Aa

Vì sao thiết kế cảnh quan cần yếu tố bản địa?

Thứ Tư, 30/10/2019 - 13:53

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tính bản địa trong thiết kế cảnh quan trở thành xu hướng tất yếu. Mỗi công trình mang yếu tố bản địa sẽ cùng góp lại, tạo ra một ngôn ngữ kiến trúc riêng của Việt Nam.

Tại hội thảo “Tính bản địa trong cảnh quan - Native in Landscape” diễn ra ngày 29/10 vừa qua, KTS Lê Tuấn Long, Tổng giám đốc Công ty Eden Landscape đã có những chia sẻ về yếu tố bản địa trong các dự án bất động sản.

Sự tất yếu của tính bản địa

Lý giải về sự tất yếu của một công trình mang tính bản địa, KTS Lê Tuấn Long cho rằng, xu hướng toàn cầu hóa đã tác động đến Việt Nam song sự du nhập của các phong cách kiến trúc thế giới đã mang tới nhiều công trình không có ngôn ngữ rõ nét hay mang tính chất địa phương, vùng miền. Và điều đáng tiếc là đến nay, Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm kiếm một ngôn ngữ kiến trúc chung.

“Trong xu hướng toàn cầu hóa thì chúng ta phải làm cho nó khác đi, phải biến những công trình của mình trở thành một sản phẩm có bản sắc”, KTS Long khẳng định.

Lý giải về 2 từ “bản địa”, KTS Long giải thích: “Nói đến bản địa là nghĩ tới địa phương vùng miền. Mỗi một vùng đất chúng ta đều nhận thấy có nét riêng. Nếu chúng ta khai thác được yếu tố này sẽ tạo ra được một công trình rất đặc sắc”.

Một yếu tố khác của yêu cầu phải xây dựng các công trình mang tính bản địa là bởi, đối với những nước Á Đông thì sự tự trọng và tự hào là điều tối quan trọng. Hiện nay, xu hướng cá nhân hóa, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc rất phổ biến.

“Khi chúng tôi làm dự án, các chủ đầu tư mong muốn xây dựng công trình có nét riêng. Ngoài quảng bá các dự án rõ nét và độc lập thì những cư dân sống trong vùng đó sẽ rất tự hào vì quê hương của họ có một cái gì đó để gọi thành tên”, KTS Long chia sẻ thêm.

Cách xây dựng tính bản địa trong từng công trình

Rõ ràng, một công trình cần phải có ngôn ngữ riêng, mang tính bản địa, nhất là trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Nhưng làm thế nào để mang yếu tố đó vào các công trình lại là một bài toán không hề đơn giản.

Đưa ra lời giải cho bài toán này, KTS Long cho rằng, trước một công trình, kiến trúc sư phải tìm hiểu điều kiện tự nhiên môi trường khí hậu của địa phương đó. Sau khi tìm hiểu, kiến trúc sư phải vận dụng tối đa các yếu tố để tạo ra một công trình có khả năng tối ưu hóa năng lượng, đảm bảo được hệ sinh thái và tính bền vững của công trình. Mục đích cuối cùng cho một sản phẩm chất lượng vẫn phải là hiệu quả mang tính bền vững.

“Nếu làm dự án nào mà cũng nghĩ tới tinh thần bản địa, tức chúng ta đã tạo ra sự khác biệt và làm cho tính bản địa đó tỏa sáng. Mỗi một dự án đều có bối cảnh riêng. Kết hợp phong tục tập quán, chúng ta sẽ đưa ra được câu chuyện thú vị”, KTS Long nói.

Thiết kế cảnh quan cần phải có yếu tố bản địa

Vị KTS này cũng cho rằng, thông thường, các dự án đều được chủ đầu tư đưa ra yêu cầu phải có một câu chuyện riêng, hấp dẫn. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt truyền thông, quảng bá mà còn mang nét văn hóa, xây dựng nền tảng tốt bền vững.

“Lý do để các công trình đó tồn tại và hình thành vô cùng quan trọng. Chúng ta nên tìm cho nó một câu chuyện, một lý do xứng đáng”, KTS Long nhấn mạnh: “Bản địa sẽ phải kết hợp với cảm xúc. Thiết kế cảnh quan suy cho cùng là thiết kế cảm xúc. Nếu không có cảm xúc thì cảnh quan không tồn tại lâu dài được bởi nó tạo được linh hồn cho các dự án. Ngoài tính toán thông thường, khi thiết kế chúng ta phải cảm nhận được sự rung động của mình trong những sản phẩm đang làm. Điều đó sẽ tạo nên một công trình tốt, chất lượng. Khi chúng ta nhìn sâu vào những giá trị bản địa. Chúng ta nêu bật được nó ra, khai thác được sức mạnh của nó thì sẽ lưu giữ được trong các tác phẩm của mình”.

Tuy nhiên, khi đưa yếu tố bản địa vào một dự án thì việc hướng tới sự cân bằng bền vững và đặc biệt là tạo ra lợi ích kinh tế tổng thể giữa chủ đầu tư, địa phương và khách hàng cũng là điều quan trọng. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top