Aa

Vì sao tên gọi Hải Phòng vẫn được giữ nguyên sau sáp nhập?

Thứ Hai, 21/04/2025 - 17:03

Dự thảo đề án cho biết việc giữ lại tên Hải Phòng sau sáp nhập với Hải Dương dựa trên nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa và kinh tế.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương đã phối hợp xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng.

Theo như phương án sắp xếp, đơn vị mới sẽ mang tên TP. Hải Phòng với quy mô lớn về diện tích, dân số, trung tâm chính trị - hành chính được đặt tại TP. Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Theo như dự thảo đề án, sau khi hợp nhất, TP. Hải Phòng mới sẽ có tổng diện tích khoảng 3.194km2 với mức dân số hơn 4,6 triệu người.

Vì sao tên gọi Hải Phòng vẫn được giữ nguyên sau sáp nhập?- Ảnh 1.

Một góc TP. Hải Phòng. Ảnh: Internet

Đơn vị hành chính mới sẽ có vị trí địa lý chiến lược, tiếp giáp với các tỉnh trọng điểm vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Theo đó, phía Bắc sẽ giáp tỉnh Bắc Giang (dự kiến là tỉnh Bắc Ninh mới), phía Nam giáp tỉnh Thái Bình (dự kiến là tỉnh Hưng Yên mới), phía Đông giáp Quảng Ninh và phía Tây giáp Bắc Ninh và Hưng Yên. Sự kết nối này hứa hẹn tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng.

Dự thảo Đề án lựa chọn việc giữ nguyên tên gọi Hải Phòng cho đơn vị hành chính mới sau khi hợp nhất dựa trên nhiều yếu tố về lịch sử, văn hóa và kinh tế.

Trong dự thảo Đề án tổ chức lại đơn vị hành chính, phương án giữ nguyên tên gọi Hải Phòng cho thực thể mới sau sáp nhập không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, mà là kết tinh của nhiều lớp trầm tích lịch sử, văn hóa và giá trị kinh tế bền vững.

Hải Phòng từng là địa danh đã khắc sâu trong bản đồ dựng nước và giữ nước của dân tộc – từng là cửa ngõ quân cảng trọng yếu từ thời phong kiến, và tiếp tục phát huy vai trò chiến lược trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Vì sao tên gọi Hải Phòng vẫn được giữ nguyên sau sáp nhập?- Ảnh 2.

Một góc tỉnh Hải Dương. Ảnh: Internet

Thành phố này còn là một trong những đô thị hiếm hoi được quy hoạch từ thời Pháp thuộc theo mô hình cảng biển hiện đại, mang đậm bản sắc riêng của một đô thị ven biển kiên cường và không ngừng đổi mới.

Tên gọi Hải Phòng không chỉ là biểu tượng lịch sử mà còn là thương hiệu phát triển đã định vị vững chắc trong nước và quốc tế. Với những danh xưng đầy tự hào như "Thành phố Cảng", "Thành phố Hoa Phượng Đỏ", hay "Thành phố du lịch biển", Hải Phòng gắn liền với hệ sinh thái kinh tế biển lớn nhất miền Bắc – nơi có cảng nước sâu Lạch Huyện, hạ tầng logistics hiện đại, công nghiệp phát triển nhanh và mạng lưới giao thông hàng không – đường bộ đồng bộ.

Năm 2024, tổng GRDP toàn thành phố ước đạt khoảng 430.000 tỷ đồng, khẳng định vị thế vượt trội về quy mô kinh tế trong khu vực.

Đề án cũng xác định Thủy Nguyên là trung tâm chính trị – hành chính mới của thành phố sau sáp nhập. Đây là khu vực đang vươn mình mạnh mẽ với tầm vóc một đô thị trung tâm hiện đại, được quy hoạch bài bản, có lợi thế nổi bật về vị trí địa lý nằm giữa trung tâm hiện tại của Hải Phòng và địa phận tỉnh Hải Dương, đồng thời giáp ranh Quảng Ninh.

Hạ tầng giao thông kết nối tại Thủy Nguyên đã hình thành rõ nét, với các trục huyết mạch như cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Bính, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hải Dương, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, Quốc lộ 5 và Quốc lộ 10.

Thủy Nguyên cũng án ngữ ở vị trí "đắc địa" khi gần sân bay quốc tế Cát Bi và hệ thống cảng biển nhằm thuận tiện kết nối trong và ngoài nước.

Hạ tầng đô thị tại đây hiện cũng đang có sự phát triển mạnh với nhiều KĐT mới, quỹ đất rộng và không gian mở, mô hình đô thị thông minh hiện đại.

Nhờ những điều kiện sẵn có cũng như định hướng quy hoạch bài bản.

Nhờ điều kiện sẵn có cũng như định hướng quy hoạch bài bản, TP. Thủy Nguyên được đánh giá là sự lựa chọn tối ưu đối với trung tâm hành chính của TP. Hải Phòng mới nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển trong nhiều thập kỷ tới đây.

Việc giữ tên gọi Hải Phòng không chỉ là sự kế thừa hợp lý về địa danh, mà còn là cách để bảo tồn một biểu tượng đô thị đã gắn bó với lịch sử dân tộc, phản ánh đúng bản chất phát triển năng động của toàn khu vực, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và sự gắn kết trong cộng đồng dân cư sau hợp nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top