Aa

Quận nào trong tầm ngắm không được xây chung cư cao tầng?

Thứ Hai, 23/04/2018 - 14:00

Chờ nguồn cung mới, giá thuê văn phòng TP.HCM tăng mạnh; QCG – cổ phiếu khiến nhà đầu tư đau đầu; Long Thành nóng đất quanh sân bay, mua rồi để đó; Quận nào trong tầm ngắm không được xây chung cư cao tầng?;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Quý I/2018: Chờ nguồn cung mới, giá thuê văn phòng TP.HCM tăng mạnh

Theo báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý I/2018 của CBRE, giá chào thuê cho văn phòng hạng A và B lần lượt đạt mức 39,71 USD và 22,35 USD/m2/tháng trong quý này. Trong đó, giá thuê hạng A tăng 3,5% so với quý trước và 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá chào thuê của văn phòng hạng B tăng lên 5,8% so với quý trước và 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Đạt được mức giá này do nguồn cung hạn chế và tăng giá thuê của một số dự án để phù hợp với tình hình mới của thị trường.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trống của cả hạng A và B đều giảm với văn phòng hạng A ghi nhận tỷ lệ trống ở mức 6,0%, giảm 2,4 điểm phần trăm so với quý trước. Tương tự, tỷ lệ trống của hạng B cũng được ghi nhận mức giảm xuống còn 2,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Cũng do không có nguồn cung mới nên tỷ lệ hấp thụ của cả hạng A và B đều giảm so với quý trước. Diện tích thực thuê của văn phòng hạng A được ghi nhận là 9.011 m2 trong khi của Hạng B là 3.009m2.

Theo dự báo của CBRE, trong thời gian tới, thị trường tiếp tục hoạt động tốt. Nhu cầu thuê vẫn sẽ cao với việc các khách thuê ngày càng mong muốn tìm kiếm diện tích thuê lớn với chất lượng tốt. Do đó, giá thuê dự đoán sẽ tăng khoảng 2% mỗi năm và tỷ lệ trống cũng sẽ được duy trì ở mức thấp.

Xem chi tiết tại đây

Không xây chung cư cao tầng ở trung tâm Hà Nội: Quận nào trong tầm ngắm?

Để từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP HCM, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp khắc phục, giảm ùn tắc giao thông khu vực đô thị.

Nhiều giải pháp được đưa ra thực hiện đồng thời như: tập trung xây dựng hạ tầng hiện đại như cầu vượt, hầm chui, phát triển các khu đô thị vệ tinh, bố trí lại lực lượng dân cư lao động để giảm áp lực cho các thành phố lớn. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, một trong những giải pháp là tới đây sẽ không tiếp tục phát triển chung cư, căn hộ nhà cao tầng khu vực trung tâm.

 

Tình tình trạng tắc nghẽn giao thông tại nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội đã trở nên vô cùng cấp bách. (ảnh phố Giảng Võ)

 

Trước nội dung chỉ đạo “không tiếp tục phát triển chung cư căn hộ nhà cao tầng khu vực trung tâm” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội nhận định: “Tôi cho rằng đây là quyết định kịp thời. Bởi, tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, luôn bị sức ép đầu cơ bất động sản trong nội đô, khai thác triệt để quỹ đất xây dựng chung cư. Những sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ là bài toán chủ động về quy hoạch”.

Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, thực tế, những tính toán làm giảm dân nội thành và giãn dân chưa đạt hiệu quả. Trong khi đó hạ tầng nội đô cũng không có cơ hội được mở rộng phát triển hơn nữa. Và, nếu những khu đô thị, nhà cao tầng được triển khai ở trung tâm sẽ làm tăng áp lực, đưa hạ tầng, chất lượng cuộc sống vào những bế tắc.

Xem chi tiết tại đây

QCG – cổ phiếu khiến nhà đầu tư đau đầu

QCG đang khiến nhà đầu tư đau đầu bởi những thông tin xung quanh dự án Phước Kiển. Giá cổ phiếu QCG liên tiếp đi xuống chỉ còn 10.850 đồng/CP tương ứng mức giảm 61% so với mức đỉnh của năm 2017.

Cổ phiếu QCG trong khoảng 1 năm qua đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhưng cái nhà đầu tư quan tâm không chỉ là việc cổ phiếu này lên nhanh rồi xuống dần đều mà là các thông tin xung quanh tác động lớn đến diễn biến giá cổ phiếu QCG.

QCG bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh cao từ khoảng tháng 4/2017, giá cổ phiếu này bỗng nhiên tăng vọt từ mức 4.150 đồng/CP (phiên 21/3/2017) lên 27.940 đồng/CP (phiên 29/6/2017) – đây là mức giá tương đương với hồi cổ phiếu này mới lên giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Như vậy, chỉ trong khoảng 3 tháng, giá cổ phiếu QCG lên gấp 7 lần – một con số quá ấn tượng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào.

Tuy nhiên, lên nhanh thì xuống cũng nhanh là điều mà QCG cũng không tránh khỏi. Cổ phiếu này sau khi đạt mức 27.940 đồng/CP thì đã quay đầu giảm mạnh trở lại. Tuy nhiên, khác với một số cổ phiếu đầu cơ khác thì giá cổ phiếu QCG không lao dốc theo chiều thẳng đứng mà lại chia ra theo nhiều đoạn nhưng nhìn chung vẫn là một chiều đi xuống và chưa biết đâu là đáy.

Xem chi tiết tại đây

 

Cư dân căng băng rôn cầu cứu

Cư dân căng băng rôn cầu cứu" trước nơi tổ chức ĐHĐCĐ của BIDV

 

Đại hội cổ đông BIDV “đau đầu” vì "khách không mời mà đến"

Ngày 21/4, ngân hàng BIDV tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 với sự tham gia của 300 cổ đông, đại diện cho 96,36% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Điều đáng nói, Đại hội còn có gần 100 vị khách đặc biệt không được mời cũng đến bên ngoài cuộc họp.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ 12h30 trưa ngày 21/4, vài chục người dân đã có mặt trước địa chỉ số 773 Hồng Hà để căng băng rôn với các nội dung: "BIDV phải có trách nhiệm đến khi người dân nghèo nhận được NƠXH", "BIDV Tây Hà Nội không vì lợi ích khách hàng mua nhà ở xã hội Bright City", "AZ Thăng Long lừa đảo nhà ở xã hội Bright City"…

Dự án AZ Thăng Long vốn là dự án nhà ở thương mại, thế nhưng, trong suốt quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần "đắp chiếu" và để giải cứu dự án, năm 2014 chủ đầu tư đã xin chuyển dự án này sang nhà ở xã hội để được hưởng các ưu đãi, đặc biệt là gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Mặc dù cam kết hoàn thành bàn giao nhà quý III hoặc quý IV/2017, song cho đến nay, dự án đã thi công chậm tiến độ, kế hoạch bàn giao nhà không được chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng mua bán, đã nhiều lần người mua nhà phải "kêu cứu" tới các cơ quan chức năng.

Người dân cho rằng BIDV cần có trách nhiệm đến khi người dân nhận được nhà ở xã hội tại dự án Bright City như hợp đồng.

Xem chi tiết tại đây

Long Thành nóng đất quanh sân bay, mua rồi để đó

Sau khi có thông tin chỉ đạo giải phóng mặt bằng làm dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), thị trường đất đai ở khu vực này nóng bất thường và lan sang các khu vực lân cận.

Việc quy hoạch diện tích cho các hạng mục chức năng ở vùng phụ cận ngoài dự án sân bay chưa có nhưng có nhiều "chiêu trò" để mua bán đất.

Đến tỉnh lộ 769 qua các xã Lộc An, Bình Sơn, Bình An (thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) lúc này thấy hàng loạt băngrôn, tờ rơi mua bán đất được dán khắp nơi. Ở nhiều nơi, các cơ sở dịch vụ mua bán, ký gửi đất cũng mọc lên chào bán.

 

Một dự án khu dân cư đang được xây dựng cơ sở hạ tầng tại xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc

Một dự án khu dân cư đang được xây dựng cơ sở hạ tầng tại xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc

 

Khi được hỏi tại sao vẫn có nhiều khu vực đất nông nghiệp rao bán lô nền ở vùng phụ cận sân bay Long Thành dù đang quy hoạch, anh Hoàng - một người mua bán đất ở khu vực Long Thành, Nhơn Trạch - cho biết chính quyền quy định về điều kiện tách thửa đối với từng loại đất, nhưng không thể cấm người dân giao dịch, mua bán khi chưa có quy hoạch cụ thể.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Đồng Nai đề nghị giấu tên, việc mua bán đất đai hiện nay bất chấp pháp luật, lách luật. Đó là hiện trạng làm hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đang trở nên phổ biến.

Từ đây tổ chức sự kiện rao bán đất, phát tờ rơi đủ kiểu... và đã không ít trường hợp người dân "tiền mất tật mang" do dự án "ma".

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top