Aa

Vì sao TP.HCM dừng xây khu trung tâm hành chính tập trung?

Thứ Hai, 05/12/2016 - 21:00

Vì sao chính quyền TPHCM phải cân nhắc việc dừng triển khai dự án xây dựng trung tâm hành chính tập trung (TTHC) tại trung tâm thành phố?

Muốn dừng dự án

Đầu tháng 11/2016, sau chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm TTHC công tại Quảng Ninh và Đà Nẵng, UBND TP.HCM đã đề nghị Thường trực Thành ủy TP.HCM cân nhắc việc dừng triển khai dự án xây dựng TTHC tập trung (đang hoàn thiện giai đoạn 1).

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, việc xây dựng TTHC tập trung của Quảng Ninh và Đà Nẵng đã giúp chính quyền hai địa phương này nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp nhưng cũng tốn kém không ít tiền ngân sách. Tuy nhiên, nếu TP.HCM triển khai mô hình TTHC tập trung như Đà Nẵng, Quảng Ninh trong lúc này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Như đã biết, trung ương đã điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM từ 23% xuống chỉ còn 18% nên nguồn vốn đầu tư cho TTHC tập trung gặp khó. Bởi, để xây dựng TTHC tập trung đủ diện tích cho 6.000 cán bộ nhân viên làm việc (tối thiểu 48.000 mét vuông diện tích phòng làm việc - bình quân 8 mét vuông/người - chưa tính phòng họp, chỗ đậu xe...), cần hàng ngàn tỉ đồng vốn đầu tư và phí vận hành.

Để phục vụ tốt nhất có thể cho người dân, chính quyền TPHCM đang triển khai chương trình một cửa liên thông điện tử kèm dịch vụ công trực tuyến tại từng sở, ngành. Trong ảnh: Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Ảnh: LÊ HOÀNG

Để phục vụ tốt nhất có thể cho người dân, chính quyền TPHCM đang triển khai chương trình một cửa liên thông điện tử kèm dịch vụ công trực tuyến tại từng sở, ngành. Trong ảnh: Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Ảnh: LÊ HOÀNG

Thực tế nhìn vào TTHC Đà Nẵng chúng ta cũng có thể hình dung được điều này. TTHC của Đà Nẵng có quy mô chỉ 17 tầng (với 25.000 mét vuông sàn xây dựng, đáp ứng nhu cầu làm việc cho 1.400 cán bộ nhân viên) nhưng đã phải cần số vốn đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng. Hiện tại, mỗi năm chính quyền Đà Nẵng phải trả chi phí vận hành cho công ty quản lý tòa nhà TTHC (khoảng 10 tỉ đồng) và tiền điện, nước (10 tỉ đồng)...

Nhưng vốn đầu tư và chi phí vận hành chỉ là khó khăn “ban đầu”. Theo Sở Nội vụ TPHCM, năm 2015, TTHC tập trung của Đà Nẵng giải quyết chưa đến 150.000 bộ hồ sơ hành chính mà hiện tượng quá tải giao thông tại khu vực đặt TTHC đã xảy ra. Với số lượng giải quyết mỗi năm cả chục triệu bộ hồ sơ như TP.HCM (năm 2015 gần 10 triệu bộ hồ sơ), nếu xây dựng TTHC tập trung, thì việc giải bài toán ách tắc giao thông cho khu vực quả là quá khó.

Đó là chưa kể, khi tập trung toàn bộ bộ máy của chính quyền thành phố vào một tòa nhà, một khu vực thì vấn đề an ninh, an toàn cũng là một thách thức. Có ý kiến cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế, khi đầu tư, các doanh nhân luôn áp dụng nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ” để hạn chế rủi ro. Cho nên, trong chính trị, nguyên tắc hạn chế rủi ro ấy càng cần được áp dụng.

“Giải pháp mềm” thay thế

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, việc xây dựng TTHC tập trung là một cách thức cải cách thủ tục hành chính (tiện cho việc trao đổi công việc giữa các sở, ban, ngành) để chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Tuy nhiên, do xây dựng TTHC tập trung quá tốn kém nên thành phố chọn giải pháp thay thế là xây dựng chính quyền điện tử một cửa.

Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, để phục vụ tốt nhất có thể cho người dân, chính quyền TP.HCM đang triển khai chương trình một cửa liên thông điện tử kèm dịch vụ công trực tuyến tại từng sở, ngành. Theo đó, mỗi lĩnh vực (như đô thị, kinh tế, giáo dục...) sẽ có một sở tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (sở đó phải liên thông với các đơn vị khác, không để người dân, doanh nghiệp cầm hồ sơ đi đến từng nơi).

Trước mắt, thành phố đã chọn Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường (phục trách bốn lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc nhất) để triển khai liên thông điện tử trước. Sở Xây dựng cho biết sở này đang xây dựng trung tâm tiếp nhận và giải quyết tất cả các hồ sơ liên quan đến cấp giấy phép xây dựng trên toàn thành phố. (Trung tâm này sẽ liên thông điện tử với tất cả các quận, huyện, sở ngành khác để xử lý tất cả các vấn đề về cấp phép xây dựng).

Ngày 15/11/2016, tại cuộc họp bàn về cải cách hành chính, ông Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu các sở, ngành, quận huyện phải phấn đấu để đến năm 2020, 100% thủ tục hành chính các sở, ngành, quận, huyện liên quan đến người dân, doanh nghiệp áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (người dùng điền và gửi các mẫu văn bản qua mạng, trả phí và nhận kết quả qua bưu điện).

Ngoài ra, chính quyền TP.HCM cũng đang đẩy mạnh áp dụng chữ ký số trong việc triển khai hướng dẫn các sở, ngành, quận, huyện sử dụng văn bản điện tử - tiến tới thay thế và chấm dứt sử dụng hình thức văn bản giấy từ đầu năm 2017. Bởi, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, văn bản giấy hiện nay chuyển từ sở này qua sở kia có khi cả tuần mới đến trong khi văn bản điện tử thì chỉ trong vài giây.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, việc áp dụng văn bản điện tử là nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử. Theo ông, trong điều kiện hiện nay, việc liên thông điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ tốt hơn là xây dựng TTHC tập trung. Nhưng, trong tương lai, khi có điều kiện, TP.HCM sẽ xây dựng TTHC theo từng lĩnh vực.

Cần cân nhắc!

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc chính quyền TP.HCM cân nhắc dừng dự án TTHC tập trung tại trung tâm quận 1 hiện nay là hợp lý (vì vị trí này không thích hợp). Ông ủng hộ việc tiến tới xây dựng một chính quyền điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông, công việc đó đòi hỏi phải có thời gian, trong khi một TTHC tập trung cho TPHCM hiện nay là rất cần thiết. Vì thực tế trụ sở làm việc của các sở, ngành hiện nay đã quá tải, cải tạo lắt nhắt còn tốn hơn...

Do đó, ông Sơn đề xuất chuyển dự án TTHC tập trung tại quận 1 hiện nay sang khu vực Thủ Thiêm để giảm chi phí đầu tư (đất rẻ hơn); đồng thời quy hoạch lại TTHC sẽ gồm một số tòa nhà xen kẽ trong một khu vực (chứ không phải trong một khu đất) có thương mại, dịch vụ ăn uống, khách sạn... (miễn đáp ứng được yêu cầu cán bộ nhân viên các sở ban ngành có thể đi bộ để gặp nhau, trao đổi công việc) và tất cả các tuyến metro đều phải kết nối với khu vực này để giải quyết bài toán giao thông.

 

Sắp hoàn thành TTHC TP.HCM giai đoạn 1

Công trình kéo dài tòa nhà UBND TP.HCM hiện hữu đến đường Đồng Khởi (giai đoạn 1 dự án TTHC tập trung của TP.HCM) sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, theo ông Trương Trọng Thảo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM (đơn vị làm chủ đầu tư dự án).

Theo thiết kế, công trình được xây trên khu đất 750 mét vuông (tại số 213 đường Đồng Khởi) với tổng diện tích sàn xây dựng là 3.391 mét vuông, gồm một tầng hầm (1.891 mét vuông), hai tầng nổi (1.500 mét vuông). Công trình có kiến trúc tương đồng với tòa nhà UBND thành phố hiện hữu này được đầu tư khoảng 53 tỉ đồng.

Công trình này do kiến trúc sư Nguyễn Thị Tuyết Mai chủ trì thiết kế kiến trúc và Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà TPHCM làm chủ đầu tư.

Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch TP.HCM, dự án Khu trung tâm hành chính TPHCM giai đoạn 1 nói trên là một phần nhỏ trong tổng thể dự án Khu trung tâm hành chính TP.HCM.

Theo quy hoạch, toàn bộ Khu trung tâm hành chính TPHCM có diện tích 18.000 mét vuông, giới hạn bởi bốn tuyến đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi (quận 1).

Dự kiến, Khu trung tâm hành chính TPHCM là nơi làm việc của tám cơ quan nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc, khoảng 1.700 người (gồm: Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giao thông Vận tải).

Hiện chính quyền TP.HCM đang đàm phán thuê Công ty Nikken Sekkei triển khai đồ án thiết kế kiến trúc cơ sở của công trình Khu trung tâm hành chính TPHCM với giá từ 2,5-3,7 triệu đô la Mỹ (vì đơn vị này đã đoạt giải cuộc thi ý tưởng thiết kế công trình này).

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì phương án thiết kế công trình Khu trung tâm hành chính TP.HCM của Công ty Nikken Sekkei (đạt 81 điểm) có bố cục chặt chẽ. Giải pháp bảo tồn, di dời công trình phía đường Lý Tự Trọng - Đồng Khởi tạo được không gian hợp lý, vừa hình thành được không gian cây xanh phía đường Đồng Khởi đối xứng với công viên Chi Lăng tham gia vào không gian mở chung của đô thị.

Bên cạnh đó, phương án của Nikken Sekkei còn tạo được các không gian công cộng, sân vườn xen kẽ bên trong công trình; tổ chức giao thông hợp lý. Không gian kiến trúc khu hành chính mang nét Á Đông, có giải pháp thiết kế phù hợp khí hậu nhiệt đới như lam che nắng, vật liệu gốm cách nhiệt.

Tuy nhiên, hội đồng cũng lưu ý cần có giải pháp bảo tồn và di dời khối nhà phía đường Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, nhịp điệu mặt đứng khối cao tầng còn đơn điệu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top