. Theo tôi, chưa nên quy định trong luật mà cần tiếp tục thực hiện các quy định tại Quyết định 655 và 1729 của Thủ tướng Chính phủ và sau đó có tổng kết". 

tô văn tám
ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum). Ảnh: quochoi.vn

Cùng có quan điểm tương đồng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) bày tỏ: "Tôi đồng ý với ý kiến đại biểu Cường, nên cân nhắc việc này; với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; nếu có thì chỉ thực hiện một số dự án. Một điều quan trọng tôi nhắc lại là việc xây dựng rồi thì vấn đề quản lý, bảo trì, bảo hành, duy trì sử dụng cực kỳ quan trọng, cần phải được tính toán".

Vấn đề Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có nên trở thành chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay không đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trong suốt thời gian qua, trong đó bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì còn rất nhiều quan điểm phản biện cho rằng cơ quan này là tổ chức đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của công nhân, việc tham gia vào đầu tư không phải là chức năng nhiệm vụ chính, có thể dẫn tới thất thoát, lãng phí, không đạt hiệu quả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Vì vậy nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có tổng kết đánh giá kỹ lưỡng về đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trước khi luật hóa vấn đề này.

Trao đổi với Reatimes tối 26/10, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, ông kiên quyết phản đối việc đưa tổ chức công đoàn vào làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

"Tổ chức công đoàn đang là tổ chức đại diện cho người lao động để đối thoại với các chủ doanh nghiệp thì nay tham gia vào đầu tư lại trở thành giới chủ, như vậy không chỉ có nguy cơ lãng phí mà còn ảnh hưởng tới vai trò của tổ chức. Chẳng lẽ bây giờ thiếu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thì đi đầu tư xây nhà, rồi sau này thiếu cơ sở y tế thì lại đi xây bệnh viện, trạm xá? Vì vậy, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phải có tổng kết, đánh giá một cách khoa học xem những gì tổ chức công đoàn đã làm được và cái gì đang tồn tại cần thiết phải tháo gỡ. Tôi cho rằng thảo luận xây dựng luật là phải chặt chẽ, có căn cứ cụ thể chứ không nên phát biểu cảm tính", đại biểu Cường nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top